Doanh nghiệp khủng hoảng nhân sự vì dịch, F0 và F1 có nên đi làm?
Mới đây, Bộ Y tế có đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly. Đề xuất kể trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến, tranh luận.
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy, hiện tại, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện điều trị, cách ly do dịch Covid-19 khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tại Thủ đô Hà Nội, theo báo cáo mới nhất, trong tổng số 18.000 người lao động ngành dệt may, có gần 5.800 lao động bị F0. Một công ty có 1.200 công nhân thì khoảng 400 người F0. Đơn vị nhiều nhất có 5.000 lao động thì hơn 1.000 người F0. Hiện đã có 36 doanh nghiệp có người mắc Covid-19 khiến các doanh nghiệp thiếu người làm trầm trọng.
Doanh nghiệp khó khăn để vận hành
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, với hệ thống nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam, mỗi nhà máy có số lao động mắc Covid chiếm từ 10 đến 40% tổng số lao động. Do đó, Công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất để phù hợp với từng địa phương.
“Chúng tôi có nhiều nhà máy nên cũng điều chuyển, kết hợp với thông báo với khách hàng tình hình chung như thế. Với những người chưa bị bệnh, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, động viên để họ có tinh thần cố gắng hơn bù lại một phần cho những trường hợp nghỉ. Thứ hai cũng phải tính đến phương án làm thêm giờ, phương án thứ ba là điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở những đơn vị có nhiều trường hợp F0 sang những đơn vị có ít F0. Thứ tư là chúng tôi làm việc cụ thể với từng khách hàng, điều chỉnh thời gian giao hàng”, ông Long nói.
Không chỉ các công ty dệt may mà các doanh nghiệp ngành nghề khác cũng có nhiều người lao động bị F0, ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động của đơn vị. Tính đến hết tuần vừa qua, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội có gần 1.000 người bị F0 trên tổng số hơn 16.000 công nhân, viên chức, người lao động.
Chị T., đại diện Công ty FDI sản xuất hàng điện tử của Nhật Bản (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội), chia sẻ số ca mắc Covid-19 ở nhà máy "thực sự quá nhiều, cứ mắc thì công nhân phải nghỉ, kéo theo F1".
"Lao động đang rất thiếu. Nhân viên hỗ trợ sản xuất cũng thành F0 rất nhiều. Đội ngũ văn phòng hỗ trợ gián tiếp cũng phải làm việc tại nhà từ tuần này. Có khu văn phòng có đến 1/3, 2/3 số người là F0, F1. Có thể do nghỉ Tết, nhiều người lơ là phòng chống dịch, không triệt để như đi làm thường xuyên", chị T. cho hay.
Theo chị T., nhiều công ty có nhu cầu tuyển người mới theo hợp đồng 6 tháng để bổ sung tạm thời, dẫn tới cạnh tranh khi tuyển dụng.
"Công ty còn có chính sách nếu công nhân viên giới thiệu công nhân vào làm việc được thưởng 1,5 triệu đồng, nhưng không có người để giới thiệu", chị T. bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho biết, ước chừng khoản 80% người lao động thuộc hệ thống này đã mắc Covid-19.
Theo bà Dung, nhiều thời điểm doanh nghiệp xảy ra "khủng hoảng" nhân sự khi số lượng nhân viên nghỉ quá nhiều. Để duy trì vận hành, có lúc hệ thống phải đóng cửa lúc 19h thay vì 22h như bình thường. Cùng với đó, nhiều ca làm việc phải chấp nhận làm 12 tiếng bởi không có người làm.
Doanh nghiệp nói gì về đề xuất cho F0, F1 đi làm?
Liên quan đến đề xuất của Bộ Y tế về việc cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, bà Dung cho rằng tùy vào mỗi hoàn cảnh của doanh nghiệp sẽ có những quan điểm khác nhau. Chẳng hạn đối với một hệ thống bán lẻ thì đa số đều làm trực tiếp. Việc được làm việc trực tuyến cũng không giải quyết được vấn đề thông suốt của hệ thống.
"Ngay cả đối với cấp quản lý như tôi thì cũng cần phải thị sát, kiểm tra trực tiếp thì mới đảm bảo vận hành suôn sẻ được", bà Dung nói. Tuy nhiên bà cũng cho rằng không nên để người F0 làm việc vì Covid-19 vẫn là nhóm bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao, chưa kể mắc bệnh thì họ có quyền được nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, chưa kể nếu đã ốm, mệt mỏi rồi thì chẳng ai muốn đi làm nữa.
Cũng theo vị này, nếu chủ quan, chỉ một F0 đi làm cũng có thể sẽ lây bệnh cho cả cơ quan, xí nghiệp, dẫn đến thiếu hụt lao động trầm trọng hơn. Do vậy, theo quan điểm của bà thì tiến tới việc F0 có thể đi làm bình thường cần hết sức lưu ý.
Còn với việc để F1 đi làm bình thường, bà Dung cho rằng đề xuất này hợp lý, giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu bị khủng hoảng nhân sự. "Bây giờ chúng tôi duy trì mở đến 9h nhưng chưa thể trở lại công suất như bình thường. F1 rất nhiều, họ còn phải chăm con cái, người thân bị F0. Nên nhiều người nghỉ tới hơn 20 ngày vì F1, F0", bà Dung nói.
Do vậy, bà cho rằng đề xuất nêu trên cần căn cứ vào mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để có những phương án phù hợp. "Hiện tại bên tôi số người bị trên 80%, 40% khỏi đi làm trở lại còn 40% vẫn nghỉ. Thu ngân 20 người, nhưng bây giờ cả ngày chỉ có 8 nhân viên, rất vất vả", bà Dung cho biết.
Còn theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước, công ty ông ngày nào cũng có hơn 10% số người lao động nghỉ do bị Covid-19 hoặc gia đình có người thân bị phải ở nhà chăm sóc. Mặc dù cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự song ông Lĩnh cho rằng cũng nên cân nhắc việc đưa ra quy định việc F0 có thể đi làm bình thường.
Bởi theo ông, với đề xuất người F0 làm việc trực tuyến, mặc dù công ty cho phép nhân viên tự nguyện đăng ký làm việc hoặc nghỉ ngơi nhưng nếu họ chọn nghỉ có thể lại vấp phải lo ngại bị đánh giá, hoặc có thể xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp thiếu nhân sự vẫn tìm mọi cách "ép" nhân viên đi làm dù họ là F0.
Còn với phương án F1 đi làm khu riêng, xưởng riêng thì theo ông Lĩnh là không khả thi bởi nhiều doanh nghiệp sản xuất làm theo dây chuyền. "Không thể dồn hết những này trong 1 dây chuyền được vì chuyên môn, kĩ năng, yêu cầu công việc khác nhau", ông Lĩnh cho biết.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lĩnh cho rằng chỉ cần không cấm cản, xử phạt việc F0, F1 ra đường, đi làm là "dễ thở" hơn nhiều rồi. Việc đưa ra quy định có thể dễ dẫn đến những phát sinh, bất cập, phiền toái cho doanh nghiệp, người lao động, ông Lĩnh nêu.
Hiện nay tại một số địa phương, F1 vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính. Do vậy đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, nhiều doanh nghiệp cho biết quy định từ Bộ Y tế sẽ tạo sự đồng nhất ở các địa phương.
Giới chuyên gia nói gì?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đề xuất này là hợp lý, tuy nhiên "nới lỏng nhưng không thả lỏng", chuyển từ "cấm đoán" sang "kiểm soát rủi ro".
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tuân thủ 5K. Từ đó, hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngoài ra, các F0, F1 cần tăng cường theo dõi sức khỏe. Nếu xuất hiện triệu chứng, họ cần thực hiện xét nghiệm ngay để có các biện pháp cách ly, điều trị phù hợp.
"Với một cơ quan, đơn vị, xí nghiệp cần có phương án, kịch bản như người nào giữ vị trí trọng yếu, người nào ở bộ phận nào được sắp xếp cho hợp lý để vừa có nhân lực phục vụ sản xuất, vừa vẫn phải phòng chống được dịch bệnh", ông Phu khuyến cáo nếu các cơ quan, xí nghiệp, địa phương không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cả công ty thành F0, không còn ai đi làm.
Theo ông Phu, hiện nay chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đang chiếm ưu thế, dần thay thế chủng Delta nên số ca mắc tăng cao thời gian qua. Chủng này tuy triệu chứng nhẹ, nhưng ông khuyến cáo phải hạn chế sự lây lan nếu không dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, nhiều người tử vong và diễn biến nặng.
"Chấp nhận cho sự lây lan nhưng phải kiểm soát được", ông Phu nhấn mạnh. Hà Nội hiện là địa phương "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm khi ngày 6/3 ghi nhận gần 30.000 ca. Theo báo cáo của thành phố, chủng Omicron đã xuất hiện tại 20/30 quận huyện của Hà Nội. Ông Phu nhận định, thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cần có giải pháp hạn chế sự bùng phát mạnh.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.
Về vấn đề này, ông Phu cho hay, Việt Nam nên tiến tới xem Covid-19 là "bệnh lưu hành", nhưng thời điểm này thì chưa nên. Theo ông, còn nhiều yếu tố Việt Nam chưa đạt để xem Covid-19 là bệnh lưu hành, như việc lây nhiễm không ổn định, biến chủng, có thể bùng phát không kiểm soát được, quá tải hệ thống y tế làm ảnh hưởng đến xã hội. Xã hội vẫn phải sử dụng những biện pháp để đáp ứng hơn mức bình thường so với các bệnh truyền nhiễm khác.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết F0 không triệu chứng có thể đi làm, nhưng phải đảm bảo tránh lây nhiễm cho người khác. Theo ông Nga, nguyên tắc khi F0 đi làm, cần tuân thủ nghiêm 5K, hoặc phải có các điều kiện khác để tránh lây nhiễm, như không tiếp xúc những người xung quanh, có phòng riêng,...
"F0 không triệu chứng cần phải thông báo với cơ quan, người xung quanh mình là F0 để mọi người có biện pháp phòng ngừa", ông Nga nói.
Theo vị chuyên gia, khi Covid-19 có đủ các tiêu chí để trở thành "bệnh lưu hành" thì tất cả F0 đều có thể đi làm và thực hiện tốt 5K. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chỉ F0 đáp ứng đủ được các điều kiện phòng lây nhiễm mới nên đi làm, ví dụ như nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0.
Trong đề xuất trình Chính phủ về việc F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine, không cần cách ly, mà chuyển sang tự theo dõi sức khỏe 10 ngày, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nhóm F1 vẫn cần tuân thủ 5K, xét nghiệm sau 5-7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, ý thức tự giác của F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam lại cho rằng, Covid-19 vẫn là bệnh đặc biệt, bệnh mới nổi và có dịch, tác hại lớn và có thể lây lan. Cho đến hiện nay, độ phủ vaccine tại Việt Nam đã rất cao (chỉ còn trẻ em chưa được tiêm) cho nên đã giúp giảm số ca chuyển nặng, tử vong dù số ca mắc cao trên 100.000 ca/ngày.
Đặc biệt, ở nhóm người yếu thế, nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh (phụ nữ có thai, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý cấp tính tại bệnh viện)… Do vậy, việc không cách ly người bị nhiễm, lây lan bệnh cho nhóm người yếu thế sẽ làm tăng nguy cơ tử vong
Nhóm F0 có thể đi làm chỉ nên áp dụng với nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, dịch chưa lên tới đỉnh do số ca vẫn mắc vẫn đang tăng cao. Do vậy F0 vẫn cần cách ly đề phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng có thể làm trực tuyến tại nhà.
Nếu F1 trong cùng một gia đình thì khả năng phơi nhiễm cao hơn nhiều so với các trường hợp F1 tiếp xúc thoáng qua. Khi trong gia đình có 1 F0, thì nguy cơ lây nhiễm cho những người khác có thể lên tới 70-80%.
Vì vậy, F1 vẫn phải phải theo dõi sức khỏe của mình. Đối với biến chủng Omicron, các triệu chứng rất cơ bản: chảy nước mũi, đau mỏi người, rát họng… Do vậy, F1 cần lưu ý khi có biểu hiện này cần phải xét nghiệm để biết mình có là F0 hay không, phòng nguy cơ lây cho người khác.
Bộ Y tế đã có đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét về việc cho người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) và trường hợp tiếp xúc gần (F1) được đi làm trong thời gian cách ly.
Người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), nếu tự nguyện tham gia làm việc:
Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.
Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Những người có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (F1) nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 tham gia làm việc cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.
Hà Lan (T/h)