Thứ sáu, 13/12/2024 20:02 (GMT+7)
    Thứ năm, 31/03/2022 20:00 (GMT+7)

    Chính thức phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gần 11.000 ha

    Theo dõi KTMT trên

    Theo quy hoạch được duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40 km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

    Không gian thoát lũ sông Hồng qua đô thị trung tâm

    UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

    Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha; trong đó, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như: xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; Các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá...

    Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng). Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.

    Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

    Chính thức phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gần 11.000 ha - Ảnh 1
    Bản vẽ minh họa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chính thức được phê duyệt.

    Tại đây sẽ hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo chỉnh trang, tái thiết  hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

    Hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật sẽ được phát triển để cải thiện điều kiện sống theo hướng hiện đại, an toàn và khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời (đi bộ, xe đạp,...). Trong đó sẽ xây dựng mới hai tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng.

    Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực liền kề, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông; cầu/hầm nối kết đô thị hai bên sông (Tả ngạn - Bắc sông Hồng và Hữu ngạn - Nam sông Hồng), kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và thành phố; Xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở kế thừa nghiên cứu quy hoạch cơ bản phát triển không gian sông Hồng, hoàn chỉnh toàn tuyến đi qua TP.Hà Nội.

     Xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng

    Đặc biệt, đồ án xác định, xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông Hồng gồm cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn cơ giới 2 làn hỗn hợp); Cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn cơ giới 2 làn hỗn hợp); Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn cơ giới 2 làn hỗn hợp).

    Ngoài ra, theo quy hoạch, sẽ phân đoạn quản lý phát triển gồm 3 phân đoạn chính: Từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long (đoạn R1-R2) là khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô được dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp (trồng rau, hoa màu, cây cảnh...) của các huyện Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm. Khu vực này được định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm).

    Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4): khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với phía Bắc gồm các khu vực làng xóm đô thị hóa thuộc huyện Đông Anh, quận Long Biên và khu vực đất bãi được nghiên cứu xây dựng, phía Nam thuộc các quận nội đô như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai gồm đất ở đô thị với mật độ rất cao, đất bãi và khu vực bãi giữa. Khu vực này được định hướng là khu vực đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực Hồ Tây - Cổ Loa.

    Chính thức phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gần 11.000 ha - Ảnh 2
    Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ góp phần hoạch định không gian phát triển đô thị cho dải đất hai bên bờ sông. (Ảnh: Reatimes)

    Từ Cầu Thanh Trì đến Cầu Mễ Sở (đoạn R5): Là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử, khu vực này được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.

    Trong quy hoạch phân khu lần này, Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).

    Ngoài ra, TP xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long và cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng. Các cầu bố trí kết hợp hệ thống hạ tầng đường dây, đường ống hạ tầng kỹ thuật qua sông theo quy hoạch.

    Liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng, ông Phạm Xuân Tứ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có quy hoạch chi tiết một số phường khu vực sông Hồng. Trong đó đề xuất việc xây dựng dọc theo bờ sông, song các địa phương đã buông lỏng quản lý dẫn đến việc bị người dân lấn chiếm, xuất hiện tình trạng xây dựng lộn xộn, không có không gian cảnh quan ở mặt sông Hồng.

    Theo ông Tứ, quy hoạch phân khu sông Hồng khi được duyệt sẽ hoạch định không gian phát triển đô thị cho dải đất hai bên bờ sông, tạo ra các không gian xanh, vui chơi giải trí mà hiện nay Hà Nội đang rất thiếu. 

    Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khi được phê duyệt sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Khi xây dựng được hình ảnh của dải sông Hồng theo đúng quy hoạch, chúng ta có giấc mơ của Hà Nội về dòng sông này.

    Lan Anh

    Bạn đang đọc bài viết Chính thức phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gần 11.000 ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới