Dự án 61 Trần Phú: Nghiên cứu khảo cổ thật kỹ trước khi thực hiện
Dấu tích của Hoàng thành Thăng Long đã được hoạch định từ lâu. Theo luật thì phải thăm dò, khai quật khảo cổ.
Dự án xây dựng công trình khách sạn 11 tầng nổi và 6 tầng hầm tại số 61 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) đang được dư luận quan tâm, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Dự án nằm trên vị trí đắc địa, gần Hội trường Ba Đình, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Hoàng thành Thăng Long, sân vận động Hàng Đẫy, Bệnh viện Xanh Pôn, và nhiều đại sứ quán.
Phải thăm dò, khai quật khảo cổ
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sáng 8/4, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết, dấu tích của Hoàng thành Thăng Long đã được hoạch định từ lâu. Theo luật thì phải thăm dò, khai quật khảo cổ.
Theo nghiên cứu của Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội dày trung bình 2 - 3 mét, nằm ở độ sâu 1 - 6 mét (trong khi công trình tại số 61 Trần Phú sẽ có 6 tầng hầm - PV).
Tầng văn hóa này có các lớp văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau, từ thời Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). So sánh với các địa điểm khác trong khu vực Ba Đình, tầng văn hóa ở đây là thống nhất. Điều đó chứng tỏ tính thống nhất của toàn bộ khu vực Hoàng thành Thăng Long trong khu vực trung tâm quận Ba Đình. Trước đây, trong quá trình xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) đã phát hiện nhiều di tích.
"Quá trình thi công những công trình này đã thực hiện Luật Di sản rất nghiêm, nhờ vậy mà Việt Nam có những di sản nổi tiếng. Do đó, cần nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện, tuân thủ nghiêm luật pháp và lời dặn của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước", ông Tín nhấn mạnh.
Trong Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín đã nêu ra một thực tế đáng lo ngại đó là việc, trong 3 thập kỷ các phát hiện khảo cổ học đều là do xây dựng các công trình làm phát lộ. Thời gian đầu, chỗ nào có ý thức báo lại thì cứu vớt được chút ít di vật. Chỗ nào không báo thì di sản bị mất vĩnh viễn.
Chỉ từ năm 1998 trở lại đây được sự quan tâm của Thành phố Hà Nội và Bộ Văn hóa Thông tin, các cuộc khai quật mới được Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và Viện Khảo cổ học tiến hành có kế hoạch và theo đúng trình tự khoa học. Do vậy, trong tương lai để bảo vệ di sản văn hóa Thăng Long 1000 tuổi dưới lòng đất, cần có quy chế khảo cổ học đô thị, trước hết cho Hà Nội.
Hồi năm 2010, khi mà giới khảo cổ phải lên tiếng về việc xây dựng thản nhiên bỏ qua các quy định của Luật Di sản, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã lưu ý rằng:
"Hà Nội có nhiều di tích, đặc biệt là khu vực trung tâm quận Ba Đình và Hoàn Kiếm, nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng gặp di tích. Chúng tôi đang tiến hành lập bản đồ di tích khảo cổ để có thể xác định tương đối chính xác vị trí các di tích dưới lòng đất. Với bản đồ này, khi các đơn vị thi công trên khu đất dự đoán có di tích sẽ bắt buộc phải cho tiến hành khai quật khảo cổ trước khi xây dựng.
Cũng đừng quá lo lắng vì khi khảo cổ vào cuộc là sẽ phải dừng thi công vô thời hạn, thậm chí chuyển đổi hoàn toàn chức năng khu đất được khai quật, biến thành bảo tàng hay cái gì đó tương tự. Hiện tượng Hoàng thành Thăng Long chỉ là hi hữu, nếu không nói là duy nhất. Nếu có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa quy hoạch đô thị và khảo cổ học đô thị, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được việc khai quật khảo cổ trước khi xây dựng các công trình ở các khu vực nhạy cảm".
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc, trong trường hợp thi công công trình 61 Trần Phú mà phát hiện di tích của Kinh đô Thăng Long, nếu không có sự giám sát và can thiệt kịp thời, rất có thể Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất đi những di sản vô giá.
Chỉ đạo nóng
Ngày 8/4, UBND TP. Hà Nội đã có công văn về việc thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại Văn bản số 354-CV/TU, ngày 6/4/2022, của Thành ủy Hà Nội về dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình.
Văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, căn cứ Quy hoạch chi tiết điều chỉnh Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình tại Quyết định số 3841/QĐ-UBND ngày 24/6/2017 (điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 4/5/2020).
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành Thành phố có liên quan và UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có); báo cáo, đề xuất, và dự thảo văn bản của Ban cán sự đảng UBND Thành phố báo cáo Bí thư Thành ủy về tình hình triển khai, kết quả thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại Văn bản số 354 ngày 6/4/2022, đảm bảo thời hạn trước 8/4/2022.
Trong thời gian các sở, ngành Thành phố kiểm tra, rà soát, UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng thực hiện việc phá dỡ, thi công xây dựng, thực hiện đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình; đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực dự án.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ tiếc nuối khi một dự án cao tầng "nhồi" vào khu vực trung tâm Ba Đình. Đây là khu vực được quy hoạch hài hòa, là trung tâm chính trị tạo nên thành phố di sản vậy mà phá bỏ một tài sản kiến trúc là vô cùng đáng tiếc.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, kiến trúc Pháp đóng góp một nửa vào 1.000 năm Thăng Long, vậy mà kiến trúc Pháp vẫn rơi rụng dần một cách khó hiểu. Nếu phá hết các kiến trúc Pháp, Hà Nội sẽ không còn gì ngoài những ngôi nhà ống nham nhở và tòa cao ốc chọc trời. “Những kiến trúc Pháp tôn tạo nên một đô thị văn hiến, đẹp đẽ, duyên dáng. Nếu phá bỏ dần thì chúng ta còn di sản đô thị nào cho thế hệ mai sau?”, nhà văn đặt câu hỏi.
Bày tỏ quan điểm của mình, KTS Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, chuyển đổi một thành phố hiện đại hoá là tất yếu nhưng có rất nhiều cách để hiện đại hoá. Có rất nhiều thành phố đã hiện đại hoá những công trình lịch sử và đem lại những giá trị, những ích lợi hơn rất nhiều.
Trong khi một công trình có giá trị về lịch sử, có giá trị về Cách mạng như vậy lại bị phá huỷ một cách dễ dàng như thế này thì e rằng Hà Nội với định hướng phát triển thành phố thông minh, thành phố sáng tạo nhưng sẽ vô tình quên đi ký ức hào hùng của mình.
Kiến trúc sư Phan Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: Hãy trân trọng quá khứ, chúng ta có thể sẽ tăng GDP rất nhiều, Hà Nội sẽ thu được hàng tỷ tiền thuế, nhưng Hà Nội sẽ không có được những công trình như thế nữa.
Hoàng Hải