Cắt giảm khí thải có thể cứu các sông băng trên thế giới
UNESCO cảnh báo, các sông băng mang tính biểu tượng của Di sản Thế giới sẽ biến mất vào năm 2050. Nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả khi nhiệt độ tăng giới hạn ở mức 1,5°C, thì gần một nửa số sông băng trên trái đất sẽ biến mất, làm tăng mực nước biển..
Nhiệt độ tăng giới hạn 1,5°C, một nửa số sông băng trên trái đất sẽ biến mất
Một số sông băng mang tính biểu tượng nhất thế giới được cảnh báo sẽ biến mất vào năm 2050, trong đó nêu bật sự tan chảy ngày càng nhanh của các sông băng tại các Di sản Thế giới. Các sông băng ở một phần ba các địa điểm đang bị đe dọa, bất kể những nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science mới đây đã đưa ra những dự đoán về tương lai của khoảng 215.000 sông băng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở dãy núi Alps.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả khi nhiệt độ tăng giới hạn ở mức 1,5°C, thì gần một nửa số sông băng trên trái đất sẽ biến mất, làm tăng mực nước biển và gây lo ngại về nguồn nước.
Mặt khác, các tác giả tuyên bố nghiên cứu của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động để giảm lượng khí thải nhà kính đang thúc đẩy biến đổi khí hậu.
"Có một tia hy vọng nhỏ và một thông điệp tích cực trong nghiên cứu của chúng tôi. Nó cho chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt, rằng hành động là quan trọng", theo Regine Hock, thành viên của cuộc nghiên cứu cho biết:
Các sông băng tan chảy sẽ tác động trái đất ra sao?
Nhiều nghiên cứu đã xem xét tác động có thể có của việc tăng nhiệt độ đối với các sông băng trong một số kịch bản nóng lên: +1,5°C, +2°C, +3°C và +4°C. Những đợt tăng nhiệt độ này phản ánh kết quả của các quyết định chính trị khác nhau.
Nếu mức tăng nhiệt độ bị giới hạn ở mức 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu tham vọng nhất của hiệp định khí hậu Paris - thì 49% sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100. Sự mất mát này sẽ chiếm khoảng 26% lượng băng của chúng, với những sông băng nhỏ nhất ở châu Âu và châu Mỹ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Theo các nhà nghiên cứu dự đoán rằng điều này sẽ gây ra mực nước biển dâng khoảng 9 cm, bên cạnh các vấn đề về an ninh nước do tuyết tan ít hơn.
Đợt tháng 10, các chuyên gia về khí hậu của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng các cam kết quốc gia nhằm giảm lượng khí thải độc hại không đưa ra một “lộ trình đáng tin cậy” để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C, thúc giục thế giới hành động trước khi quá muộn.
Các khu vực có tương đối ít băng, chẳng hạn như dãy An-pơ, Kavkaz, Andes hay miền tây Hoa Kỳ, sẽ mất gần như toàn bộ băng vào cuối thế kỷ này, bất kể kịch bản phát thải ra sao.
Nếu nhiệt độ tăng thêm 4°C - một tình huống xấu nhất, mặc dù vẫn có thể xảy ra - thì các sông băng lớn nhất thế giới, ví dụ như ở Alaska, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. 83 phần trăm sông băng sẽ biến mất, với mực nước biển tăng 15 cm.
Hock nói thêm rằng: “Sự khác biệt giữa 9 cm và 15 cm có vẻ không nhiều lắm”. Nhưng sự gia tăng như vậy là "mối quan ngại lớn" vì mực nước biển cao hơn sẽ gây ra lũ lụt lớn trong các cơn bão và thiệt hại nhiều hơn.
Mực nước biển đã tăng khoảng 3 mm mỗi năm, điều này buộc mọi người trên khắp thế giới phải di cư và khiến hàng triệu người dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ lũ lụt.
Hiện thế giới đang trên đà nóng lên 2,7°C, điều này sẽ dẫn đến sự tan băng gần như hoàn toàn ở Trung Âu, Tây Canada, Hoa Kỳ và New Zealand. Các dự đoán của nghiên cứu - đáng báo động hơn so với dự đoán của các chuyên gia khí hậu Liên Hợp Quốc - đã được thực hiện nhờ dữ liệu mới về sông băng cho phép lập mô hình tốt hơn.
Cùng với đó, các nhà nghiên cứu cũng đã tính đến các quá trình chưa được đưa vào các nghiên cứu trước đây, chẳng hạn như ảnh hưởng của các khu vực băng giá trở nên cứng hơn và sự tách các tảng băng trôi ra biển từ các sông băng khác. Sự biến mất của các sông băng trên thế giới cũng sẽ gây ra hậu quả đối với tài nguyên nước, trong đó băng của chúng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho khoảng 2 tỷ người.
Vào mùa hè, ở nhiều vùng, trời nóng và khô và các sông băng bù đắp cho lượng nước mất đi này. Sự mất mát của chúng "sẽ không chỉ làm thay đổi tính thời vụ... tổng lượng nước cũng sẽ ít hơn. Giao thông thuyền trên các con sông hạ lưu và hoạt động du lịch trên các sông băng nhỏ này, chẳng hạn như trượt tuyết, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việc ngăn chặn thảm họa vẫn có thể xảy ra và điều đó có xảy ra hay không là tùy thuộc vào các nhà hoạch định chính sách.
Huyền Diệu