Thứ tư, 24/04/2024 22:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/11/2022 06:49 (GMT+7)

Định hướng sử dụng tài nguyên: Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học

Theo dõi KTMT trên

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước không phù hợp, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nạn buôn bán động, thực vật trái phép đang là những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học ngày một gia tăng ở nước ta thời gian qua.

Những nhiệm vụ ngăn chặn, bảo tồn đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là sự phong phú của nhiều nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên, sự đa dạng và phong phú này được chia làm nhiều cấp độ tổ chức sinh giới đặc biệt là với các dạng hệ sinh thái của môi trường trên trái đất.

Trước thực trạng trên tại định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh tới những nhiệm vụ trong công tác ngăn chặn, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái.

Định hướng sử dụng tài nguyên: Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học - Ảnh 1
Định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu… (Ảnh: internet)

Theo đó, trong giai đoạn trên Chính phủ hướng tới mục tiêu giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%; nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha.

Ở các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn bao gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái của các khu bảo tồn thiên nhiên ở cấp quốc gia; vùng lõi di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; hệ thống rừng phòng hộ, cụ thể: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái của các khu bảo tồn thiên nhiên ở cấp quốc gia: Bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt và mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và ven biển.

Với vùng lõi di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận: Bảo tồn nghiêm ngặt vùng lõi của các di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam gồm các khu đất ngập nước quan trọng (Ramsar); khu di sản thiên nhiên thế giới và khu di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới; khu dự trữ sinh quyển; các Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận và khu Di sản ASEAN.

Mở rộng các khu vực có cảnh quan sinh thái quan trọng được các tổ chức quốc tế công nhận. Đối với khu vực rừng phòng hộ cần tập trung bảo vệ diện tích rừng phòng hộ để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên, đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, đồng thời cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cộng đồng dân cư sống gần rừng. 

Mặt khác, các vùng hạn chế phát triển bao gồm vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học; hành lang bảo vệ nguồn nước; vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, núi, lũ ống, lũ quét như vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên cần tiếp tục khoanh vùng, bảo vệ và sử dụng bền vững vùng đệm các khu bảo tồn hiện có và vùng đệm các khu bảo tồn trên cạn và khu bảo tồn biển được thành lập mới.

Các hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng cần khoanh vùng, bảo vệ và sử dụng bền vững các hành lang đa dạng sinh học, là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên quan trọng, các hành lang đa dạng sinh học cho các loài chim di trú; khoanh vùng bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn.

Cùng với đó là thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp. Bố trí không gian và quy mô diện tích rừng đảm bảo yêu cầu phòng hộ hệ thống các con sông lớn, các hồ, đập quan trọng và các vùng đất thấp, vùng đất ngập nước, vùng ven biển chịu ảnh hưởng bởi tác động thiên tai và biến đổi khí hậu; duy trì, mở rộng hệ thống rừng đặc dụng; ổn định và bổ sung diện tích rừng sản xuất để cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tiếp tục duy trì các vùng nguyên liệu quan trọng trong khai thác chế biến lâm sản. Thiết lập các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng.

Ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học do ô nhiễm môi trường

Tiếp tục bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên hiện có; thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn và khu bảo tồn biển. Xây dựng các hành lang đa dạng sinh học. Bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) hiện có; tiếp tục nâng tổng số khu Ramsar của cả nước. Tiếp tục bảo vệ, sử dụng bền vững và khoanh vùng, thành lập mới các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng được các tổ chức quốc tế công nhận.

Đối với việc thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sẽ chuyển tiếp 178 khu bảo tồn, chuyển hạng 01 khu bảo tồn và thành lập mới 104 khu bảo tồn với diện tích khoảng 3.945.585,4 ha (trên đất liền: 3.468.071,6 ha; vùng biển: 477.513,9 ha); chuyển tiếp 07 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; xác nhận và thành lập mới 40 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển tiếp 03 hành lang đa dạng sinh học và thành lập mới 9 hành lang đa dạng sinh học, với diện tích khoảng 605.307 ha; thành lập 32 khu vực đa dạng sinh học cao với diện tích khoảng 6.731.747,9 ha; thành lập 28 cảnh quan sinh thái quan trọng với diện tích khoảng 5.535.645,6 ha; đưa vào danh mục 28 vùng đất ngập nước quan trọng để quản lý với tổng diện tích khoảng 339.027 ha.

Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, sự đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu đã tạo nên tính đa dạng sinh học vô cùng phong phú và đặc sắc của Việt Nam. Sự đa dạng về các hệ sinh thái tự nhiên như hệ sinh thái trên cạn (đồng cỏ, rừng, savan...), hệ sinh thái đất ngập nước (rừng ngập mặn, rạn san hô, hồ chứa...) và hệ sinh thái biển đã tạo nên môi trường sống quan trọng cho 13.766 loài, động vật trên cạn 10.300 loài, vi sinh vật 7.500 loài, sinh vật nước ngọt với 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt và 11.000 loài sinh vật biển.

Riêng Việt Nam được công nhận là một trong 25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức dẫn đến sự suy giảm nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đề ra, nhất là từng bước ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học do ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục ban hành, hoàn thiện chính sách, quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.

Việc bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết mà mỗi vùng quốc gia lãnh thổ nên có những biện pháp để phát triển, bên cạnh đó việc thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng là điều kiện cần và đủ để việc nâng cao quản lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học được phát triển tốt nhất!​

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Định hướng sử dụng tài nguyên: Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới