Thứ sáu, 22/11/2024 11:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 11:00 (GMT+7)

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú

Theo dõi KTMT trên

Tòa nhà thuộc khu đất vàng 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội có vị trí 4 mặt phố Hùng Vương, Trần Phú, Lê Trực, Nguyễn Thái Học, gần trung tâm quận Ba Đình bị chủ đầu tư phá dỡ để thực hiện dự án 11 tầng.

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch

Trong các ngày 4-5/4/2022, nhiều thông tin phản ánh việc phá dỡ công trình tại khu đất số 61, phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Nội dung phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ghi lại sự kiện lịch sử, cách mạng bắn rơi máy bay Mỹ.

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 1
Công trình có 4 mặt tiền. (Ảnh: afamily)

Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP.Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, Nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61, phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.

Mặt khác, Khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 2
Công trình tại 61 Trần Phú đang giai đoạn phá dỡ.

Liên tiếp trong các ngày gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng phản ánh về việc cần xem xét lại phương án kiến trúc công trình bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ghi lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ.

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 3
Trong ảnh: Bức phù điêu ghi lại sự kiện lịch sử ngày 19/5/1967. (Ảnh: TTXVN).

Ngày 6/4, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1145/BXD-QHKT gửi UBND TP.Hà Nội về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61, phố Trần Phú, quận Ba Đình, TP.Hà Nội theo phản ánh của báo chí.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND Thành phố Hà Nội); nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Tòa nhà 61 Trần Phú không thuộc diện cần bảo tồn?

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội, công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá" được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2002 tổ chức chiều 6/4, liên quan đến việc phá dỡ công trình tại 61 Trần Phú, quận Ba Đình để xây dựng công trình đa chức năng Postef, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết: Khu đất số 61, phố Trần Phú hiện do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện là chủ đầu tư quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1738 ngày 16/4/2010 của UBND TP. Hà Nội.

Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078 m2 trong đó1.555 m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.

Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện. Công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá" được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố, khu đất nêu trên thuộc Khu Trung tâm chính trị Ba Đình với yêu cầu quản lý quy hoạch và không gian kiến trúc các công trình theo "Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình".

Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định  số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, khu đất Nhà máy thiết bị bưu điện (lô G1) thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình tại đây chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.

Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn để lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.

Nội dung đề xuất đầu tư xây dựng đã được Sở QH-KT báo cáo UBND TP.Hà Nội gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội, sở này đã tổ chức lấy ý kiến Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố; đồng thời đề nghị chính quyền sở tại tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có liên quan.

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 4
Dãy nhà dài hàng chục mét mặt phố, tại địa chỉ 61 Trần Phú.

Để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, căn cứ các quy hoạch, quy định có liên quan, Sở QH-KT đã chấp thuận Tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc công trình đa chức năng (Tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp) kèm theo Văn bản số 530/QHKT-TMB-PAKT ngày 25/01/2017 với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc:

Mật độ xây dựng khoảng 50%; Số tầng cao 11 tầng nổi + tum thang kỹ thuật và có 6 tầng hầm; Tổng diện tích sàn nổi khoảng 32.306,6 m², tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,3 m²; Chiều cao công trình 42,9 m, ông Kỳ Anh cho biết.

Cùng với đó, tại văn bản này, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã yêu cầu chủ đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình theo Thông báo số 3653/TB-HĐKTQH ngày 05/7/2016 của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố và các cơ quan có liên quan;

Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, hội nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn thiết kế có năng lực để được tư vấn, góp ý hoàn thiện hình thức kiến trúc công trình, đảm bảo phù hợp với chức năng sử dụng, có tính thống nhất với các công trình lân cận, đóng góp hiệu quả cho không gian kiến trúc cảnh quan trong tổng thể Khu trung tâm chính trị Ba Đình theo Quy hoạch chi tiết tại khu vực đã được phê duyệt.

Về công trình 61 Trần Phú, Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, công trình tại 61 Trần Phú là công trình công nghiệp của người Pháp xây dựng, kết cấu không có gì đặc biệt. Đối với kiến trúc mái hình răng cưa cũng có nhiều công trình có kiến trúc tương tự.

“Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Kiến trúc tòa nhà theo tôi tương đối đẹp”, lãnh đạo Sở QH - KT TP. Hà Nội nhận định.

Phá bỏ kiến trúc Pháp cổ, Hà Nội còn gì?

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 5
Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ tiếc nuối khi một dự án cao tầng “nhồi” vào khu vực trung tâm Ba Đình. Đây là khu vực được quy hoạch hài hòa, là trung tâm chính trị tạo nên thành phố di sản vậy mà phá bỏ một tài sản kiến trúc là vô cùng đáng tiếc.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, kiến trúc Pháp đóng góp một nửa vào 1.000 năm Thăng Long, vậy mà kiến trúc Pháp vẫn rơi rụng dần một cách khó hiểu. Nếu phá hết các kiến trúc Pháp, Hà Nội sẽ không còn gì ngoài những ngôi nhà ống nham nhở và tòa cao ốc chọc trời. “Những kiến trúc Pháp tôn tạo nên một đô thị văn hiến, đẹp đẽ, duyên dáng. Nếu phá bỏ dần thì chúng ta còn di sản đô thị nào cho thế hệ mai sau?”, nhà văn đặt câu hỏi.

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 6
KTS Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm của mình, KTS Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, chuyển đổi một thành phố hiện đại hoá là tất yếu nhưng có rất nhiều cách để hiện đại hoá. Có rất nhiều thành phố đã hiện đại hoá những công trình lịch sử và đem lại những giá trị, những ích lợi hơn rất nhiều.

Trong khi một công trình có giá trị về lịch sử, có giá trị về Cách mạng như vậy lại bị phá huỷ một cách dễ dàng như thế này thì e rằng Hà Nội với định hướng phát triển thành phố thông minh, thành phố sáng tạo nhưng sẽ vô tình quên đi ký ức hào hùng của mình.

Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú - Ảnh 7
Kiến trúc sư Phan Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Kiến trúc sư Phan Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: Hãy trân trọng quá khứ, chúng ta có thể sẽ tăng GDP rất nhiều, Hà Nội sẽ thu được hàng tỷ tiền thuế, nhưng Hà Nội sẽ không có được những công trình như thế nữa.

Theo thông tin cho biết, chiều 6/4, các công nhân tại công trình xây dựng tòa nhà đa chức năng 11 tầng, địa chỉ 61 Trần Phú đã được lệnh dừng làm việc, phía bên ngoài cũng xuất hiện một số người dân với vẻ mặt đầy tiếc nuối đang tham quan.

Một số người dân khu vực chia sẻ, từ nhiều ngày trước người dân đã xôn xao vì tiếc nuối di tích 61 Trần Phú bị phá dỡ nhưng vẫn chưa thể tin. Đến khi chứng kiến nhiều công nhân quây lưới, nhiều người khu vực, nhất là các cụ già càng cảm thấy băn khoăn.

Theo tìm hiểu thông tin được biết, dãy nhà 4 mặt phố, nằm trên khu "đất vàng" ở số 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Khu đất trên rộng hơn 9.000 m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (Postef).

Ban đầu, Postef dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó Postef quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef. Công ty thuê đất của nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523 m2.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam.

Ngày 12/3/2022, Postef ban hành báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đó có nêu về Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.

Sau khi phá bỏ, khu "đất vàng" hơn 9.000 m2 sẽ được khởi công xây dựng công trình đa chức năng thương mại cao 11 tầng nổi, một tầng tum (chiều cao tối đa 42,9 m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329 m2 với mức đầu tư 1.574 tỷ đồng.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới