Công ty Minh Quân phải khắc phục ô nhiễm, bồi thường cho những người bị ảnh hưởng
Do công ty Minh Quân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị thu gom rác, để xảy ra tình trạng ùn ứ rác theo quy định thì phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại cho người bị ảnh hưởng.
Mấy ngày qua, khu vực nội thành TP.Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng ùn đọng rác trên các tuyến đường. Rác bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô.
Nguyên nhân dẫn đến việc rác ùn ứ trên các tuyến đường là do công nhân thu gom rác của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân - PV) đình công do vì bị chậm trả lương.
Mới đây UBND TP.Hà Nội đã ra văn bản 5914 gửi Thanh Tra thành phố và Sở Xây dựng yêu cầu thanh tra công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố liên quan đến Công ty Minh Quân nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội. Liên quan đến sự việc trên, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.
Luật sư đánh giá như thế nào về việc Công ty Minh Quân trúng thầu nhưng không thực hiện hết trách nhiệm trong việc thu gom vận chuyển xử lý rác thải dẫn đến tình trạng ùn ứ rác, gây ô nhiễm môi trường?
Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay nhà nước đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường. Các công ty này hoạt động thông qua hình thức đấu thầu, cơ chế hợp tác công tư trong các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải.
Trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định tại Điều 18 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường như sau:
Nếu chủ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng hoặc không đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, để xảy ra sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác thì phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Khoản 11 Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó.
Phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó.
Với năng lực yếu kém của Công ty Minh Quân, theo luật sư, đây có phải là một bài học trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện thu gom rác thải ở Hà Nội?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nguyên tắc lựa chọn nhà thầu là đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Luật Đấu thầu 2013 có quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu. Các tổ chức, cá nhân đáp ứng được điều kiện tham gia dự thầu được quy định tại Luật Đấu thầu 2013 thì được phép tham gia.
Điều 39 Luật Đấu thầu đã quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn (trong đó bao gồm thu gom, phân loại, xử lý chất thải, nước thải) có phương pháp giá đánh giá, theo đó tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn xác định giá đánh giá.
Các yếu tố được quy đổi trên cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá bao gồm: Chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến xuất xứ của hàng hóa, lãi vay, tiến độ, chất lượng của hàng hóa hoặc công trình xây dựng thuộc gói thầu, uy tín của nhà thầu thông qua tiến độ và chất lượng thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yếu tố khác. Đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Việc lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn được quy định chi tiết tại Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/9/2016 của Bộ kế hoạch và đầu tư.
Về nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu thì Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Như vậy đối với nhà thầu đã từng trúng thầu nhưng sau đó năng lực kém, không thực hiện được trách nhiệm của đơn vị trúng thầu, ảnh hưởng đến chất lượng dự án thì đây là một căn cứ để đánh giá về tiêu chí năng lực, kinh nghiệm, uy tín của nhà thầu đó là không đạt trong lần tham dự đấu thầu sau. Với năng lực yếu kém, thường xuyên để xảy ra tình trạng ùn ứ rác trên các tuyến phố do mình phụ trách thu gom là một trong những yếu tố bất lợi cho Công ty Minh Quân khi tham gia đấu thầu thu gom rác trong tương lai.
Trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi để một doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém, không có kinh nghiệm đảm nhận gói thầu trị giá hàng nghìn tỉ đồng như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Luật Đấu thầu quy định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra; tổ chuyên gia (trong đó có cá nhân được đơn vị tư vấn thành lập) phải trung thực, khách quan, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo đúng yêu cầu, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu thầu là đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận, cản trở, các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; Không bảo đảm công bằng, minh bạch…
Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn Luật sư!
Hà Cường