Thứ năm, 25/04/2024 17:35 (GMT+7)
Thứ năm, 07/04/2022 16:00 (GMT+7)

Chấp nhận xử phạt, bán chui cổ phiếu để trục lợi: Khe hở của luật pháp?

Theo dõi KTMT trên

Đang tồn tại khe hở luật pháp để những người có lợi thế về mặt thông tin, địa vị có thể bất chấp thực hiện các hành vi vi phạm, chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính.

Việc bán chui cổ phiếu không phải là câu chuyện mới. Nó đã và đang diễn ra, khiến các nhà đầu tư hoang mang, lo lắng về tính minh bạch của sân chơi tài chính này.

Trước đây, UBCKNN đã công bố rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những cá nhân, tổ chức bất chấp làm sai quy định để trục lợi.

Nhiều ý khiến cho rằng, phải chăng các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm chứng khoán hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, dễ làm méo mó thị trường, ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững, ổn định của thị trường?.

Chấp nhận xử phạt, bán chui cổ phiếu để trục lợi: Khe hở của luật pháp? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Đe dọa tính bền vững của nền kinh tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco, cho biết, pháp luật Việt Nam có một số quy định để bảo vệ thị trường và nhà đầu tư. Một trong những quy định ấy là người trong bộ máy, ban điều hành của các doanh nghiệp và những người nắm giữ cổ phần lớn (>5%) sẽ có trách nhiệm công bố thông tin trước khi giao dịch liên quan đến mua bán chứng khoán.

Những quy định như vậy để hạn chế hành vi tiêu cực có thể xảy ra, ví dụ như sử dụng thông tin nội bộ để mưu cầu lợi ích cá nhân. Thứ hai là hạn chế hiện tượng thao túng thị trường. Pháp luật đã có những quy định tương đối rõ ràng, câu chuyện là những người có liên quan thực hiện như thế nào?.

Chấp nhận xử phạt, bán chui cổ phiếu để trục lợi: Khe hở của luật pháp? - Ảnh 2
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco.

"Thời gian vừa qua xảy ra một số hiện tượng những người nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật cố tình thực hiện các hành vi bán chui cổ phiếu ra thị trường. Bán chui có thể hiểu là bán cổ phiếu ra thị trường mà ko thực hiện việc công bố thông tin theo quy định của pháp luật.

Vấn đề ở đây là liệu những hành vi bán chui như vậy ảnh hưởng như thế nào đến thị trường và lợi ích của nhà đầu tư? Lợi ích ở đây là lợi ích chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững. Là sự hài hòa giữa quyền lợi của thị trường, quyền lợi của các nhà đầu tư và quyền lợi của người sở hữu cổ phiếu trên thị trường.

Thị trường của chúng ta đang vận hành ổn định, bình thường, hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể, các bên tham gia khi mà luật lệ của cuộc chơi được tôn trọng, được thực thi trên thực tế. Nếu như một trong các bên chủ thể cố tình vi phạm quy định của pháp luật như vậy thì sẽ phá vỡ thế cân bằng, phá vỡ khả năng phát triển bền vững, ổn định của thị trường.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của nhà đầu tư. Ví dụ như thị trường không phản ảnh đúng giá mua hoặc giá bán hoặc hạn chế quyền mua, quyền bán của các nhà đầu tư. Mà nó làm mất niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư, làm ảnh hưởng, làm mất chữ tín của thị trường, phá vỡ trật tự, kỷ cương của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung.

Và về lâu về dài, một khi mà thị trường vốn bị ảnh hưởng thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ bị hạn chế, mất đi khả năng huy động vốn, huy động nguồn lực về tài chính trên thị trường", ông Phong phân tích.

Chấp nhận xử phạt để trục lợi

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa nhấn mạnh, hành vi bán chui cổ phiếu là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quy định quản lý hoạt động của Nhà nước.

Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với hành vi này chưa đủ mạnh dẫn tới các cá nhân, tổ chức bất chấp chịu phạt để lời hàng trăm, hàng nghìn tỷ. Hành vi bán chui cổ phiếu tạo ra tiền lệ xấu trên thị trường chứng khoán, tác động tiêu cực đến sự minh bạch và ổn định của thị trường chứng khoán.

Chấp nhận xử phạt, bán chui cổ phiếu để trục lợi: Khe hở của luật pháp? - Ảnh 3
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.

"Khi thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, cổ đông lớn công bố bán cổ phiếu với số lượng lớn và giá trị lớn so với số cổ phần họ nắm giữ thì sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán vì ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư. Giá giao dịch thường giảm, cầu giảm và việc bán cổ phiếu số lượng lớn phải diễn ra trong khoảng thời gian dài nếu muốn bán được giá, còn nếu bán trong thời gian ngắn thì giá sẽ giảm sâu và không thu được nhiều tiền. Do bất lợi trên, lựa chọn bán chui cổ phiếu sẽ đem lại giá trị cao nhất cho người bán.

Mặc dù Nghị định số 128/2021/NĐ-CP đã bổ sung, siết chặt hơn về việc phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng tại sao tình trạng bán chui cổ phiếu vẫn xảy ra? Bởi lợi nhuận là quá lớn.

Điều đáng nói ở đây đó là việc bán chui này không thể chỉ đơn phương từ người bán mà còn có sự tham gia của nhiều đối tượng bao che và tiếp tay tham gia giao dịch. Hành vi bán chui cổ phiếu là hành vi được thực hiện cố ý, mang tính trục lợi, lừa đảo nhà đầu tư, đồng thời tác động đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Hành vi lừa đảo ở đây là việc che giấu thị trường, che giấu nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút bán chui cổ phiếu. Từ những điều trên cho thấy, hành vi bán chui cổ phiếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán theo Điều 209-Bộ luật Hình sự 2015", Luật sư Tùng phân tích.

Giải pháp căn cơ

Bàn luận thêm về chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, những quy định về xử phạt trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, quá thấp so với lợi ích mà những người vi phạm có thể đạt được. Điều đó vô tình tạo ra một khe hở để những người có lợi thế về mặt thông tin, địa vị có thể bất chấp thực hiện các hành vi vi phạm, chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính.

Theo ông Phong, trong thời gian tới chắc chắn chúng ta sẽ phải có những sự thay đổi, sửa đổi về mặt lập pháp để khỏa lấp những khe hở nói trên. Tất nhiên, giải pháp căn cơ của chúng ta không hoàn toàn nằm ở luật mà nằm ở khía cạnh giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và công tác thực thi pháp luật đầy đủ, nghiêm minh.

"Ngoài những hình phạt chính về mặt tiền bạc cần có những hình phạt bổ sung liên quan đến tịch thu tài sản trong sự việc vi phạm hành chính. Những sự việc có dấu hiệu hình sự cần xem xét điều tra để truy tố trách nhiệm hình sự của những người vi phạm, lấy đó làm gương. Và khi thị trường có những tấm gương như vậy thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều những hành vi vi phạm", Luật sư Phong đề xuất.

Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Tùng khẳng định, chế tài xử phạt hành chính hiện nay còn chưa đủ mạnh, ngoài ra cơ quan chức năng cần xem xét xử lý hình sự hành vi bán chui cổ phiếu.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Chấp nhận xử phạt, bán chui cổ phiếu để trục lợi: Khe hở của luật pháp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.