Thứ sáu, 22/11/2024 05:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/03/2022 14:00 (GMT+7)

Khẩn trương lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là nhiệm vụ lần đầu tiên thực hiện, được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, so với qui định của Luật Bảo vệ môi trường thì việc thực hiện nhiệm vụ này đã chậm tiến độ và đã phải gia hạn hoàn thành.

Xây dựng bức tranh tổng thể về môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang triển khai lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để phối hợp xây dựng Báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cung cấp thông tin liên quan trước ngày 15/4/2022.

Khẩn trương lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia - Ảnh 1
Quy hoạch nguồn nước mặt (nước biển ven bờ, sông, hồ, kênh, rạch) là một trong những nội dung các địa phương cần cung cấp thông tin.

Theo công văn 1394/BTNMT-TCMT vừa được Bộ TN&MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương cần cung cấp: Tổng quan về hiện trạng đầu kỳ quy hoạch (năm 2020), diễn biến chất lượng môi trường trong kỳ quy hoạch trước (2011 – 2020), dự báo cho giai đoạn 2021 – 2030; tổng quan về quy hoạch, thành lập, quản lý cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý; tổng quan về các yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhận diện các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường cần khoanh định xác lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải;

Bên cạnh đó, các địa phương cần cung cấp thông tin tổng quan về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và chất thải rắn khác trên địa bàn quản lý; tổng quan về quy hoạch, thiết lập, quản lý hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường trên địa bàn quản lý; tổng quan về công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và chất thải rắn khác; quan trắc và cảnh báo môi trường của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra còn thông tin chung về điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, phân bố không gian các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, hệ sinh thái san hô, cỏ biển (nếu có); nguồn nước mặt (nước biển ven bờ, sông, hồ, kênh, rạch) trên địa bàn tỉnh; Phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội (khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị, khu dân cư tập trung, …) trên địa bàn tỉnh.

8 nhiệm vụ mới hoàn thành 1

Được biết, lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 8 nhiệm vụ "nóng" được Chính phủ giao Bộ TN&MT thực hiện trong năm 2022 (bao gồm 2 quy hoạch cấp quốc gia và 6 quy hoạch ngành; Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thuộc quy hoạch ngành),cần phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, hiện Bộ TN&MT mới thực hiện được 1 nhiệm vụ là lập Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030.

8 nhiệm vụ "nóng" được giao cho Bộ TN&MT về quy hoạch, gồm:

- Hai quy hoạch quốc gia: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030.

- 6 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030: quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

 Sự chậm trễ này được các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” chất vấn tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 03/03/2022. Buổi làm việc do Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì .

Tại buổi làm việc, nhiều thành viên Đoàn giám sát đã đặt câu hỏi về tính khả thi của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 3021-2030. Đáng quan tâm nhất là vấn đề, quy hoạch này sẽ phụ thuộc vào nhiều loại quy hoạch khác; vậy sự phối hợp giữa các bộ thế nào để thực hiện vẫn là câu hỏi chưa nhận được câu trả lời từ phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

"Sự đan xen, chồng lấn giữa các quy hoạch, chưa kể trong quá trình công bố, xây dựng quy hoạch, thì sự phối hợp với các bộ ngành, phân bổ tài nguyên như thế nào để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy đặt vấn đề.

Khẩn trương lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia - Ảnh 2
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh họa là một trong 6 nhiệm vụ quy hoạch được giao cho Bộ TN&MT ( Ảnh minh họa)

Còn  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan thì cho rằng, các quy hoạch do Bộ TN&MT phụ trách là lĩnh vực khó, đòi hỏi tập trung nguồn lực, cũng như có sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong khi đó một số quy hoạch mới thiếu dữ liệu đầu vào. Bà Lan đề nghị Bộ TN&MT nêu cụ thể về tiến độ thời gian và tính khả thi của việc hoàn thành các quy hoạch ngành do Bộ phụ trách.

Trước những vấn đề các thành viên Đoàn giám sát đề cập, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, cho biết, Bộ đã chủ động tham gia góp ý thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng trong cả nước; phối hợp góp ý lập quy hoạch 15/63 tỉnh, thành phố; thẩm định 13 hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng.

"Chúng tôi có thuận lợi là ban hành Chiến lược an toàn sinh học thời kỳ, đang trình Chiến lược bảo vệ môi trường, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Đức Hải, việc triển khai lập quy hoạch của Bộ còn chậm, nhất là về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Đây là nhiệm vụ lần đầu tiên thực hiện, nhưng so với qui định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020 là đã chậm tiến độ và đã phải gia hạn hoàn thành.

"Báo cáo của Bộ có nhiều bất cập, nhiều bất cập do nguyên nhân chủ quan thì cũng sớm làm rõ trách nhiệm của việc chậm chễ và giải pháp để hoàn thành qui hoạch", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hải lưu ý.

Đối với những vấn đề được Đoàn giám sát Quốc hội đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ TN&MT hoàn thiện báo cáo gửi lại Đoàn giám sát; xây dựng lộ trình, phân công trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ quy hoạch được giao, bảo đảm chất lượng.

S.H

Bạn đang đọc bài viết Khẩn trương lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.