Chấp nhận xử phạt, bán chui cổ phiếu để trục lợi: Nghịch lý trong khâu giám sát
Việc kiểm tra, giám sát vấn đề này cũng rất dễ chứ không khó như thao túng thị trường, thế nhưng trong suốt thời gian qua tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng
Xung quanh câu chuyện bán chui cổ phiếu thời gian gần đây, các chuyên gia pháp lý đã đặt vấn đề về việc đang tồn tại một khe hở luật pháp để những người có lợi thế về mặt thông tin, địa vị có thể bất chấp thực hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính.
Nghịch lý trong giám sát mua bán cổ phiếu
Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, sáng 8/4, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu bán đi nhưng không thông báo với cơ quan chức năng không phải mới. Trước đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt về hành vi này, thế nhưng việc bán chui cổ phiếu vẫn tiếp tục diễn ra.
"Việc bán chui cổ phiếu thực hiện rất dễ. Việc kiểm tra, giám sát vấn đề này cũng rất dễ chứ không khó như thao túng thị trường. Nhưng trong suốt thời gian, qua tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý chưa đến nơi đến chốn.
Những cơ quan như Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán… chưa làm hết trách nhiệm. Nếu theo dõi sát sao thì khi thấy một lượng lớn cổ phiếu bán ra thì họ sẽ phát hiện ra ngay. Thậm chí, nhiều người còn đặt vấn đề, phải chăng có sự thông đồng, làm ngơ để hành vi bán chui cổ phiếu diễn ra?", ông Thịnh băn khoăn.
Việc mua chui bán chui còn đi kèm với "bán khống", tức là nâng khống giá trị của doanh nghiệp. Đây có thể xem là hành vi lừa dối nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông thường mua chui bán chui còn đi kèm với thao túng thị trường, thổi giá cổ phiếu, khi đó, hành vi của những người này là lừa đảo, tội sẽ nặng hơn.
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mua bán chui cổ phiếu, thao túng các cổ phiếu trái phiếu trên thị trường chứng khoán đã làm giảm tính công khai, minh bạch, giảm lòng tin cũng như gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nếu xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng, an tâm hơn khi bỏ vốn vào thị trường, giúp cho thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn.
Giải pháp căn cơ
Để có thể ngăn chặn tận gốc những hành vi sai phạm tương tự, ông Thịnh cho rằng, việc kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm phải được thực hiện thật nghiêm minh. Việc kiểm tra giám sát vấn đề này rất dễ thực hiện, không khó. Ngoài ra cần có cơ chế giám sát độc lập thay vì "một thủ trưởng" như hiện nay.
"Nếu chúng ta thực thi luật pháp một cách nghiêm minh thì sẽ không có tình trạng "lùa gà" tràn lan. Từ trước đến nay, mức phạt chủ yếu chỉ phạt hành chính. Tới đây, với việc mua bán chui cổ phiếu, thao túng thị trường ở mức độ lớn hoặc nếu tái phạm nhiều lần thì phải xử lý hình sự", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Vị chuyên gia kinh tế đánh giá, trước đây, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán rất nhẹ, khi mà những người bán chui cổ phiếu chỉ bị phạt tiền, không thấm tháp gì so với lợi ích họ thu được. Ví dụ trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, nếu chỉ phạt 1,5 tỉ thì sẽ không thấm vào đâu so với lợi ích thu được là hàng trăm tỉ nếu phi vụ trót lọt.
Thời gian vừa qua, những vụ khởi tố, bắt giam một số cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh thị trường tài chính của cơ quan quản lý.
Hồi tháng 1/2022, Bộ Tài chính cho biết, đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự, không thể để xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm rồi mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường.
Bàn luận về chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, những quy định về xử phạt trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, quá thấp so với lợi ích mà những người vi phạm có thể đạt được. Điều đó vô tình tạo ra một khe hở để những người có lợi thế về mặt thông tin, địa vị có thể bất chấp thực hiện các hành vi vi phạm, chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính.
Theo ông Phong, trong thời gian tới chắc chắn chúng ta sẽ phải có những sự thay đổi, sửa đổi về mặt lập pháp để khỏa lấp những khe hở nói trên. Tất nhiên, giải pháp căn cơ của chúng ta không hoàn toàn nằm ở luật mà nằm ở khía cạnh giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và công tác thực thi pháp luật đầy đủ, nghiêm minh.
"Ngoài những hình phạt chính về mặt tiền bạc cần có những hình phạt bổ sung liên quan đến tịch thu tài sản trong sự việc vi phạm hành chính. Những sự việc có dấu hiệu hình sự cần xem xét điều tra để truy tố trách nhiệm hình sự của những người vi phạm, lấy đó làm gương. Và khi thị trường có những tấm gương như vậy thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều những hành vi vi phạm", Luật sư Phong đề xuất.
Hoàng Hải