Thứ năm, 18/04/2024 11:22 (GMT+7)
Thứ hai, 10/08/2020 10:00 (GMT+7)

Đê điều mùa mưa bão: Không chủ quan khi chưa lường hết nguy cơ

Theo dõi KTMT trên

Việc đảm bảo an toàn chống lũ cho hệ thống đê đang gặp nhiều thách thức do bị xuống cấp, tình trạng vi phạm đê điều diễn biến phức tạp...

Cả nước hiện có khoảng 9.300 km đê được phân cấp từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, trong đó có hơn 2.700 km đê bảo vệ các khu vực có dân số tập trung đông, mức ngập sâu và có nhiều công trình hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn chống lũ đang gặp nhiều thách thức do hệ thống đê điều xuống cấp, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều diễn biến phức tạp...

Đê điều mùa mưa bão: Không chủ quan khi chưa lường hết nguy cơ - Ảnh 1
Việc đảm bảo an toàn chống lũ cho hệ thống đê đang gặp nhiều thách thức do bị xuống cấp, tình trạng vi phạm đê điều diễn biến phức tạp...

Đáng chú ý là tuyến đê điều ở hệ thống sông Thái Bình, sông Hồng qua nhiều năm chưa từng xảy ra lũ lớn nên dễ nảy sinh tâm lý chủ quan ở chính quyền các cấp các địa phương và người dân trong công tác ứng phó lũ, bão.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm đê điều, khi chiếm khoảng 10% số vụ vi phạm trên cả nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội xác định 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu trên toàn địa bàn thành phố trong mùa mưa bão năm 2020.

Tình trạng tập kết vật liệu xây dựng, xe quá tải đang là thách thức lớn đối với Hà Nội trong việc bảo đảm an toàn đê điều trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó, các vụ việc vi phạm hành lang đê cũng diễn biến rất phức tạp, nhất là một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng, thậm chí san lấp tạo thành các khu tái định cư, giãn dân.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội thừa nhận: Công tác phòng chống thiên tai về đê điều có 2 nội dung chính là tránh để ngập úng ở ngoại thành và nội thành.

“Thời gian vừa qua cũng đã có nhiều chỉ đạo, xử lý những vi phạm tồn tại cũ và mới. Trong năm 2019 trên địa bàn thành phố xảy ra 96 vụ vi phạm, các cấp chính quyền mới chỉ xử lý được 35% số vụ, tồn đọng 62 vụ. Trong 4 tháng đầu năm nay, phát sinh 26 vụ vi phạm nhưng mới chỉ xử lý được 1 vụ”, ông Sơn nói.

Đê điều mùa mưa bão: Không chủ quan khi chưa lường hết nguy cơ - Ảnh 2
Xe quá tải "cầy nát" các tuyến đê ở nhiều địa phương.

Theo Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều còn phổ biến, nhất là tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê, vùng đê đi qua khu đô thị, khu dân cư. Thống kê tổng số vụ vi phạm pháp luật về đê điều từ năm 2011 đến hết năm 2019 là 10.552 vụ.

Qua giải tỏa và xử lý đến nay vẫn còn tồn đọng khoảng 7.400 vụ vi phạm khiến nguy cơ cao về mất an toàn đê điều trong mùa mưa lũ. Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, cho biết, hệ thống đê tại nhiều khu vực còn chưa đồng bộ theo tiêu chuẩn thiết kế, với hàng trăm km đê thiếu cao trình; khoảng 730 km không đảm bảo mặt cắt thiết kế. Nhiều tuyến đê có nguy cơ tràn, vỡ cao.

“Thực hiện Chỉ thị 447 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến đê điều, công tác quản lý, bảo vệ đê điều đã có những chuyển biến nhất định nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn tiếp tục xảy ra ở các địa phương với mức độ và quy mô các vi phạm gia tăng. Việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm còn hạn chế, dẫn đến số lượng vi phạm còn tồn đọng nhiều đặc biệt có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc dư luận” - ông Luận phân tích.

Đê điều mùa mưa bão: Không chủ quan khi chưa lường hết nguy cơ - Ảnh 3
Cắt dốc và tạm dừng hoạt động tại các bãi tập kết vật liệu ven sông ở đê tả Cầu huyện Việt Yên.

Những năm gần đây, việc tổ chức và thực hiện công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động ở nhiều địa phương đang bị lơ là, xem nhẹ và thực hiện không đầy đủ.

Nhấn mạnh đến việc phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu về sự cố đê điều mang tính quyết định, theo ông Vũ Xuân Thành, trong điều kiện thực tế hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần tổ chức diễn tập để lực lượng quản lý đê ở địa phương thuần thục các kỹ thuật xử lý khi xảy ra sự cố về đê điều.

“Lực lượng chuyên trách quản lý đê có vai trò rất quan trọng, triển khai xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Thực tiễn cho thấy ở nơi nào các lực lượng làm công tác đê điều có kinh nghiệm, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời sự cố đê điều ngay từ giờ đầu từ những hư hỏng của đê điều, chỉ đạo, thực chiện tốt phương châm “4 tại chỗ” thì sẽ hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra”, ông Thành nói.

Hiện nay, tại 21 địa phương có đê hiện nay phần lớn chưa được “thử sức” với nước lũ và biến đổi khí hậu nên rất dễ xảy ra những tình huống ngoài dự đoán. Hệ thống đê cấp 3 hiện có 230 điểm xung yếu, có nguy cơ mất an toàn đê điều bất cứ lúc nào.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm đê điều nghiêm trọng, nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn các tuyến đê, phòng, chống lũ lụt hiệu quả.

“Đề nghị các huyện xác định trọng điểm xung yếu để có phương án hộ đê. Trọng điểm xung yếu thì Trung ương đã chỉ ra rất rõ như 230 điểm xung yếu hiện nay, hơn 300 cống dưới đê. Hệ thống đê hiện nay có 300 điểm đùn sủi lớn với tổng chiều dài 2,7 km thì các huyện căn cứ vào để chỉ rõ ra địa bàn nào là xung yếu và khi đã xác định điểm xung yếu thì phải có phương án. Như vậy, các huyện phải có 2 phương án đó là phương án tổng thể trong hộ đê theo quy định của pháp luật, thứ hai là phương án để xử lý các trọng điểm xung yếu. Nếu có lũ lớn thì tập trung lực lượng, nhân lực như thế nào phải có phương án”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Những năm gần đây, các hình thái thiên tai xảy ra ở Việt Nam ngày càng khốc liệt và diễn biến khó lường. Mỗi năm bình quân thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1,5% GDP, làm gần 300 người thiệt mạng. Nỗi lo về mất an toàn hệ thống đê điều là hiện hữu khi cả nước còn 230 điểm xung yếu.

Trong khi đó theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, ở một số hệ thống sông trên cả nước có thể xảy ra nhiều trận lũ lớn bởi theo quy luật sau hạn hán là mưa lũ lớn. Do đó, các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với từng loại hình thiên tai, sự cố cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn.

Cụ thể: các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc phải có phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, còn tại các tỉnh miền Trung có phương án đề phòng với mưa lũ lớn gây ngập lụt diện rộng, chia cắt kéo dài; các tỉnh khu vực Tây Nguyên đề phòng ngập lụt cục bộ; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có phương án ứng phó với bão mạnh, hạn hán, mặn xâm nhập.

Đặc biệt, trong đó cần tổ chức diễn tập để khi xảy ra thiên tai, sự cố, chủ động triển khai ứng phó, không chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào.

Minh Long

Bạn đang đọc bài viết Đê điều mùa mưa bão: Không chủ quan khi chưa lường hết nguy cơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới