Thứ bảy, 23/11/2024 20:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/11/2020 14:03 (GMT+7)

Có lúng túng trong xử lý vi phạm về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Hôm nay (6/11), kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Hàng loạt vấn đề nóng được các đại biểu nêu lên tại nghị trường, trong đó có vấn đề xử lý vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển dẫn chứng báo cáo của Chính phủ trong năm nay, 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với hơn 3.093 tổ chức, cá nhân vi phạm được phát hiện, trong đó, nhiều vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng.

Đại biểu Hiến nêu thắc mắc với Viện trưởng VKSND Tối cao về lý do đến hiện tại, chưa có pháp nhân vi phạm nào nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Zing, về vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận câu hỏi của đại biểu khiến cơ quan, người làm luật và thực thi pháp luật phải suy nghĩ. Ông cũng cho rằng cán bộ xử lý vi phạm vấn đề môi trường còn lúng túng trong nhiều trường hợp.

Có lúng túng trong xử lý vi phạm về môi trường - Ảnh 1
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí.

"Không phải hành vi vi phạm môi trường nào chúng ta cũng xử lý hình sự được. Cần tùy thuộc vào mực độ định lượng gây ô nhiễm môi trường và một số trường hợp, người vi phạm sau khi bị xử lý hành chính vẫn tái phạm mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Lê Minh Trí phân tích.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay còn tình trạng cá nhân núp bóng pháp nhân để thực hiện vi phạm. Ông nhận định đây là vấn đề mới, chưa có căn cứ cụ thể và tính khả thi của các điều luật để giải quyết thấu đáo.

Đặc biệt, ông Lê Minh Trí thừa nhận còn nhiều trường hợp do chưa được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ tỏ ra lúng túng khi xử lý vi phạm môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, người thi hành luật cần có hướng dẫn cụ thể của các cấp từ nghị quyết đến văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tối cao.

"Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng là cần có lộ trình nghiên cứu, đề xuất nguyên nhân chính của những vấn đề còn bất cập, thiếu khả thi để có hướng khắc phục hiệu quả", Viện trưởng VKSND Tối cao nêu giải pháp.

Theo báo SGGP, đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng một số văn bản phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, giải pháp khắc phục là gì?

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hồi đáp: “Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành 75 luật và nghị quyết, đây là cố gắng rất lớn, được dư luận đánh giá khá tích cực. Tuổi thọ trung bình của một luật là 10 năm, trung bình 5 năm sửa đổi một số điều, 10 năm sửa đổi tổng thể”.

Thừa nhận trong nhiệm kỳ vừa qua có những luật có tuổi thọ dưới 5 năm, như Luật Đầu tư công, do cần đáp ứng yêu cầu của một đất nước đang phát triển, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, một hệ thống pháp luật ổn định và hiệu quả vẫn là mong muốn của chúng ta.

Về giải pháp, hiện chúng ta đang tổng kết nhiều Nghị quyết của Đảng như các Nghị quyết 48, 49, sắp tới sẽ đề xuất ban hành nhiều văn bản luật; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, bộ ngành; nâng cao vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia; chúng tôi cũng rất muốn Quốc hội và các cơ quan và dư luận tiếp tục giám sát để nâng cao chất lượng các dự án luật.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Có lúng túng trong xử lý vi phạm về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới