Thứ tư, 24/04/2024 07:11 (GMT+7)
Thứ hai, 18/01/2021 10:20 (GMT+7)

Chính phủ ủng hộ dán tem phân biệt đào rừng

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, sẽ chuyển đến cơ quan chuyên môn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải đáp cụ thể về việc dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào.

Theo Vnexpress, ngày 17/1, trả lời thông tin một số tỉnh miền núi phía Bắc kiến nghị dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay sẽ chuyển đến cơ quan chuyên môn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải đáp cụ thể.

"Tinh thần chung là Chính phủ ủng hộ đề xuất này. Việc truy xuất nguồn gốc cây đào là đúng đắn, để phân biệt rõ ràng đào rừng với đào trồng, đồng thời giúp người dân thuận lợi trong việc bán đào dịp Tết Nguyên đán", ông Dũng nói.

Trước đó, nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã đề xuất cho dán tem để truy xuất nguồn gốc với cây đào, vừa nhằm ngăn chặn việc khai thác đào rừng để chơi kiểng, vừa hỗ trợ người dân tiêu thụ cây đào được trồng trên đất nông nghiệp.

Những địa phương này cho biết, sau khi Thủ tướng chỉ đạo "các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi tết" (ngày 24/12/2020), hoạt động kinh doanh đào kiểng tết, trong đó có đào được người dân vùng núi phía Bắc trồng để phục vụ nhu cầu chơi đào tết của người miền xuôi, đã bị ngưng trệ do không thể phân biệt đâu là đào rừng và đâu là đào trồng.

Chính phủ ủng hộ dán tem phân biệt đào rừng - Ảnh 1
Nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã đề xuất cho dán tem để truy xuất nguồn gốc với cây đào. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, ngày 13/1, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sơn La, cho hay toàn tỉnh có hơn 5.000 ha trồng đào, tập trung ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Nhiều năm qua, việc bán cành đào đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán.

"Chỉ thị cấm chặt phá khai thác đào rừng hoàn toàn đúng đắn. Bởi không riêng gì cây đào, tất cả các loại cây trong rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất đều được quản lý chặt chẽ theo luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã rà soát trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên, các hộ trồng mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông thuận lợi", ông Tiến nói.

Tại Điện Biên, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay tỉnh đang rà soát diện tích trồng đào và thông tin tới người dân trồng loại cây này trên nương rẫy yên tâm để thu hoạch đúng vụ.

"Cây đào được người dân địa phương trồng tự phát rải rác tại thôn bản từ xa xưa. Tỉnh không có đào rừng mọc tự nhiên. Chúng tôi đã đề nghị với Tổng cục Lâm nghiệp để hướng dẫn cụ thể", ông Hải nói.

Theo bà Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng lâm nghiệp Điện Biên, người dân địa phương gọi cây đào rừng tự nhiên là cây Tớ Dày, nhiều nơi gọi là mai anh đào. Cây này cùng họ với đào nhưng vươn cao hơn, từ 7 đến 8 m. Cây có sức sống tốt, hoa màu hồng thẫm, năm cánh nhưng ngắn ngày nhanh héo.

Còn cây đào người dân thường trồng trên nương rẫy tán thấp, hầu như không mọc xen lẫn trong rừng vì không cạnh tranh được dinh dưỡng và ánh sáng với các loại cây khác.

"Khi người dân muốn bán cây đào trồng có thể thông báo với chính quyền địa phương, kiểm lâm. Nếu cần, chúng tôi sẽ xác minh và chứng nhận để đảm bảo bà con mua bán nhanh chóng thuận tiện", bà Hồng nói.

Tại Lai Châu, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT, thông tin đơn vị cũng đang xây dựng phương án để chứng nhận đào trồng của người dân và ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai, khẳng định sẽ không truy xuất nguồn gốc cây đào. "Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, Lào Cai chỉ có đào trồng vườn nhà nên sẽ không cần truy xuất. Việc dán tem sẽ kéo theo thủ tục phức tạp. Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, triển khai e rằng không kịp", ông Duy nói và cho hay đã đề nghị lực lượng kiểm lâm tạo điều kiện để người dân được mua bán cây đào trồng thuận lợi.

Phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. "Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm", Thủ tướng nói và giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.

Theo báo Tuổi trẻ, vể vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng chặt phá đào rừng, cây rừng để làm cây cảnh ngày Tết là cần thiết nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an... chứ không chỉ lực lượng kiểm lâm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ không cấm khai thác cây đào hay một số loại cây cảnh khác do người dân trồng bởi những loại cây này đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thu nhập của người dân. Qua khảo sát thực tế như ở Lào Cai cũng không còn đào trên rừng để chặt. Tuy nhiên cần phải kiểm soát, quản lý đào rừng, cây rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở... Về lâu dài, cây này có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn và có bàn tay của nghệ nhân chăm sóc sẽ có giá trị rất lớn.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ ủng hộ dán tem phân biệt đào rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.