Đồng Nai: Hoàn thành đề án quản lý chất thải sinh hoạt
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trong giai đoạn 2022-2025, đề án có kinh phí dự kiến hơn 5,1 ngàn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 sẽ bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thông tin đến các sở, ngành, địa phương và các đại biểu tham gia một số nội dung cơ bản của dự thảo đề án, các nội dung cần góp ý, hoàn thiện để đề án được ban hành và có tính khả thi cao.
Đa số đại biểu đều khẳng định việc xây dựng, ban hành đề án này là cần thiết, cấp thiết để thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; nâng cao công tác quản lý chất thải, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Cùng với đó, các đại biểu góp ý cần xem xét lại các chỉ tiêu, chẳng hạn: Chỉ tiêu đến năm 2025 có 100% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là quá cao; tương tự với trạm trung chuyển chất thải, hiện tỉnh chỉ có 14/63 trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng và môi trường nhưng đề án đặt mục tiêu 3 năm nữa 100% trạm được chuẩn hóa là không khả thi...
Về giải pháp, cần đặc biệt coi trọng công tác truyền thông đến các em học sinh, đoàn viên thanh niên, người nội trợ về phân loại chất thải, giảm rác thải nhựa; khuyến khích mô hình hoặc giải pháp tái chế, tái sử dụng rác thải. Các ý kiến cho rằng, phân loại rác tại nguồn hiện nay chưa hiệu quả vì phương tiện, trạm trung chuyển chưa đồng bộ, phí dịch vụ thu gom rác hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thấp...
Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH đạt 95%, tỷ lệ chôn lấp sau xử lý là 30%.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời khẳng định những ý kiến này sẽ được rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đề án sau đó sẽ được trình Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thông qua và UBND tỉnh ký ban hành.
Mới đây, theo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được hoàn thành của UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2022-2025, đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 5,1 ngàn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 sẽ được rà soát bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, nguồn kinh phí từ kinh phí sự nghiệp môi trường (cấp tỉnh và cấp huyện) hơn 2,6 ngàn tỷ đồng; kinh phí xây dựng cơ bản hơn 129 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hơn 2,3 ngàn tỷ đồng.
Về nguồn chi, đối với cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải khoảng 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đối với cấp huyện, UBND cấp huyện sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và kinh phí xây dựng cơ bản cấp cho địa phương đầu tư cải tạo, xây dựng mới các trạm trung chuyển, lắp camera giám sát hoạt động thu gom rác thải; bố trí khu vực, thùng chứa chất thải nguy hại trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sử dụng nguồn kinh phí của doanh nghiệp để nâng cấp phương tiện, công nghệ, nhà máy xử lý chất thải và đầu tư các hạng mục tái chế.
Thanh Vũ