Thứ năm, 25/04/2024 06:53 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/10/2019 08:00 (GMT+7)

Cần căn cứ khoa học thuyết phục để cải thiện chất lượng không khí

Theo dõi KTMT trên

Những ngày gần đây, vấn đề chất lượng không khí tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM được dư luận quan tâm. Ô nhiễm không khí là điều đã ghi nhận được nhưng để cải thiện tình trạng này cần biết rõ được ô nhiễm không khí do đâu, từ những nguồn nào, tỉ lệ đóng góp ra sao? Tuy nhiên, đến nay, tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu bài bản, toàn diện nào về vấn đề này.

Cần căn cứ khoa học thuyết phục để cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 1
Chất lượng không khí Hà Nội những ngày vừa qua diễn biến xấu. Ảnh: Giang Ngọc

Bài 1: Hà Nội có phải là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới?

Thông tin Hà Nội ô nhiễm không khí nhất, nhì thế giới xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông trong những ngày vừa qua. Đã có những tranh cãi chung quanh thông tin này, vậy đâu mới là thông tin chuẩn xác?

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là gì? Tại sao có sự khác biệt giữa các đơn vị quan trắc?

Theo Sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng không khí của Tổng Cục Môi trường Việt Nam, AQI là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm.

Các đơn vị, tổ chức theo dõi chất lượng không khí thường tính toán AQI của các chất gây ô nhiễm chính như: nồng độ bụi (có thể là PM 2.5 - bụi có kích thước từ 2,5 micromet trở xuống, PM 10 - bụi có kích thước từ 10 micromet trở xuống, hoặc các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn), NO2, SO2, CO, O3,...

Hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội có một số đơn vị, tổ chức thực hiện quan trắc không khí. Trong đó, các trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (tại địa chỉ: moitruongthudo.vn), với 11 điểm quan trắc trên địa bàn TP.Hà Nội, theo dõi và tính toán AQI dựa trên thông số sáu chất gây ô nhiễm gồm: PM 2.5, PM 10, NO2, SO2, CO và O3.

Trạm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) của Trung tâm quan trắc miền bắc, thuộc Tổng Cục Môi trường Việt Nam (tại địa chỉ: cem.gov.vn) theo dõi và tính toán AQI dựa trên thông số năm chất gây ô nhiễm gồm: PM 2.5, PM 10, CO, NO2 và O3.

Ngoài ra, một số cơ quan, tổ chức khác cũng theo dõi, có hệ thống quan trắc hoặc thu thập và tính toán các chỉ số không khí tại Hà Nội, với số lượng thiết bị quan trắc và các chỉ số được quan trắc khác nhau như:

Đại sứ quán Mỹ, công bố chỉ số trên trang airnow.gov;

Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) hợp tác cùng Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO) - Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố chỉ số trên trang airnet.vn và ứng dụng Airnet;

Công ty Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, công bố chỉ số trên trang Pamair.org và ứng dụng Pam Air;

Công ty IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ, công bố chỉ số trên trang airvisual.com và ứng dụng Airvisual.

Tại sao có sự khác nhau về kết quả giám sát không khí giữa các cơ quan, tổ chức? Thứ nhất, có sự khác nhau về chất lượng không khí ở các khu vực, do đó, các máy quan trắc đặt ở các vị trí khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Thứ hai, có sự khác nhau về các phương pháp tính toán chỉ số chất lượng không khí. Thứ ba, có sự khác nhau về cách thức chọn địa điểm quan trắc (vị trí, số lượng máy), cách thức vận hành và bảo trì. Ngoài ra, còn có thể tính đến yếu tố chính xác của các thiết bị quan trắc…

Chẳng hạn cùng theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội nhưng các trạm quan trắc của Hà Nội và Tổng Cục môi trường Việt Nam tính toán AQI theo phương pháp tính của Việt Nam còn Airvisual (tổ chức được nhắc đến rất nhiều gần đây) hay Đại sứ quán Mỹ lại tính toán theo công thức tính của Mỹ, trong đó, Đại sứ quán Mỹ chỉ tập trung vào thông số PM 2.5.

Việc phân chia các mức cảnh báo cũng như biểu thị màu sắc cảnh báo chất lượng không khí cũng khác nhau. Do đó, kết quả, khuyến cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội giữa các cơ quan, tổ chức này có sự khác nhau.

Cần căn cứ khoa học thuyết phục để cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 2
Bảng so sánh công thức tính các chỉ số chất gây ô nhiễm của Mỹ và Việt Nam. Từ các công thức cơ sở này, tùy theo mỗi quốc gia có các quy định, chỉ dẫn khác nhau để tính toán ra chỉ số chất lượng không khí chung tại một địa điểm, khu vực,… (Để biết rõ hơn về cách tính AQI của Việt Nam và Mỹ, có thể tham khảo tại địa chỉ, Việt Nam: vn/tintuc/tinnoibo/Documents/15072011%20(4).pdf ; Mỹ: airnow/aqi-technical-assistance-document-sept2018.pdf)

Chất lượng không khí Hà Nội ở mức nào?

Trước hết, cần khẳng định, chất lượng không khí tại Hà Nội những ngày vừa qua có diễn biến xấu, căn cứ theo các số liệu khảo sát từ một số nguồn quan trắc không khí của các cơ quan, công ty, tổ chức kể trên.

Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi chất lượng không khí của Hà Nội có phải ô nhiễm số 1 thế giới hay không, cần hiểu rõ rằng, các kết quả quan trắc chất lượng không khí được cập nhật thường xuyên theo các khung thời gian, do đó, ở các thời điểm khác nhau, chất lượng không khí đo được sẽ khác nhau, dù là trong một ngày. Chưa tính đến khoảng thời gian trong tuần, trong tháng hay trong năm.

Chẳng hạn với thống kê của Airvisual, thử theo dõi kết quả quan trắc về chất lượng không khí của Hà Nội trong một ngày có thể thấy ở thời điểm này chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm số 1 nhưng ở thời điểm khác chất lượng không khí Hà Nội lại xuống vị trí khác, không còn là số 1 nữa.

Cần căn cứ khoa học thuyết phục để cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 3
Theo thống kê của Airvisula, trong cùng một ngày 26/9, tại các thời điểm khác nhau, chất lượng không khí của Hà Nội và TP.HCM xếp hạng vị trí khác nhau.

Cũng theo đánh giá của Airvisual về mức độ ô nhiễm của các thành phố trên thế giới trong năm 2017 và 2018, Hà Nội và TP.HCM lần lượt xếp ở vị trí 209 và 452 trên thế giới. Trong đó, thời điểm không khí Hà Nội có chất lượng kém là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Cần căn cứ khoa học thuyết phục để cải thiện chất lượng không khí - Ảnh 4
Vị trí xếp hạng chất lượng không khí của Hà Nội và TP.HCM năm 2017 và 2018, theo thống kê của Airvisual.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc đánh giá chất lượng không khí, thường có bốn đối tượng có thể đánh giá: thứ nhất là các cơ quan nhà nước, đó là mang tính chính thống; thứ hai là các nhà khoa học để bảo đảm tính khoa học; thứ ba là các cơ quan phi chính phủ hoặc cộng đồng và thứ tư là từng cá nhân.

Đề cập đến việc báo chí truyền thông đưa tin về chất lượng không khí Hà Nội những ngày vừa qua, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, báo chí có được thông tin từ nguồn nào thì báo chí đưa nguồn thông tin đấy là lẽ bình thường. Tuy nhiên, các thông tin như thế với khoa học thì thông tin mới chỉ có những dấu hiệu thôi còn bản chất thì phải qua quá trình nghiên cứu và qua tích luỹ thời gian thì mới đưa ra được.

“Các báo có thể so sánh từ một nguồn như trên bản đồ chất lượng không khí hay của Airvisual lập tức thấy Hà Nội màu tím còn những chỗ khác đỡ hơn thì người ta nói Hà Nội ô nhiễm nhất, nhì thế giới nhưng chỉ là vào thời điểm ấy, vào lúc ấy chứ không phải là về tổng thể. Hai cái này hoàn toàn khác nhau, truyền thông báo chí đưa ra được dấu hiệu thôi, còn bản chất thì chưa nói được”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết Cần căn cứ khoa học thuyết phục để cải thiện chất lượng không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.