Dịch viêm phổi do virus Corona: Cần thực hiện bình ổn giá khẩu trang y tế
Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law firm), trước tình trạng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra đang bùng phát như hiện nay, nhu cầu sử dụng tăng đột biến, các cơ quan chức năng cần xem xét mặt hàng khẩu trang y tế là mặt hàng cần thực hiện bình ổn giá.
Hàng nghìn người tranh nhau mua khẩu trang tại chợ thuốc Hapulico sáng 31/1. (Nguồn: Định Nguyễn).
Những ngày qua, dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đang khiến người dân lo lắng, cuống cuồng tìm mua khẩu trang y tế, nước muối sinh lý súc miệng hay cồn rửa tay,... với hy vọng có thể phòng ngừa dịch bệnh. Nhân cơ hội đó, nhiều "gian thương" đã đầu cơ, tích trữ, tăng giá sản phẩm lên gấp nhiều lần, thu lợi trên nỗi lo sợ của người dân.
Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU - số 01 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. |
Chia sẻ quan điểm về tình trạng trên, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Công ty Luật TAT Law firm cho rằng, các sản phẩm y tế liên quan đến phòng ngừa dịch bệnh như: Khẩu trang y tế, nước khử trùng, cồn, găng tay y tế, thuốc phòng ngừa,… đang ngày càng khan hiếm. Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng tăng cao đột biến, và cũng không loại trừ gian thương lợi dụng tình trạng khẩn cấp để đầu cơ, tích trữ, tăng giá sản phẩm.
Trước tình hình đó, ngày 30/1/2020, Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương đã có văn bản hoả tốc số 149/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cùng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường nhanh chóng phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng dịch bệnh viêm phổi do virus Corona để thu lợi trái phép.
Cụ thể: Các đơn vị Quản lý thị trường trực thuộc chỉ đạo Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá trên thị trường để tăng giá bán bất hợp lý (không thể hiện con số cụ thể được quy định là bất hợp lý). Đồng thời, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng tình trạng dịch bệnh để sản xuất và cung ứng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.
Luật Giá 2012 quy định nghiêm cấm các cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Trên cơ sở Luật giá, Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Giá, cụ thể: Cá nhân, tổ chức lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Tuy nhiên, theo danh mục mặt hàng bình ổn giá Nhà nước ban hành thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc mặt hàng bình ổn giá, điều này gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán mặt hàng khẩu trang.
Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus Corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".
Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước. Quyết định 219/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang họp bàn về việc ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ báo cáo với Thủ tướng về việc công bố tình trạng khẩn cấp. Như vậy, tuy chưa có văn bản chính thức từ phía Chính phủ Việt Nam, nhưng hiện tượng bùng phát dịch Viêm phổi cấp do virus Corona được xem là tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam, cần phát động các chiến dịch khắc phục khẩn cấp.
Theo luật sư Thảo, trong tình trạng dịch bệnh bùng phát như hiện nay, nhu cầu sử dụng tăng đột biến, mặt hàng khẩu trang y tế được xem xét là mặt hàng cần thực hiện bình ổn giá. Theo đó, trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.
Ngoài các mặt hàng khẩu trang y tế, cồn, nước rửa tay… đối với các sản phẩm y tế là thuốc, Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định giá thuốc phải được niêm yết, Giá bán lẻ lợi nhuận không vượt quá 15%. Cơ sở bán lẻ thuốc nào vi phạm quy định này đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Dược.
Luật sư Thảo cho rằng, để quy định này có thể vận dụng vào thực thế, đủ sức răn đe các đối tượng gian thương trong tình trạng khẩn cấp như hiện nay. Thiết nghĩ, Tổng cục Quản lý thị trường phải nhanh chóng có văn bản hướng dẫn một mức giá cụ thể được coi là “giá bán bất hợp lý” đối với từng loại mặt hàng. Bên cạnh đó, cần kịp thời đưa các sản phẩm y tế vào danh sách các mặt hàng cần bình ổn giá.
Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp thiết thực để quản lý chặt, hạn chế các trường hợp sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Chất lượng sản phẩm khẩu trang y tế được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mức phạt tối đa tương đương 3 lần giá sản phẩm, tước giấy phép kinh doanh, tiêu huỷ sản phẩm.
Người tiêu dùng khi gặp phải một trong các tình trạng tăng giá bán, ép giá, có thể gửi đơn hoặc trực tiếp thông tin đến Phòng tiếp công dân của Uỷ ban nhân dân, Cục quản lý thị trường, Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
Xuân Đoàn