Thứ bảy, 11/05/2024 09:36 (GMT+7)
Thứ ba, 06/10/2020 16:37 (GMT+7)

Đề xuất mở rộng thêm phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM liệu có khả thi?

Theo dõi KTMT trên

TS Võ Kim Cương cho rằng, việc tổ chức mở rộng phố đi bộ là giải pháp tốt. Tuy nhiên, nếu việc tổ chức không khéo, không đúng thời điểm thì sẽ là “lợi bất cập hại”, làm hạn chế sự phát triển chung của thành phố.

Mới đây, Sở GTVT đã trình UBND TP.HCM về đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Đơn vị thực hiện nghiên cứu là Công ty Tư vấn GTVT và Đô thị- TUC.

Đề án này nhằm nghiên cứu tiến hành mở rộng một số tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM trong giai đoạn 2021- 2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu 930 ha.

Đề xuất mở rộng thêm phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM liệu có khả thi? - Ảnh 1
TP.HCM về đêm (Ảnh minh họa)

Khu vực được lựa chọn mở rộng thuộc các phường Bến Nghé, Bến Thành và Phạm Ngũ Lão với diện tích khoảng 300 ha.

Có 3 phương án tổ chức các tuyến phố đi bộ mà đơn vị nghiên cứu đề xuất, trong đó phương án 2 được đa số các chuyên gia, địa phương và người dân khi lấy ý kiến đánh giá cao về tính khả thi, kết nối, nhu cầu của người đi bộ và tính an toàn, an ninh.

Cụ thể, phương án 1: Thành lập mạng lưới phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho quận 1 với mạng lưới nhiều tuyến đường ở trung tâm nhưng chỉ cấm xe trên một số tuyến đường.

Phương án 2: Phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách với mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên 2 tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần.

Phương án 3: Phố đi bộ 24/7 trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi và các tuyến đường liên kết dành riêng cho người đi bộ.

Trao đổi với Zing về đề xuất này, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, kế hoạch mở rộng phố đi bộ tại TP.HCM không mới, chủ trương này đã có trong đề án Quy hoạch phân khu Khu vực trung tâm hiện hữu TP.HCM 930 ha tỷ lệ 1/2000 ban hành năm 2012 và điều chỉnh năm 2019.

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM tán thành với chủ trương này, nhưng ông Cương cho rằng cần đánh giá tác động của việc mở rộng phố đi bộ với mạng lưới giao thông hiện hữu.

“Nếu biến một khu vực thành phố đi bộ thì người dân sẽ tiếp cận giao thông như thế nào, đi xuyên qua phố đi bộ ra sao? Tránh đường đi bộ thì ảnh hưởng thế nào đến cả khu vực”, TS Cương băn khoăn.

TS Cương đánh giá việc tổ chức phố đi bộ là giải pháp tốt nhằm phát triển giao thông công cộng, không gây ách tắc và giảm được lượng xe cá nhân. Tuy nhiên, nếu việc tổ chức không khéo, không đúng thời điểm thì sẽ là “lợi bất cập hại”, làm hạn chế sự phát triển chung của thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Cũng trao đổi về vấn đề này với NLĐ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi quy hoạch phố đi bộ cần tính toán lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Hiện nay, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ tạo ra không gian vui chơi, sinh hoạt cho người dân nhưng phải sử dụng ngân sách hoạt động trong khi các tuyến phố Bùi Viện chỉ là địa điểm hạn chế phương tiện để các hàng quán được hưởng lợi trực tiếp từ đó. Qua nhiều năm, phố đi bộ Bùi Viện vẫn chưa thể hiện nét tái đầu tư phát triển mang hướng đặc sắc hơn.

"Nếu giải quyết hết nỗi trăn trở của người dân và bài toán ngân sách thì việc mở rộng không gian đi bộ sẽ hiệu quả, bền vững" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Theo ông, tạo không gian đi bộ ở các trung tâm đô thị là xu hướng chung trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam hay TP.HCM, bởi các tuyến phố đi bộ đúng nghĩa luôn tạo ra không gian thoải mái, từ mua sắm đến thư giãn cho người dân và du khách.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất mở rộng thêm phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới