Thứ năm, 25/04/2024 02:28 (GMT+7)
Thứ tư, 16/06/2021 07:00 (GMT+7)

Con đường phát triển với những thành tựu của Việt Nam về ổn định xã hội và bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2021, Báo Nhân Dân đã đăng bài viết nhan đề: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngay sau đó đã có nhiều bài viết ca ngợi tác phẩm này về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những phân tích, trả lời làm sáng rõ 4 vấn đề hệ trọng liên quan tới con đường phát triển của Việt Nam. Trong bài viết này chỉ xin nêu những cảm nhận chủ quan của chúng tôi về con đường phát triển do Đảng lựa chọn đã đem lại sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường ở Việt Nam từ năm 1954.

Con đường phát triển với những thành tựu của Việt Nam về ổn định xã hội và bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet. 

1. Lựa chọn con đường phát triển

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, nước nhà còn đang bị đô hộ của nước ngoài, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo đã xác định nhiệm vụ ưu tiên là giải phóng dân tộc và sau đó là đưa Việt Nam phát triển theo con đường Xã hội Chủ nghĩa (XHCN). Năm 1954, Đảng trở thành Đảng cầm quyền ở Miền Bắc, và mặc dù vẫn phải lãnh đạo cả nước tiếp tục đấu tranh giải phóng Miền Nam nhưng Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lãnh đạo một nửa nước được giải phóng bước vào xây dựng thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Là một người lớn lên, sống trong chế độ XHCN, tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm của cuộc sống người dân sau 1954 ở Miền Bắc và thời gian sau 1975 của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Là một nước thuộc phe XHCN, Việt Nam cũng áp dụng, thực hiện nền kinh tế được gọi là nền Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung, có rất nhiều khác, thậm chí ngược hẳn lại với nền Kinh tế Thị trường mà nhiều nước Tư bản đang áp dụng. Ở nền Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung, các vấn đề kinh tế lớn: Sản xuất cái gì; Sản xuất như thế nàoSản xuất cho ai đều do Chính phủ/Nhà nước quyết định. Người dân “hầu như” không phải quan tâm nhiều vì đã được Nhà nước phân phối lương thực, vải vóc (bằng tem phiếu), sắp xếp chỗ học cho con trẻ, sắp xếp việc làm, định ra mức lương theo thứ bậc rõ ràng. Đặc biệt, giá cả hàng hóa cũng do Chính phủ quyết định và vì phục vụ nhân dân nên giá nhà nước bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều giá “chợ đen”. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay ở Liên Xô cũ, nhiều mặt hàng thiết yếu (sữa, bánh mì, vải vóc…) có giá rất rẻ và ổn định hàng mấy chục năm.

Hiện nay có nhiều chương trình truyền hình tái tạo lại cuộc sống thời ấy với thái độ trân trọng quá khứ như Ký ức vui vẻ, Quán Thanh xuân. Có lẽ thập niên 60 và 70 Thế kỷ 20 là 2 thập kỷ mà Đảng và Chính phủ cố gắng xây dựng, hoàn thiện nền Kinh tế XHCN với sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất và làm ăn tập thể (nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã) dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu mà nền Kinh tế Kế hoạch hóa đã mang lại cho Miền Bắc lúc bấy giờ. Đó là ổn định được đời sống nhân dân, tuy còn thiếu thốn nhưng đã hơn nhiều so với những năm trước đây và thiếu thốn - nhưng không có chênh lệch lớn về điều kiện sống của mọi tầng lớp. Phải luôn nhớ là nước ta trước đó đã trải qua nhiều nạn đói (điển hình là năm 1945), sản xuất công nghiệp chưa định hình, nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đến giữa năm 1964, Miền Bắc còn phải chống chịu chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, rồi thiên tai (điển hình là lũ lụt năm 1971 với khoảng 100.000 người thiệt mạng) nên việc ổn định được cuộc sống nhân dân chắc chắn nhờ vào vận hành nền Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung.

Một điểm nữa cần nhấn mạnh là nền kinh tế này đã giúp dân tộc ta có thể huy động tối đa nguồn lực phục vụ cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho cả nước. Những năm 1965 đến 1975, mọi người Việt Nam đều hướng ra tiền tuyến, hướng đến trận địa phòng không, nơi có những người lính Cụ Hồ đang ngày đêm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập cho dân tộc. Người lính ra trận cũng yên tâm vì ở nhà, người thân đã có cơ quan nhà nước, xí nghiệp nhà nước, hợp tác xã nông nghiệp và những người ở hậu phương chăm lo cho cuộc sống mọi mặt. Có thể nói, cho đến 1975, nền Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung đã phát huy được tất cả mặt tích cực giúp dân tộc đánh thắng Đế quốc Mỹ, giành trọn vẹn non song về một mối.

Sau 1975, mặc dù đất nước được thống nhất nhưng kẻ thù bên ngoài vẫn gây cho chúng ta nhiều khó khăn, đó là Chiến tranh Biên giới và cấm vận quốc tế. Lúc này là lúc Việt Nam đã có mối liên hệ quốc tế rộng hơn, không còn bó hẹp trong các nước XHCN nữa. Chúng ta cũng bắt đầu tiếp cận nhiều hơn tới nền Kinh tế Thị trường của các quốc gia khác và của chính quyền Miền Nam trước đây.

Nếu như hơn 10 năm trước 1975 nhân dân ta phải gồng mình chiến đấu chống xâm lược trong tâm thế vững vàng, tin tưởng vào thắng lợi thì khoảng hơn 10 năm sau 1975, chúng ta sống với rất nhiều trăn trở suy tư. Ai cũng nghĩ sau giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc thì cuộc sống của nhân dân sẽ cải thiện hơn nhiều, nhưng rồi khó khăn dồn dập ập tới làm đảo lộn toan tính của nhiều tầng lớp nhân dân.

Về kinh tế, chúng ta đã kiệt quệ trước 1975 lại phải chia sẻ với Campuchia trong bối cảnh viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu sụt giảm rất mạnh. Nhiều mặt hàng chúng ta chưa sản xuất được mà bị phong tỏa cấm vận nên càng thiếu thốn cùng cực. Cũng may là chúng ta vẫn nhận được giúp đỡ rất đáng quý của chính phủ và nhân dân nhiều nước, trong đó phải kể đến giúp đỡ của Iraq viện trợ không hoàn lại, cho vay hàng triệu tấn dầu rồi sau đó xóa nợ cho Việt Nam. Sự cấm vận của nước ngoài đã làm cho Việt Nam không thể tiếp cận với nền công nghệ thế giới phục vụ sản xuất. Trong sản xuất lương thực (chủ yếu là gạo), chúng ta đã không tiếp cận được nguồn giống năng suất cao, kháng sâu bệnh, không mua được phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên loay hoay mãi chúng ta vẫn không thực hiện được mục tiêu sản xuất 21 triệu tấn lương thực quy thóc những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20.

Sau 1975, chúng ta còn phải đối mặt với làn sóng di tản của người Việt ra nước ngoài. Chính phủ đã cố gắng ngăn chặn làn sóng này nhưng kết quả không cao, vẫn có nhiều người di tản mặc dù biết hiểm nguy rình rập, thậm chí bỏ xác trên biển. Truyền thông nước ngoài rêu rao nhiều chuyện xung quanh lý do người Việt vượt biên mà họ gọi là thuyền nhân (boatman).

Năm 1990, tôi được sang Đức (lúc đó bức tường Béc-lin đã đổ) học với bè bạn đến từ 17 nước khác nhau và tất nhiên họ cũng hỏi câu này và được xem rõ hơn cảnh nhiều người vượt biên trên những con thuyền thô sơ, không an toàn và cảnh sống chen chúc, thảm hại ở các trại tị nạn. Lúc đầu vốn tiếng Anh còn hạn chế nên tôi chưa trả lời được câu hỏi mà bè bạn đưa ra nhưng sau một vài tháng tôi đã đưa ra được câu trả lời mà họ chấp nhận được, hiểu rõ được thực trạng di tản của người Việt từ sau 1975. Tôi nói với họ về các mốc di tản: Đầu tiên là số người đã từng làm việc cho chế độ cũ thân Mỹ và phương Tây, làm việc với người Mỹ ở Nam Việt Nam lo sợ bị cách mạng trả thù (mà họ tưởng tượng là “tắm máu” nhưng không có chuyện này xảy ra) nên theo quan thày Mỹ chạy ra nước ngoài. Họ thuộc tầng lớp có thế lực, giàu có, có kiến thức, ngoại ngữ nên được Mỹ và một số nước giàu đón nhận vì họ vừa nhận được nguồn nhân lực và vật lực chất lượng cao.

Làn sóng di tản thứ 2 là người Hoa ở Việt Nam. Họ cũng là người giỏi, có kiến thức và khá giàu có nên được Trung Quốc và các nước khác đón nhận. Làn sóng thứ 3 là có một bộ phận tầng lớp trí thức, các nhà khoa học, các nghệ sĩ ra đi tìm đến những nơi có điều kiện làm việc (phòng thí nghiệm, nhà hát) tốt hơn và có mức thu nhập cao hơn. Vì họ có kiến thức, có tay nghề cao lại có ngoại ngữ tốt nên cũng được nhiều nước tiếp nhận. Đến làn sóng thứ 4 thì người dân Việt Nam nhận được nguồn thông tin (phản động) là cứ ra khỏi Việt Nam sẽ có cuộc sống tốt hơn nên bất chấp mình không có kiến thức, tay ngề tốt, không có vốn liếng nhiều, không có ngoại ngữ, thậm chí là dùng ngay những chiếc thuyền mong manh mà vẫn ra đi để tìm cách đổi đời.

Nhìn vào tình trạng của họ như vậy nên không nước nào muốn nhận và họ được đưa vào các trại tị nạn sống lay lắt để rồi Nhà nước Việt Nam lại phải sang đón về. Như vậy với người di tản, Việt Nam bị mất nguồn vốn (ngoại tệ, vàng) không nhỏ, mất nguồn nhân lực trình độ cao nên đâu phải Việt Nam cố tình gây ra tình trạng này. Những nước tiếp nhận người di tản cũng chỉ chọn lọc, cho phép những người có “máu mặt”, giàu, giỏi được cư trú, họ đâu dại gì tiếp nhận người nghèo, người không có trình độ lao động cao.

Giai đoạn sau 1975, chính sách kinh tế của Việt Nam không có gì thay đổi nhiều, vẫn giữ nền Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung trong hoàn cảnh mới nên chưa lường hết được mặt trái của nó mang lại. Chúng ta vẫn giữ mô hình hợp tác xã và mở rộng thành hợp tác xã cấp cao (toàn xã) ở nông thôn trong khi trình độ quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm rất thấp. Chính sách phân phối có phần cào bằng đã làm mất động lực làm việc của người lao động dẫn đến nhiều khâu sản xuất bê trễ, năng suất lao động không cao. Chỉ khi chúng ta tự “cởi trói” nền kinh tế với chính sách khoán hộ, khoán sản phẩm và áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất mới có được lượng sản phẩm dồi dào hơn, lúa gạo đủ ăn, hàng hóa tiêu dùng ngày một nhiều nên dần dần bỏ được hình thức phân phối tem phiếu.

Một rào cản khác làm chậm quá trình phát triển giai đoạn này là chính sách “ngăn sông cấm chợ” chỉ cho phép Nhà nước (mà cụ thể là ngành thương nghiệp) có quyền thu mua và phân phối sản phẩm. Đến nỗi, miền Tây Nam bộ dư gạo, Thành phố Hồ chí Minh dư hàng hóa tiêu dùng nhưng các tỉnh thành không tự mua tự bán được dẫn đến miền Tây Nam bộ thiếu hàng hóa tiêu dùng và Thành phố Hồ Chí Minh thiếu gạo. Mặt khác, do Việt Nam muốn duy trì mức giá hàng hóa thấp, có mức chênh rất lớn giá chợ đen bên ngoài nên nạn buôn lậu phát triển, đồng tiền dần mất giá, lạm phát gia tăng. Những nguyên nhân chủ quan kể trên cũng gây ra tác động không nhỏ đến đời sống của người dân giai đoạn này.

Nhận thức được xu thế phát triển thế giới, tình hình nội bộ các nước XHCN, tiếp cận kiến thức nhân loại về kinh tế, khoa học công nghệ và căn cứ vào thực trạng phát triển 10 năm sau giải phóng Đảng và Nhà nước đã quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới mô hình phát triển mở ra Thời kỳ phát triển vượt bậc của dân tộc.

Chúng ta đổi mới những gì, đầu tiên là nghiên cứu chuyển dần từ nền Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung sang nền Kinh tế Thị trường, đa thành phần, chấp nhận thành phần tư nhân, giải phóng sức lao động, ưu tiên sản xuất lương thực và hàng tiêu dùng phục vụ nhân dân. Chỉ một thời gian ngắn đổi mới, mở cửa, chúng ta đã sản xuất đủ lương thực, có cả phần dư để xuất khẩu, hàng hóa tiêu dùng ngày một đa dạng, đủ để cung cấp mà không cần chế độ tem phiếu. Đồng thời, trong mười năm đầu thời kỳ đổi mới chúng ta đã cố gắng phá vỡ tình trạng cấm vận mọi mặt bằng cách từng bước bình thường quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ tốt với các nước ASEAN, và đặc biệt là vận động Mỹ dỡ bỏ cấm vận, nối lại quan hệ phát triển ngoại giao, kinh tế đôi bên cùng có lợi.

Đến năm 1995, Việt Nam đã cơ bản dỡ bỏ được cấm vận quốc tế, có quan hệ bình thường với Trung Quốc, với Mỹ, với nhiều quốc gia khác và trở thành thành viên của ASEAN. Từ đây, Việt Nam đã có vị thế lớn hơn để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Thành tựu phát triển nhanh giai đoạn sau 1995 đã giúp Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước phát triển chậm, thu nhập thấp sang nhóm nước phát triển trung bình mức thấp.

2. Nội dung phát triển theo nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Vậy còn những vấn đề gì mà chúng ta còn băn khoăn về con đường phát triển đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp, trả lời thấu đáo 4 câu hỏi đặt ra, khẳng định nền kinh tế chúng ta theo đuổi là nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN. Bản thân tôi lúc đầu cũng rất trăn trở là liệu định hướng xã hội chủ nghĩa có làm cản trở phát triển Kinh tế Thị trường không? Khi hỏi một số chuyên gia kinh tế nước ngoài thì họ nói trên thế giới có nhiều nước thực thi nền Kinh tế Thị trường nhưng vẫn có định hướng theo điều kiện riêng. Chẳng hạn CHLB Đức thực hiện nền Kinh tế Thị trường Xã hội với nhiều điểm khác biệt so với lý thuyết chung về Kinh tế Thị trường.

Chẳng hạn, mô hình KTTTXH cho phép sự can thiệp của nhà nước trong việc thiết lập trật tự kinh tế. Nhiệm vụ chính của nhà nước là phân phối lại thành quả kinh tế. Hay “Nền Kinh tế Thị trường Xã hội nhằm mục đích hướng đến kết hợp tự do trên thị trường với sự ổn định xã hội”. Và, thay vì chỉ tập trung vào tài sản tư hữu, mô hình KTTTXH hiện đại nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa quyền và trách nhiệm đi cùng với quyền tài sản nói chung. Bảo vệ môi trường hiệu quả được đề cao, mô hình ban đầu chỉ đề cập đến việc điều chỉnh các ngoại ứng môi trường còn mô hình hiện đại nhấn mạnh vào công cụ để bảo vệ môi trường.

Các nhà kinh tế ưu tiên các công cụ thị trường, nhưng trên thực tế các biện pháp phi thị trường (ví dụ xử phạt, cấm) vẫn phổ biến. Nhà nước can thiệp sâu vào thị trường lao động, nhằm củng cố và bảo vệ các tổ chức đại diện cho người lao động như công đoàn hơn là những người đại diện cho giới sử dụng lao động [2]. Như vậy, có thêm định hướng vào Kinh tế Thị trường cũng là bình thường. Trong trường hợp của Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết được cả mặt mạnh của Kinh tế Thị trường và Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung để xây dựng nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN.

Kinh tế Thị trường trong những năm qua ở các nước Tư bản được vận hành tốt, đã có thành tựu được Tổng Bí thư chỉ rõ: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước” [1]. Nhiều mặt trái của Kinh tế Thị trường ở các nước này được bộc lộ cũng được tổng kết để rút kinh nghiệm khi áp dụng ở Việt Nam.

Định hướng XHCN của Kinh tế Thị trường của Việt Nam đã chắt lọc những thành tựu của Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung như ổn định xã hội, công bằng xã hội, chăm lo đời sống cho mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện trong tương lai. Tổng Bí thư khẳng định:

Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Cụ thể hơn, “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”.

Nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN của Việt Nam có những đặc điểm như:

  • Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
  • Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
  • Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
  • Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững [1].

Sau thời gian vận hành nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN, Tổng Bí thư đã tổng kết, nêu bật những thành tựu chúng ta đạt được về tăng trưởng kinh tế nhanh, nâng cao mức sống người dân, ổn định xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng..., nhưng cũng chỉ ra những bất cập về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hiệu quả, năng lực các doanh nghiệp ở mức thấp, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế và môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi. Chắc chắn Việt Nam sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để nhanh chóng trở thành nước có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra.

3. Đôi điều ngẫm nghĩ

Là một công dân Việt Nam đã sống và chứng kiến nhiều thăng trầm trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, tìm đường phát triển kinh tế xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi rất thấm thía với những gì Tổng Bí thư đã nêu trong bài viết quan trọng này. Đồng thời cũng đang nghiền ngẫm một số điểm còn băn khoăn trăn trở xung quanh con đường phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Thứ nhất là liệu nền kinh tế Thị trường định hướng XHCN không chấp nhận sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất có làm giảm khả năng điều tiết, phân bổ tài nguyên đến người sử dụng hợp lý không. Do quyền sở hữu tư nhân có thể chuyển nhượng từ người này sang người khác và người chủ có thể định hướng sử dụng dài hạn nên sẽ có sự thỏa thuận giữa người sử dụng kém hiệu quả sang người sử dụng hiệu quả hơn. Liệu khi nền Kinh tế Thị trường định hướng XHCN chấp nhận quyền sử dụng tài nguyên (đất đai, rừng, khoáng sản…) trong thời hạn đủ dài và có thể chuyển nhượng cho các cá nhân và chủ thể có thể thực hiện được những gì mà quyền sở hữu tư nhân đã làm được không? Những gì đã xảy ra trong thời gian qua cho thấy, không có sở hữu tư nhân, chỉ có sở hữu toàn dân sẽ giúp nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng hơn, đặc biệt là sử dụng cho các mục đích quốc phòng, phục vụ quốc kế dân sinh lớn. Và về lâu dài, điều này cũng giúp xã hội chúng ta công bằng hơn trong sử dụng tư liệu sản xuất. Do quyền sử dụng được đảm bảo lâu dài nên người có quyền sử dụng có thể định hướng sử dụng, lập kế hoạch sử dụng dài hơi, cho hiệu quả cao hơn. Quyền sử dụng có thể chuyển nhượng nên cũng có thể thỏa thuận để chuyển sử dụng tài nguyên cho người sử dụng hiệu quả hơn.

Thứ hai là vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Nếu theo đúng kinh tế XHCN thì mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” mà lao động của từng người không giống nhau nên rõ ràng thu nhập của từng người cũng phải khác nhau. Vấn đề là Nhà nước phải tạo được cơ chế chính sách để con người được hưởng đúng với sức lao động mình bỏ ra. Trước đây chúng ta thường nói đến thu nhập chân chính nhưng bây giờ phải chuyển sang thu nhập hợp pháp sẽ hợp lý hơn. Trong nền kinh tế luôn có hai giới khác nhau là người tạo việc làm và người nhận việc làm. Nếu cả hai giới đều làm công việc của mình, tuân thủ luật pháp thì thu nhập được coi là hợp pháp. Người tạo việc làm phải đăng ký với nhà nước những dạng việc làm mình tạo ra một cách cụ thể kèm theo mức lương, thưởng và thu nhập mà người làm có thể nhận được, và người nhận làm việc chứng minh được khả năng có thể làm công việc do người tạo việc làm công bố (qua bằng cấp, qua phỏng vấn, kiểm tra…) thì họ có thể làm hợp đồng theo đúng pháp luật để vào làm việc. Khi ấy thu nhập người làm và thu nhập của người tạo việc làm được coi là thu nhập hợp pháp, vì đều đã đăng ký và đóng thuế cho nhà nước. Người tạo việc làm và người nhận việc làm không nhất thiết là người Việt Nam mà có thể là người nước ngoài.

Trong bối cảnh như vậy sẽ có những người có năng lực tốt, họ sẽ có mức thu nhập cao, thậm chí rất cao và trở thành người giàu. Một câu hỏi đặt ra là người tạo việc làm có phải là người chủ còn người làm có phải là làm thuê, bán sức lao động không? Trong Kinh tế Thị trường, lao động được coi là hàng hóa và có thị trường lao động, mỗi người có quyền chọn bán sức lao động để có thu nhập và nếu có năng lực quản lý họ có thể trở thành người tạo việc làm và ai cũng có quyền, có cơ hội trở thành người giàu. Người giàu, họ có nhiều tiền nhưng trong xã hội hiện đại họ không thể sử dụng, tiêu tiền trái pháp luật và trong chừng mực nào đó tiền của họ cũng là tiền chung của toàn xã hội mà họ phải quản lý. Vấn đề là làm sao đánh giá đúng sức lao động năng suất lao động của từng người để có thể trả thu nhập cho họ một cách hợp lý.

Trong nền Kinh tế Thị trường hiện đại, người ta cố gắng lượng hóa mọi công việc con người làm ra đơn vị tiền tệ, bằng việc anh đưa tiền về (bằng sức lao động) cho cơ sở làm việc và họ sẽ trả thu nhập cho anh. Có thể lượng tiền anh đưa về cao hơn so với thu nhập của anh thì số tiền ấy về lý thuyết là để tái sản xuất. Ở Việt Nam, nhiều chỗ còn chưa tính đúng, tính đủ hoặc chưa có cơ chế tính đúng năng suất lao động của cán bộ, công nhân, viên chức. Lương một số ngành do Nhà nước quản lý còn trả theo cơ chế cũ, theo bậc lương nên chưa khuyến khích người tăng năng suất lao động (điển hình là ngành Giáo dục công lập). Lấy một dẫn chứng điển hình là năng suất lao động của một số vị lãnh đạo cấp cao (chính trị gia) mà đo theo thu nhập họ thực lĩnh do Nhà nước trả thì rất bất hợp lý. Tại sao nguyên thủ quốc gia một số nước có lương rất cao vì cho rằng lao động của họ có cường độ lớn, lo cả cho đất nước, tiền họ mang về cho đất nước là mức tăng trưởng kinh tế và họ phải được trả thu nhập tương xứng. Việc xây dựng cơ chế tính năng suất lao động cho một số loại hình đặc thù phải được nhanh chóng thực hiện để trả thu nhập đúng với những gì người lao động đã cống hiến.

Thứ ba là vấn đề bảo vệ môi trường. Tổng Bí thư chỉ rõ “môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi” là sự thật đáng buồn. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu là phát triển kinh tế chắc chắn gây ra những ngoại ứng cho hệ môi trường, mà hai ngoại ứng tiêu cực chính rất dễ xảy ra là cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường. Thật ra, các nước đã phát triển cũng đã phải gánh chịu hậu quả này từ lâu như Mỹ đã “hoàn thành công cuộc phá rừng” từ 1920 hay nước Anh phải chịu hậu quả ô nhiễm không khí rất nặng năm 1952 với số lượng người chết lên tới hàng nghìn người chỉ trong vòng vài tuần. Việt Nam là nước phát triển sau, có thể rút kinh nghiệm, có thể áp dụng thành tựu khoa học công nghệ cao để bảo vệ môi trường tốt hơn và với chủ trương của Đảng thể hiện trong bài viết của Tổng Bí thư: “bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững” thì chúng ta có thể tin tưởng vào những quyết sách của Nhà nước, sự đồng lòng, cố gắng của mọi người thì rừng Việt Nam sẽ hồi phục (như nước Mỹ đã làm), chất lượng nước, chất lượng không khí sẽ được cải thiện trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo:

[1]. GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, 2021, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử 17/5/2021.

[2]. Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thế Anh, Nền Kinh tế Thị trường Xã hội Đức và Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Bài Nghiên cứu NC-36, ©2020 Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

 TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Con đường phát triển với những thành tựu của Việt Nam về ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới