Chủ nhật, 28/04/2024 10:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/06/2020 11:01 (GMT+7)

Cân đối rủi ro cạn tiền, Vietnam Airlines đề xuất vay và phát hành tăng vốn

Theo dõi KTMT trên

Nếu không sớm được hỗ trợ, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA) sẽ đứng trước nguy cơ cạn tiền trong tháng 8/2020. Doanh nghiệp đề xuất chính phủ hỗ trợ thêm ít nhất 4.000 tỉ đồng và có thể lên đến 12.000 tỉ đồng thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.

Cân đối rủi ro cạn tiền, Vietnam Airlines đề xuất vay và phát hành tăng vốn - Ảnh 1
Trước Covid -19, số dư trong tài khoản của Vietnam Airlines là 8.800 tỉ nhưng đến tháng 3/2020 chỉ còn 4.000 tỉ đồng.

Nguy cơ cạn tiền trong tháng 8

Mới đây, Trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết, hãng sẽ sớm cạn tiền mặt nếu không có hỗ trợ từ cổ đông lớn nhất là nhà nước.

Thời gian qua, Vietnam Airlines vẫn phải chi trả khoản phát sinh gần 2.100 tỉ đồng trong khi doanh không có doanh thu. Khoản phí phát sinh này đến từ chi phí thuê tàu bay khoảng 1.300 tỉ đồng, các chi phí bảo dưỡng, trả lương cho lao động hay khấu hao tài sản.

Cũng trong tháng 4, tài khoản hoàn tiền vé cho hành khách đã đặt trước vé của doanh nghiệp giảm từ hơn 8.800 tỉ đồng vào đầu tháng 3 xuống còn 4.400 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 4.400 tỉ đồng chỉ trong 1 tháng.

Theo ông Hiền, Vietnam Airlines có thể cầm cự được tới thời điểm hiện tại là nhờ hãng bước vào giai đoạn dịch với tình hình tài chính tốt chưa từng có, giúp doanh nghiệp vượt qua được thời điểm dịch căng thẳng nhất.

Bên cạnh đó, hãng đã tự cắt giảm tối đa chi phí, giúp tiết kiệm được 4.300 - 4.500 tỉ đồng trong năm 2020.

Ông Trần Thanh Hiền cho biết: “Dù không bay, nhưng Vietnam Airlines vẫn phải trả tiền thuê, trả nợ vay, trả khấu hao, bảo dưỡng tàu bay... Ước tính, chỉ trong 1 tháng không bay hãng lỗ 2.100 tỉ đồng/tháng. Tính đến thời điểm (9/6) chúng tôi đã bay trở lại ngay sau khi giãn cách nhưng sẽ rất lâu mới về lỗ 1.000 tỉ đồng/tháng. Còn với Jetstar Paciffic (JPA) hiện cũng ghi nhận mức lỗ khoảng 1.000 tỉ đồng”.

Cân đối rủi ro cạn tiền, Vietnam Airlines đề xuất vay và phát hành tăng vốn - Ảnh 2
Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines.

Đề xuất hỗ trợ vay 12.000 tỉ đồng và phương án tăng vốn

“Trong báo cáo tài chính Vietnam Airlines nêu rõ, trước khi đề nghị hỗ trợ 12.000 tỉ đồng từ Chính phủ, hãng buộc phải cắt giảm chi phí, nhiều nhân lực giảm lương, đặc biệt phi công và tiếp viên giảm chỉ còn 5% hoạt động. Ngoài ra, hãng cũng chủ động đàm phán với các đối tác giảm tiền thuê tàu bay, có hãng giảm cho chúng tôi 1.000 tỉ đồng tiền thuê tàu bay. Tuy nhiên, nếu không có sự bơm vốn thì đến tháng 8/2020, Vietnam Airlines sẽ hết tiền” – Ông Hiền tiết lộ.

Đại diện VNA cho biết, trong bối cảnh hàng không thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hàng không như: giảm 50% phí cất hạ cánh bay, giảm 30% phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay. Nhờ đó, hãng đã tiết kiệm được 120-130 tỉ đồng từ việc giảm phí cất hạ cánh bay, còn với việc giảm phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, hãng tiết kiệm được 200-300 tỉ đồng.

“Tuy nhiên, mức kinh phí này là quá ít ỏi, vì thế, nếu được hỗ tợ đến hết năm 2021 thì các hãng hàng không Việt mới có thể tạm phục hồi”. – Ông Trần Thanh Hiền cho biết thêm.

Trước những khó khăn mang tính sống còn, mới đây, Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ (đơn vị nắm giữ 86% vốn chủ sở hữu tại VNA), hỗ trợ vay với nguồn vốn là 12.000 tỉ đồn, đồng thời, phát hành cổ phiếu để tăng vốn (dự kiến sẽ mất 5-6 tháng).

Đại diện Vietnam Airlines cho biết: “Dự báo, trong năm 2020, Vietnam Airlines thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỉ đồng, chúng tôi đã tự xoay sở 1 phần, hiện còn thiếu 12.000 tỉ đồng cần hỗ trợ. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”.

Cũng theo trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines, việc Chính phủ có động thái cấp vốn thiết thực sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khác, giúp hãng tiếp cận nguồn vốn nhằm phục hồi sau dịch dễ dàng hơn.

Hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị nguồn hỗ trợ không nhất thiết đến từ ngân sách mà có thể thông qua các doanh nghiệp, pháp nhân quản lý vốn nhà nước như SCIC để tăng vốn tại Vietnam Airlines.

Phương án kết hợp song song vừa xin vay vốn vừa phát hành tăng vốn có thể giúp Vietnam Airlines có nguồn lực phục hồi trong khoảng hai năm, bên cạnh đó vẫn có cán cân tài chính lành mạnh.

Trước thông tin nhiều người nói rằng: “các hãng đã phục hồi và thực hiện bay khá đông sau giãn cách, sao còn xin trợ giúp?”, ông Hiền cho biết, Vietnam Airlines không xin Chính phủ bơm tiền, mà xin phép được vay, sẽ trả và thừa khả năng trả. Ông cho biết trong ba năm hãng sẽ cơ cấu lại tài sản và có tiền trả.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Cân đối rủi ro cạn tiền, Vietnam Airlines đề xuất vay và phát hành tăng vốn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới