Thứ sáu, 22/11/2024 11:04 (GMT+7)
    Chủ nhật, 03/04/2022 07:31 (GMT+7)

    Cần quy hoạch tổng thể về giao thông khi Phát triển đô thị

    Theo dõi KTMT trên

    Quy hoạch giao thông đô thị sẽ là giải pháp đột phá trong việc phát triển đô thị bền vững. Nhiều kiến nghị của cử tri về hệ thống giao thông hiện nay chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện tham gia và có sự thiếu đồng bộ.

    Nhiều cử tri sau kỳ họp thứ hai và kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV phản ánh rằng hệ thống giao thông hiện nay chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, thiếu đồng bộ, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh không đảm bảo khiến cho các đô thị Việt Nam nói chung và các khu vực nội thành của một số thành phố lớn nói riêng đang phải đối diện với tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường.

    Cần quy hoạch tổng thể về giao thông khi Phát triển đô thị - Ảnh 1
    Quy hoạch giao thông đô thị sẽ là giải pháp đột phá trong việc phát triển đô thị bền vững. (Nguồn: Internet).

    Đề nghị của các cử tri, cần có quy hoạch tổng thể về giao thông đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép xây dựng chung cư cao tầng trong khu vực nội đô và nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị cho phù hợp, đảm bảo không gian cho quy hoạch cây xanh, thiết chế văn hóa và dịch vụ công cộng.

    Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch giao thông đô thị là một nội dung quan trọng trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, quy hoạch giao thông đô thị của các thành phố trực thuộc Trung ương được lập thành một đồ án chuyên ngành riêng. Đến nay, cả 05/05 thành phố trực thuộc Trung ương đã có đồ án quy hoạch chuyên ngành giao thông đô thị được phê duyệt.

    Các chuyên gia cho rằng lĩnh vực giao thông và quy hoạch là hai vấn đề quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch luôn là công việc khó khăn, phức tạp, chính vì vậy làm phát sinh rất nhiều vấn đề gây bức xúc. Ví dụ, phát triển nhiều khu đô thị mới nhưng tỷ lệ lấp đầy dân cư còn thấp do chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ hạ tầng dẫn đến khu vực nội thành vẫn đang quá tải.

    Trong quy hoạch các khu đô thị mới thường đã tính đến sự đồng bộ khép kín các hoạt động của con người, tuy nhiên nhiều khu chưa làm được. Việc phát triển hạ tầng giao thông tại các khu đô thị mới còn rất chậm. Trong khi, việc tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển đô thị đang thiếu sự chủ động của các nhà quản lý, đó là những vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

    Quy hoạch giao thông đô thị luôn là vấn đề thách thức trong phát triển đô thị hiện nay. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thì việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

    Trong thời gian tới, để đảm bảo phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững, cần có dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông, đảm bảo đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh đạt bình quân 5-20% đất đô thị.

    Mặt khác, việc phát triển không gian ngầm cũng sẽ là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

    Cần quy hoạch tổng thể về giao thông khi Phát triển đô thị - Ảnh 2
    Quy hoạch tổng thể giao thông đô thị sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc thường phát sinh tại những tuyến trục chính hướng tâm tại, vành đai. (Ảnh: T.L).

    Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp (đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nhưng hiệu quả vẫn còn thấp do việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị theo quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ và nguồn vốn đầu tư công nhiều khó khăn.

    Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; trong đó có những giải pháp đột phá. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg.

    Giải pháp về quy chuẩn, quy hoạch, kiến trúc nội đô

    Mới đây, UBND TP.Hà Nội có ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND kèm Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

    Hà Nội xác định khu vực hạn chế phát triển tại quận Ba Đình có phạm vi ranh giới là phần còn lại của khu vực nội đô lịch sử thuộc quận Ba Đình. Phía Đông giáp Khu trung tâm chính trị Ba Đình; phía Nam giáp khu vực hạn chế phát triển quận Đống Đa, phía Tây giáp đường Bưởi, phía Bắc giáp đường Hoàng Hoa Thám.

    Quận Đống Đa, khu vực hạn chế phát triển có phạm vi ranh giới: phía Đông giáp đường Lê Duẩn, Giải Phóng; phía Nam giáp đường Trường Chinh, Láng, Bưởi, phía Bắc giáp khu vực hạn chế phát triển quận Ba Đình và khu phố cũ quận Ba Đình.

    Khu vực hạn chế phát triển ở quận Hai Bà Trưng: phía Đông giáp đường Nguyễn Khoái, phía Bắc giáp khu vực nội đô đã mở rộng quận Hoàng Mai, phía Tây giáp đường Giải Phóng, Lê Duẩn, phía Bắc giáp khu vực phố cũ quận Hai Bà Trưng.

    Quỹ đất hạn hẹp, mật độ dân số cao, việc Thành phố ban hành Quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực 4 quận lõi nội đô nhằm tạo điều kiện để khu vực này phát triển theo tiêu chí đặc thù riêng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

    Khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng với hiện trạng dân số khoảng hơn 887.000 người, diện tích 26,92 km2. Với tính chất của đô thị mang tính lịch sử tồn tại hơn 1.000 năm ngày càng phát triển đã mang lại kinh tế giá trị cao cho Thủ đô.

    Cần quy hoạch tổng thể về giao thông khi Phát triển đô thị - Ảnh 3
    Quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực 4 quận lõi nội đô là: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

    Cùng với đó, thời đại kinh tế 4.0, đô thị hóa ngày càng nhanh, đối diện với tốc độ phát triển mạnh, thời gian vừa qua, các khu vực này tồn tại nhiều bất cập. Trong đó điển hình là vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, đặc biệt khu vực phía Tây và phía Nam thành phố như tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ có khoảng 14%, đạt khoảng 1/2 so với quy chuẩn.

    Không chỉ thiếu hạ tầng giao thông, các công trình công cộng đô thị như cây xanh, công viên, vườn hoa, hệ thống trường học, chợ cũng thấp so với các quy chuẩn hiện hành, gây áp lực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, của chính quyền các địa phương.

    Mật độ dân cư tương đối cao cũng kéo theo nhu cầu đáp ứng đời sống cho nhân dân càng được đẩy mạnh. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ít, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, các không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa, nhà sinh hoạt cộng đồng đang rất thiếu.

    Đồng thời, thời gian qua, Hà Nội đã và đang thực hiện một số dự án cải tạo, mở rộng hai bên tuyến đường đi qua 4 quận trung tâm như đường Vành đai 1, Vành đai 2… Song có một thực tế, đường được xây dựng, mở rộng đến đâu, nhà cửa hai bên được xây dựng đến đó nhưng lại không có một quy tắc trật tự về khoảng lùi, sự thống nhất trong tổ chức không gian. Việc sử dụng vật liệu, trang trí mặt ngoài, mái công trình, biển quảng cáo mặt tiền tại các ngôi nhà cũng lộn xộn, tạo bộ mặt đô thị nhếch nhác.

    Thành phố đầu năm 2021 đã phê duyệt 6 quy hoạch phân khu nội đô bao trùm 4 quận có định hướng chính là bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; cải tạo các không gian ở hiện có; cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ; phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị; bảo tồn di tích; hình thành hành lang xanh, không gian công cộng dọc theo sông Hồng; phát triển các trục chính đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm. Với định hướng này, nhiều người dân Thủ đô mong đợi bộ mặt đô thị sớm được cải thiện theo hướng văn minh, đồng bộ, phát triển hiện đại bền vững nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu bảo tồn.

    Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, 6 đồ án quy hoạch phân khu được duyệt mới là cơ sở pháp lý ban đầu. Để cụ thể hóa định hướng của quy hoạch phân khu vào thực tiễn cuộc sống, chính quyền địa phương phải triển khai tiếp các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại những ô quy hoạch để cấp phép xây dựng.

    Chính vì thế, Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được ban hành là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

    Quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù để đảm bảo phát triển đô thị chất lượng, Hà Nội đã tuân thủ theo khung pháp lý quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Trong đó quy định về tiêu chuẩn đất đai, giao thông, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.

    Nhưng những quy định chung của cả nước chưa đáp ứng được đặc thù của Hà Nội, nhất là tại 4 quận lõi trung tâm với quỹ đất nhỏ hẹp, mật độ dân số cao. Do vậy, Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc tại 4 quận trung tâm vừa được ban hành là một hệ tiêu chí thể hiện tính đặc thù của khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội đã được khẳng định trong Luật Thủ đô.

    Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Có thể coi quy chuẩn tại 4 quận vừa được ban hành là quy định pháp lý đặc thù, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển đồng bộ, nhưng cũng đặt ra một thách thức khi các chỉ tiêu về diện tích khu vực này thấp hơn mà vẫn phải đảm bảo chất lượng của công trình.

    Về quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực 4 quận nội đô đã khẳng định rất rõ về trách nhiệm trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Nhấn mạnh vai trò của các sở, ngành và nhất là vai trò của UBND cấp quận là hết sức quan trọng trong việc quản lý, chỉ đạo thực hiện. Do vậy, cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô, tạo bước đột phá xây dựng Thủ đô xanh, hiện đại, văn minh.

    TP.Hà Nội hiện đang đẩy mạnh chỉnh trang, tái thiết, phát triển đô thị tại 4 quận lõi nội đô, với mục đích giải quyết các tồn tại, bất cập, đồng thời tạo bước đột phá xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Cần quy hoạch tổng thể về giao thông khi Phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới