Thứ sáu, 26/04/2024 13:00 (GMT+7)
Thứ hai, 06/06/2022 09:55 (GMT+7)

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KTMT trên

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực dễ chịu tổn thương nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH); tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và phức tạp.

Không chỉ phát triển về mạnh nông nghiệp, ĐBSCL cũng là vùng có lực lượng lao động đông đảo, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vùng ven biển. Do đó, để ĐBSCL phát triển hết tiềm năng, nhiều chuyên gia cho rằng, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc kiểm soát hạn mặn, chống BĐKH và có những cơ chế chính sách phù hợp với vùng.

Những con số báo động về tình hình xâm nhập mặn

ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Toàn vùng có diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha; trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. 

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Xâm nhập mặn đã và đang tác động tiêu cực tới ĐBSCL.

Theo số liện của Tổng cục Thống kê, ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa của vùng đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. Năm 2000, diện tích gieo trồng lúa của toàn vùng đạt 3.945,8 nghìn ha, chiếm 51,5% diện tích trồng lúa của cả nước, năm 2015 tăng lên 4.301,5 nghìn ha, chiếm 55% và đến năm 2020 là 3.963,7 nghìn ha, chiếm 54,5%.

Nhờ những ưu đãi về thiên nhiên, ĐBSCL đã phát huy lợi thế vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam; phát triển được giống gạo ST ngon nhất thế giới; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư nông thôn của vùng. 

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, Nhà nước đã có nhiều chính sách, khuyến khích áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản lương thực, nghiên cứu giảm nhẹ ảnh hưởng BĐKH như xâm nhập mặn, ngập úng và khô hạn tác động đến sản xuất lúa. 

Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là vùng dễ bị tổn thương nhất từ thiên nhiên, BĐKH và xâm nhập mặn. Bởi lẽ, ĐBSCL là khu vực thấp, chịu tác động của hai khối nước lớn là sông Mê Công và thủy triều của biển. Do đó, chế độ thủy văn của khu vực khá phức tạp, vừa chịu ảnh hưởng của dòng chảy thượng lưu sông Mê Công, đồng thời chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông và biển Tây. 

Đặc biệt vào mùa khô, ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng xâm nhập mặn. Cụ thể, vào mùa khô, nước từ thượng nguồn về thấp, thủy triều xuất hiện, ảnh hưởng mạnh lên thượng lưu và hệ thống kênh rạch nội đồng, dẫn theo nước mặn xâm nhập sâu cả trên sông và nội đồng, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

Theo thống kê, hầu như các năm, khu vực ĐBSCL đều xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Những năm gần đây, tình trạng này còn có xu hướng nghiêm trọng hơn do những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2
Bản đồ xâm nhập mặn ĐBSCL mùa khô 2021-2022.

Ngoài những yếu tố tự nhiên như do lưu lượng dòng chảy, thủy triều, … thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Đó là tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ sinh hoạt ở các địa phương và việc thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn. 

Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL luôn trong tình trạng bất thường, phức tạp, năm sớm năm muộn so với cùng kỳ nhiều năm. Và có trên 50% diện tích ĐBSCL (39.330 km2 ) bị nhiễm mặn, gồm địa phận các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. 

Theo số liệu tại các trạm đo mặn và số liệu điều tra khảo sát mặn ở vùng cửa sông Tiền - sông Hậu (các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, và một phần Sóc Trăng), sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An), vùng Đồng bằng Cà Mau (tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) và vùng ven biển Tây (tỉnh Kiên Giang và một phần tỉnh Cà Mau) cho thấy, vào đầu năm 2016, có khoảng 10/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL đã phải công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tổng thiệt hại lên đến 7.900 tỷ đồng, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm. 

Đến mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 12/2019, sớm hơn gần 1 tháng so với mùa khô của năm 2015-2016 và sớm hơn 3 tháng so với trung bình các năm. Theo các chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, so với đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm 2015-2016 thì hạn hán và xâm nhập mặn năm 2019-2020 nghiêm trọng và gay gắt hơn nhiều. 

Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ nước có độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 100km; trên sông Hậu, sông Cổ Chiên vào sâu gần 70km; trên các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cái Lớn vào sâu gần 60km. Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông này đã vào sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3 - 11km. Nếu như đợt hạn mặn năm 2015-2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì đợt hạn mặn năm 2019 -2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường), xu thế xâm nhập mặn vùng ĐBSCL trong mùa khô trong năm nay (2022) sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Tuy vậy, cũng có thể thấy, hầu như qua các năm, tình trạng xâm nhập mặn luôn diễn ra bất thường và khó kiểm soát, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân.

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3
Các dòng sông tại ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và tác động của con người.

Gần đây nhất, trong một bài báo khoa học đã được đăng trên tạp chí Science ngày 6/5 với tiêu đề “Cứu ĐBSCL khỏi nguy cơ bị nhấn chìm” do Giáo sư Matt Kondolf từ Đại học California, Berkeley (Mỹ) viết chính, cùng với nhiều tác giả khác. Trong đó, có ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ông Jeff Opperman, Trưởng nhóm Nghiên cứu khoa học Chương trình Nước ngọt Toàn cầu, WWF tại ĐBSCL và chuyên gia sinh thái độc lập Nguyễn Hữu Thiện.

Các tác giả đã chỉ ra rằng, nếu tiếp tục phát triển với cách thức như hiện tại, ĐBSCL có nguy cơ bị nhấn chìm đến 90% diện tích vào năm 2100.

Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu, phần lớn diện tích của ĐBSCL vào khoảng hơn 40.000 km2, chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2 m, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH, tác động của nước biển dâng. Thêm vào đó, các hoạt động như khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát không bền vững cùng với sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của ĐBSCL.

Các chuyên gia nhận định, đến nay, riêng khu vực thượng lưu sông Mê Kông (tức sông Lan Thương ở Trung Quốc), 8 đập thủy điện lớn đã được hoàn thành và hơn 20 công trình khác đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng. Cùng với đó là 133 con đập thủy điện lớn, nhỏ khác đã được xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng dưới hạ lưu.

Trong số này có 11 đập nằm trên các nhánh chính của hạ lưu sông Mê Kông. “Khi những công trình đập thủy điện này được xây dựng hoàn tất, dự tính, 96% lượng trầm tích cần thiết cho đồng bằng sẽ bị giữ lại. Chưa kể, lượng phù sa, cát ít ỏi về được hạ nguồn lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu cát để xây dựng, đang phát triển bùng nổ”, bài báo nêu.

Trong bối cảnh này, theo Giáo sư Matt Kondolf từ Đại học California: “Cũng như các đồng bằng sông khác, ĐBSCL chỉ có thể tồn tại nếu nhận được đủ lượng trầm tích từ thượng nguồn và có dòng chảy đủ để đưa lượng phù sa đó tỏa đi khắp bề mặt đồng bằng. Từ đó giúp lớp đất bề mặt được bồi đắp với tốc độ bằng hoặc nhanh hơn mức nước biển dâng trên toàn cầu”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các hoạt động ở thượng nguồn cũng như nước biển dâng do BĐKH toàn cầu. Ngay tại vùng ĐBSCL, việc xây dựng đê cao để kiểm soát lũ, sản xuất lúa thâm canh đã ngăn không cho phù sa màu mỡ về bồi tụ trên các cánh đồng. Đặc biệt là hoạt động khai thác cát không bền vững đang diễn ra khắp khu vực.

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 4
Hạn hán miền Tây.

Cần làm gì để ĐBSCL thích ứng với BĐKH?

Nhận thấy được những nguy cơ trước mắt và dài hạn của BĐKH ảnh hưởng tới vùng ĐBSCL, Chính phủ và các ngành chức năng đã đặc biệt quan tâm, đánh giá và đưa ra các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Cụ thể, để ứng phó với BĐKH, ngày17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NĐ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. 

Tại Chỉ thị 04/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tiễn nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng bảo đảm cấp nước, tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp (chuyển đổi từ trồng lúa ở vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn); rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm cung cấp trong suốt thời gian sản xuất. Tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 5
Các đô thị ở ĐBSCL thường xuyên bị ngập vào các đợt triều cường. (Ảnh ĐÌNH TUYỂN)

Chính phủ và các bộ ngành cho rằng, các tỉnh ĐBSCL cần triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện (nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến,...); chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch,... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (thực hiện xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng, trong khung thời vụ, sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn,... theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, các địa phương cần tổ chức lắp đặt, quan trắc, dự báo lượng nước về các hồ chứa và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan theo quy định của Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước và Luật Khí tượng thủy văn; rà soát, điều chỉnh việc điều tiết nước tại các hồ chứa, điều chỉnh kế hoạch vận hành từng hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm vận hành an toàn, phù hợp với hiện trạng, diễn biến nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước; đối với các công trình thủy lợi sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa lớn, liên tỉnh, trong trường hợp chưa xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần tổ chức xây dựng phương án, bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước phù hợp với lịch vận hành của các hồ chứa.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, cần tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước cho người dân. Khi xảy ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhất là tại vùng cao, ven biển, phải thực hiện các biện pháp cấp nước, không để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân do thiếu nước (hỗ trợ thiết bị lọc nước, chứa nước, sử dụng các phương tiện lưu động chuyên chở nước cung cấp cho người dân,...).

Tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, tập trung lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó xác định rõ các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, các dự án cấp nước đô thị và nông thôn cần ưu tiên đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư.

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 6
Nước ngọt tình nguyện phục vụ miễn phí cho bà con xã Tân Phước, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, một trong những xã đang chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn mặn khốc liệt lịch sử. (Ảnh nguoiduatin.vn)

Đối với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông và Ngoại giao; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền và phối hợp để thực hiện nghiêm, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đến nay các giải pháp đã phát huy hiệu quả. Nhiều công trình thủy lợi, hệ thống đê biển, đê sông để ứng phó với mực nước biển dâng cao đã được xây dựng và đưa vào vận hành.

Điển hình như Dự án Cống Âu Thuyền Ninh Quới; 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với BĐKH vùng Nam Mang Thít, dự án ICRSL); Dự án HTTL Trạm bơm Xuân Hòa; Dự án Nạo vét Kênh Mây Phốp ngã hậu; 18 cống dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến tre giai đoạn 1, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Cống ngăn mặn Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, Cống Âu thuyền Ninh Quới,… Ngoài ra, trên địa bàn 12 tỉnh thành khu vực ĐBSCL còn có hàng trăm hệ thống cống, công trình chống hạn, ngăn mặn khác.

Với việc hàng loạt dự án đã và đang được đầu tư xây dựng tại ĐBSCL, khi đi vào hoạt động, những công trình thủy lợi, hệ thống đê biển, đê sông đã phát huy được ưu điểm, mang lại những tín hiệu tích cực đối với việc chống hạn, ngăn xâm nhập mặn. 

Cụ thể, với việc hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn 1. Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả trực tiếp, điều tiết nước (kiểm soát mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc địa bàn 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng (trong đó phần đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là gần 347ha). Ngoài ra, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

18 cống thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP Bến Tre khi đi vào hoạt động, bước đầu, các công trình đã phát huy hiệu quả với tổng diện tích khoảng 194.800 ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh,….

Ngoài việc xây dựng các công trình ngăn mặn, chứa ngọt để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn thì hàng năm các tỉnh thành tại vùng ĐBSCL còn tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; Xây dựng kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp; Nỗ lực tìm cách sống chung bằng cách “thuận thiên” để thích ứng như thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi và tạo ra được những mô hình thành công (trồng lúa - nuôi tôm, trồng lúa - nuôi cá, trồng lúa chịu mặn, áp dụng mô hình “cánh đồng lớn”, kết hợp nuôi, trồng xen canh, khắc phục nguy cơ “trắng tay”, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn …). 

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tình hình hạn hán, thiếu nước và tác động của BĐKH. Huấn luyện, chuyển giao cho người dân các phương thức canh tác, các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. 

Nhiều thành tựu lớn nhờ các chính sách phù hợp 

Thực tế cho thấy, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, ĐBSCL đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân ĐBSCL. Đó là tư duy đột phá: Thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp.

Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 7
Hệ thống siêu cống Cái Lớn - Cái Bé đang hỗ trợ chống sâm nhập mặn hiệu quả tại ĐBSCL.

Mặt khác, nghị quyết này đã giúp giải quyết một trong những “điểm nghẽn” cho sự phát triển của ÐBSCL - cơ chế liên kết và điều phối hoạt động cấp vùng. Đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH phải "lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế…”.

Theo GS - TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về BĐKH phân tích, trong bối cảnh BĐKH cho biết, nước biển dâng cũng như việc sử dụng nước thượng nguồn sẽ khiến hệ sinh thái mặn lợ ngày càng tăng, còn hệ sinh thái nước ngọt từ phía tây xuống ngày càng giảm. Đó là quy luật mà xưa nay chúng ta chưa tính đến đầy đủ để thiết kế, xây dựng chủ trương, chính sách, quy hoạch cho phù hợp. Đó cũng là quy luật mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi BĐKH chưa dừng lại được vì cho đến khi giảm phát thải xuống bằng 0 thì đến năm 2050, BĐKH mới bắt đầu mới giảm tác động. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, ứng phó mới đạt hiệu quả, góp phần làm giảm tổn thất, chi phí.

Sự ra đời Nghị quyết 120/NQ-CP là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là thông qua quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng.

Bên cạnh đó, mạng lưới quan trắc, giám sát khí hậu, thời tiết được tăng cường, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai được nâng cao. Riêng đợt hạn mặn 2019-2020, nhờ chủ động dự báo chính xác, kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 nhưng đã giảm được 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng, người dân được mùa, gạo được giá.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 tăng trưởng rất ấn tượng khoảng 7,3%. Bức tranh phát triển ĐBSCL càng được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi sáng khi định hình được không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng có nhiều tiến triển. Điều này góp phần thay đổi bộ mặt của vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, từ việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP, ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Ngưng ngay việc khai thác nước ngầm

Tình hình xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu, khiến cho hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh thiếu nước ngọt. Đặc biệt, nhiều nơi không thể khoan giếng ngầm (vì nhiễm phèn mặn) trong khi nước máy chưa kéo tới, mặn tràn vào nên “khát giữa vùng sông nước”. 

Được biết, ĐBSCL là một trong các vùng có tiềm năng nước ngầm lớn nhất nước ta, với 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600 m. Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự phát triển nhiều hồ chứa nước và các tác động khai thác đất, rừng của con người ở thượng nguồn khiến dòng sông bị thay đổi dòng chảy, nước lũ chảy về hạ nguồn muộn và thấp hơn so với nhiều năm trước.

PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Viện phó Viện Môi trường Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, lũ lụt, hạn hán là hai sự kiện cực trị của thủy văn nhưng diễn biến theo xu hướng ngày càng cực trị hơn, tức lũ giảm, hạn tăng là một thách thức lớn ảnh hưởng tài nguyên nước của ĐBSCL. Nếu không có giải pháp ứng phó với các yếu tố bất thường từ thượng lưu sẽ gây hậu quả khó lường". 

Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, có năm vào sâu khoảng 100 km, gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân. Về vấn đề này, PGS Quang đề xuất cần xây dựng hệ thống kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn và tác động lũ lụt từ phía biển.

Còn theo ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác Biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, cho rằng ngoài việc hạn chế khai thác cát và xây đập thủy điện như các giải pháp nêu ra ở trên thì việc giảm khai thác nước ngầm cũng quan trọng không kém. Tại một số nước trên thế giới như Nhật Bản ngưng cấp phép khai thác nước ngầm từ năm 1985 nhưng phải đến năm 2000 thì mực nước ngầm mới chựng lại, không sụt giảm tiếp, từ năm 2000 đến nay, nước ngầm mới bắt đầu dâng lên. Vì vậy, ĐBSCL nên ngưng ngay việc cấp phép khai thác nước ngầm từ bây giờ, nếu không thực hiện thì quá trình sụt lún diễn ra nhanh hơn và ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm như dự báo.

Thanh Tùng – An Nguyên – Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Chống xâm nhập mặn-Bài toán không dễ giải ở đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới