Có cần thiết đo huyết áp trước khi tiêm vaccine Covid-19?
Câu hỏi: Tôi không có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp, tuy nhiên trước khi tiêm thường hồi hộp nên e rằng khi đó huyết áp tăng, tôi có thể bị từ chối tiêm. Trong trường hợp này tôi phải làm sao?
Trả lời:
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi khám sàng lọc trước khi tiêm chủng, bên cạnh việc hỏi tiền sử bệnh người đến tiêm, các cơ sở sẽ tiến hành đánh giá lâm sàng. Trong đó, bao gồm đo thân nhiệt, huyết áp và đo mạch, đếm nhịp thở.
Tuy nhiên, ngày 10/9, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4355 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Hướng dẫn này thay thế hoàn toàn Quyết định 3802 và hướng dẫn kèm theo.
Đáng chú ý, hướng dẫn đã sửa đổi quy trình khám sàng lọc trước tiêm chủng Covid-19, theo hướng bỏ công đoạn đo huyết áp trước tiêm. Trước đó, ở hướng dẫn cũ (đã được bãi bỏ), Bộ Y tế yêu cầu đo huyết áp với tất cả người đến tiêm.
Bởi thực tế, các chuyên gia cho rằng có không ít người đã bị từ chối tiêm bởi do căng thẳng, lo lắng trước tiêm, nhiều người huyết áp bình thường khi đo để tiêm chủng thì huyết áp tăng cao, phải đợi và đo nhiều lần, hoặc phải uống thuốc hạ huyết áp... Theo các chuyên gia, việc bị từ chối tiêm trong hoàn cảnh này được cho là “oan uổng".
Việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine Covid-19 hiện chỉ áp dụng đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp và có bệnh nền liên quan bệnh lý tim mạch, trên 65 tuổi.
Như vậy, trường hợp của bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng việc huyết áp tăng do hồi hộp trước tiêm chủng không còn là lý do dẫn đến bị từ chối tiêm. Bạn chỉ cần thăm khám sàng lọc theo quy trình, đo thân nhiệt, bởi riêng huyết áp và đo mạch chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định.
Minh Điệp (t/h)