Chuyển đổi xanh – “Chìa khóa" để Lâm Đồng phát triển bền vững
Theo ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, vấn đề phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng chiến lược của tỉnh.
Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nằm trên cao nguyên xếp tầng cao nhất của Tây Nguyên (1.500 m), thuộc khu vực Nam Tây Nguyên. Tỉnh Lâm Đồng được coi là “cửa ngõ” thông ra biển của khu vực Trung và Nam Tây Nguyên, điểm “kết nối” của 3 vùng kinh tế: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, nhờ nằm trên 2 hành lang cao tốc chính là Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt - Quốc lộ 20 và Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.
Lâm Đồng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với TP. Đà Lạt là vùng đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Lâm Đồng cũng là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè... thích ứng với biến đổi khí hậu; là trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến quặng bauxite; alumin; công nghiệp chế biến nhôm và chế tạo.
Phát huy những lợi thế có sẵn cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai các giải pháp tích cực và các chương trình mục tiêu có bước cải thiện đáng kể. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 theo giá so sánh 2010 tăng 12,09% so, xếp thứ 9 cả nước và đứng đầu vùng Tây Nguyên.
Theo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, đây là lần đầu trong hơn 10 năm gần đây, tốc độ tăng GRDP của địa phương đạt hai con số (từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng GRDP trong khoảng từ 6 đến 8%). Theo phân tích, năm 2022 đạt tốc độ tăng GRDP hai con số nêu trên, là do năm 2021, địa phương và cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (năm 2021, GRDP theo giá so sánh 2010 của Lâm Đồng đạt hơn 50,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,58% so với năm 2020).
Năm 2022, tổng sản phẩm theo giá hiện hành tại Lâm Đồng đạt hơn 103,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,54% so năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 27,3%; năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành khoảng 130,4 triệu đồng/lao động/năm.
Đặc biệt, năm 2022, chỉ số PGI của Lâm Đồng đạt 14,47/40 điểm, xếp thứ 36 cả nước và đứng hạng 2 ở khu vực Tây Nguyên (Kon Tum xếp thứ 25, Đắk Lắk xếp thứ 44, Đắk Nông xếp thứ 48, Gia Lai xếp thứ 52).
Với kết quả xếp thứ hạng 36/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xanh, tỉnh Lâm Đồng cũng đã “bắt nhịp” trong nỗ lực của chính quyền khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao, chú trọng các vấn đề môi trường bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Theo ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, vấn đề phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng chiến lược của tỉnh. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh những giải pháp cụ thể để khắc phục thứ hạng chỉ số này cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường cũng như định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, tăng cường tuyên truyền kêu gọi sự tham gia của cộng đồng; đẩy mạnh kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật về môi trường, đẩy mạnh thu hút, xã hội hóa công tác xử lý rác thải nước thải cho đô thị, khu công nghiệp…
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, vì vậy tỉnh ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao. Tỉnh cũng kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường, việc kêu gọi thu hút đầu tư cần phải xanh hơn, công nghệ cao hơn để mang lại giá trị gia tăng tốt hơn.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu mới đây, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, qua nhiều nhiệm kỳ, Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp với mục tiêu chung “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại”, đồng thời, có những mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp xanh đang là xu thế tất yếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Lâm Đồng là địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao tiên phong của cả nước nên quá trình phát triển trong tương lai cần có tầm nhìn tích hợp, đa giá trị. Đó là tư duy tích hợp trong nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. Đưa các dịch vụ về nông thôn, phổ biến đến nông dân để hồi sinh sức sống cộng đồng, kích hoạt đời sống cộng đồng, làng nghề, tạo ra những sản phẩm có giá trị.
"Lâm Đồng được kỳ vọng là trung tâm đổi mới, sáng tạo và kết hợp thương mại, dịch vụ ngành hàng hoa. Địa phương phải phấn đấu để trở thành nơi bảo trợ cho những ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp. Đặc biệt là tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng theo phương thức Nhà nước - thị trường - xã hội một cách hài hòa" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI cũng đã xác định, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững là mục tiêu chiến lược của tỉnh.
Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra quan điểm phát triển cho tỉnh Lâm Đồng như sau: “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng nhanh, toàn diện và bền vững, trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, lấy liên kết là nền tảng phát triển; xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên; góp phần tạo tiền đề tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững tăng trưởng xanh. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Tỉnh Lâm Đồng đã có những chỉ đạo để xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở những quan điểm của chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ vào đặc điểm kinh tế -xã hội của tỉnh, ngày 12/01/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030; trong đó có 06 lĩnh vực chính để tập trung gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải và tài nguyên nước.
Bên cạnh những định hướng chung của Trung ương, kế hoạch tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng đã triển khai, áp dụng một số công cụ kỹ thuật nhằm lượng hóa chỉ tiêu phát thải khí nhà kính, các chỉ tiêu về xanh hoá sản xuất, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng, bảo tồn vốn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái.
Nội Dung: Thuận Hòa
Thiết Kế: Tường Vũ