Chuyên gia gợi ý giải pháp 'né' mặn, phát triển vựa lúa số 1 Việt Nam
Cơ quan khí tượng khuyến cáo, từ nay đến ngày 20/4, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt, khi tưới nước cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn…
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Từ nay đến tháng Năm, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các vụ lúa còn lại trong năm 2020 vẫn tiếp tục đối phó với những khó khăn không chỉ là khô hạn, xâm nhập mặn mà còn phải lưu ý đến những diễn biến bất thường khác về lũ, bão.
Do vậy, triển khai các giải pháp trữ nước, "né" mặn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với mặn là việc làm cấp bách để phát triển vựa lúa số 1 Việt Nam.
Xâm nhập mặn giảm nhưng vẫn cao
Thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết trong năm ngày qua mưa liên tục xảy ra ở miền Đông Nam Bộ, riêng ngày 13/4 mưa dông lan ra cả khu vực Tây Nam Bộ. Một số nơi còn xuất hiện lượng mưa lớn như Tây Ninh lên tới 143mm.
Dự báo từ 16-20/4, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện mưa rải rác, xâm nhập mặn tiếp tục giảm dần. Tuy nhiên, từ ngày 18/4, mưa giảm hẳn, ngày trời nắng, nắng nóng sẽ tăng trở lại với nhiệt độ cao nhất đạt 33-36 độ C.
Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn 120-155km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 65-80km; sông Hậu từ 50-60km; sông Cái Lớn 58-63km…
Trong khi đó, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 90-127km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 35-45km; sông Cái Lớn 55-60km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở mức cấp độ 1-2.
Chính vì thế, cơ quan khí tượng khuyến cáo trong thời kỳ này, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp, khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn tránh thiệt hại.
Bản đồ dự báo phân bố độ mặn cao nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 16-20/4/2020. |
Trong giai đoạn tiếp theo, từ ngày 21-25/4, xu thế xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long ít biến đổi trong 1-2 ngày đầu, sau đó giảm dần.
Về xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ nay đến tháng Năm, dòng chảy tại các trạm thượng nguyên sông Mekong cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-20%. Nhờ đó, xâm nhâp̣ mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao.
Thậm chí, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long kéo dài hơn và trầm trọng hơn.
Chuyển đổi 50.000 ha cây trồng trên đất lúa
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết lượng nước lưu vực sông Mekong đổ về Đồng bằng Sông Cửu Long đầu mùa khô đến nay thấp hơn 17% so với đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2015-2016. Thời gian xâm nhập mặn cao, gay gắt và dài gấp 2 lần.
Theo ông Tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp…
Nhờ thực hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn như triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, tổ chức xuống giống vụ Đông-Xuân sớm hơn so với thời vụ các năm trước, đến nay đã thu hoạch 1,45 trên tổng số 1,54 triệu ha lúa, các diện tích còn lại đang trong giai đoạn chín và thu hoạch, không bị ảnh hưởng.
Các diện tích bị thiệt hại chủ yếu xuống giống muộn sau tháng 12/2019, do người dân làm tự phát, tuy nhiên không nhiều.
Ngoài ra, các tỉnh cũng đã tổ chức chuyển đổi khoảng 50.000 ha cây trồng trên đất lúa có nguy cơ hạn, xâm nhập mặn sang canh tác rau màu, cây ăn quả lâu năm; nuôi trồng thủy sản và chủ động cắt vụ, giãn vụ gần 100.000 ha để tránh thiệt hại.
Về phía người dân, do được cảnh báo sớm từ chính quyền và qua các phương tiện thông tin đại chúng cùng với kinh nghiệm đúc rút lại từ đợt xâm nhập mặn lịch sử nên đã chủ động thực hiện các khuyến cáo, có nhiều sáng kiến hiệu quả phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt trong việc trữ nước và sử dụng tiết kiệm,...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Mới đây, ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ cho 8 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tổng cộng 530 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2020 để các địa phương chi trả và tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Xuống giống lúa sớm hơn 20-30 ngày
Nói về hướng thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng với tự nhiên, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vùng chịu ảnh hưởng của hạn mặn, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với lãnh đạo các tỉnh đã xây dựng các kịch bản cụ thể, phù hợp thực tiễn cho từng địa bàn sản xuất, bao gồm cây ăn trái, cây lúa và hoa màu.
Trên cơ sở đó, các địa phương chuyển đổi cây trồng phù hợp ở những nơi không có lợi thế sản xuất lúa; xuống giống lúa sớm hơn 20-30 ngày nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước; sử dụng giống lúa ngắn ngày và chịu được hạn, mặn…
Ông Tùng cũng lưu ý việc sản xuất các vụ lúa còn lại trong năm 2020 tiếp tục đối phó với những khó khăn. Do đó, thời vụ xuống giống lúa phải tuân thủ nguồn nước cung cấp và tình hình diễn biến các đối tượng dịch bệnh.
Việc xuống giống lúa cần tập trung trong khung thời gian ngắn, xuống giống nhanh, gọn để tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Đặc biệt, các địa phương cần sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt và đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua trong vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn; liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và liên kết đồng bộ với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa...
Về thời gian xuống giống, ông Tùng khuyến cáo các tỉnh nên xuống giống tập trung trong 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 cần tập trung xuống giống trong tháng Tư; đợt 2, xuống giống trong tháng Năm. Với các vùng chịu ảnh hưởng mặn, nước mặn xâm nhập vào nội đồng trong vụ Đông Xuân, thì cần rửa mặn đầu mùa mưa hoặc khi có nước ngọt.
Ngoài ra, sau khi rửa mặn mới bố trí xuống giống tập trung một đợt tháng Năm.
Riêng với vùng sản xuất lúa 2 vụ, các địa phương cần tổ chức xuống giống vào đầu hoặc giữa tháng Năm và kết thúc trong tháng Sáu.
“Việc bố trí xuống giống lúa như trên sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn, mặn đầu vụ, mưa, bão, lũ vào cuối vụ ở các tiểu vùng sản xuất chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn và mưa, lũ,” ông Tùng nhấn mạnh.
Hùng Võ-Tùng Lâm