Hiện tượng động đất dưới góc nhìn chuyên gia Kinh tế Môi trường
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới động đất và theo đó mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau.
Vừa qua, đã xuất hiện trận động đất mạnh 7.7 độ tại Myanmar khiến hơn 3.300 người thiệt mạng. Đồng thời, trận động đất này cũng gây ra ảnh hưởng tới Thái Lan khi một công trình 30 tầng đang xây dựng tại BangKok đã đổ sập hoàn toàn khiến hàng chục người thương vong. Tại Việt Nam, dư chấn của trận động đất đã khiến hàng trăm căn hộ tại một chung cư ở quận 8 TP Hồ Chí Minh bị rạn nứt, gây lo lắng về mức độ an toàn.
Ngoài ra, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều trận động đất tại Kon Tum.
Để làm rõ hơn vấn đề động đất, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Trước hết, xin cảm ơn PGS.TS Lưu Đức Hải đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Đầu tiên, ông có thể cho biết các nguyên nhân gây ra động đất?
PGS.TS Lưu Đức Hải:
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới động đất. Trong đó, nguyên nhân chính và nguy hiểm nhất là sự dịch chuyển của các khối đất đá trong vỏ Trái đất. Chúng ta có thể hiểu rằng, Trái đất theo chiều sâu chia thành ba lớp lớn: vỏ trái đất, mantia (quyển mềm) và nhân trái đất. Trong đó, lớp vỏ có độ dày trung bình 36 km; nhưng không đồng nhất; có nơi dày tới 60-70 km như khu vực dãy Himalaya, hoặc có chỗ rất mỏng 7-8 km như đáy đại dương. Dưới lớp vỏ là quyển mềm chứa macma nhiệt độ cao, cho phép vỏ trái đất di chuyển trên đó. Dưới mantia là nhân trái đất với nhân lỏng và nhân rắn từ độ sâu 5.100 km-7.271 km có nhiệt độ vào khoảng 6.000OC.
Vỏ Trái đất không đồng nhất, bị chia tách ra thành 12 mảng lớn và 5 mảng con. Các mảng này không hề đứng yên mà di chuyển với tốc độ rất chậm trên quyển mềm (mantia). Tại ranh giới các mảng đó, nếu mảng sau có tốc độ di chuyển lớn hơn mảng trước sẽ chui vào mảng trước tạo ra các đới hút chìm, ngược lại khi mảng sau dịch chuyển chậm hơn mảng trước sẽ xuất hiện vết nứt để macma từ dưới vỏ trái đất dịch chuyển lên. Sự dịch chuyển các mảng này sẽ tạo ra tích lũy năng lượng trong ranh giới đó hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Khi sự tích lũy năng lượng vượt qua sức chịu đựng sẽ tạo ra sự giải phóng năng lượng dưới dạng động đất. Ví dụ như ở gần Việt Nam có các mảng Ấn – Úc đang dịch chuyển về mảng Âu-Á, mảng Thái Bình Dương cũng đang lao về mảng Âu-Á, mảng nhỏ Philippines đang dịch chuyển về phía Bắc, v.v. Ví dụ như năm 2004 xảy ra trận động đất lớn tại Indonesia là do mảng Ấn – Úc lao vào mảng Âu – Á, năm 2011 mảng Thái Bình Dương lao vào mảng Âu – Á tạo ra động đất ở Fucushima, Nhật Bản.
Không chỉ ranh giới các mảng, trong các mảng lục địa tồn tại rất nhiều những khối nhỏ được tách khỏi nhau bằng các đứt gẫy sâu nông khác nhau. Tại đó, các khối đất đá khi dịch chuyển cũng tạo ra động đất. Động đất Myamar ngày 28/3/2025 có nguyên nhân là dịch chuyển đất đá theo đứt gãy đó.
Ngoài ra, một nguyên nhân gây động đất khác là do thiên thạch, sạt núi hoặc núi lửa phun. Đây là do các khối trong các mảng va chạm với nhau, tạo nên đứt gãy. Bên cạnh đó, còn có động đất kích thích do việc tích lũy nước trong các hồ thủy điện trong thời gian đầu sau khi tích nước. Loại động đất này thường có cường độ nhỏ và không gây ra nhiều thiệt hại cho con người. Loại động đất này ở nước ta đã xẩy ra khi tích nước hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Sông Tranh 2, hay Kon Tum hiện nay.
Vậy ông có thể cho biết Việt Nam có nguy cơ động đất ra sao?
Phải nói rằng, Việt Nam khá may mắn khi không nằm trong khu vực có nguy cơ cao về động đất, nhất là đối với các trận động đất mạnh vì nằm xa các ranh giới các mảng lớn Âu Á - Ấn Úc và Âu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam vẫn đang tồn tại các hệ thống đứt gẫy sâu khá lớn (Hình 1), cũng như nằm không quá xa các ranh giới mảng Âu Á, Ấn Úc, Philippine và đới tách giãn biển Đông nên vẫn có nguy cơ động đất dù mức độ vừa và nhỏ.
Theo Hình 1, có thể thấy các hệ thống đứt gẫy sâu (cấp 1) bao gồm: đứt gẫy sông Hồng kéo dài từ Vân Nam ra vịnh Bắc Bộ; đứt gẫy sông Mã, sông Chảy, đứt gãy Trường Sa, v.v. Khu vực có động đất mạnh nhất ở Việt Nam có thể kể tới là Tây Bắc như các tỉnh Lai Châu, Điện Biên. Tại đây đã từng xảy ra động đất hơn 6 độ richter. Các khu vực lưu vực sông Cả, sông Mã, sông Thu Bồn và ngay thủ đô Hà Nội cũng có khả năng xảy ra động đất. Ngoài ra, ở Việt Nam còn xuất hiện động đất kích thích do tích lũy nước làm hồ thủy điện mà chúng ta thấy gần đây tại Kon Tum và một số thủy điện khác. Động đất dạng này thường khó cảm nhận do mức độ nhỏ, tuy nhiên vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

Sơ đồ các hệ thống đứt gẫy trong lãnh thổ Việt Nam.
Dưới góc độ kinh tế môi trường, ông có thể cho biết thiệt hại của động đất theo các cấp độ, và chúng ta có thể dự báo, phòng tránh như thế nào?
Động đất là một thiên tai mà khó có thể dự đoán một cách chính xác thời điểm, cường độ. Chúng ta chỉ có thể tính toán tốc độ dịch chuyển của các mảng, hay thời điểm, địa điểm tương đối sẽ xảy ra trận động đất. Hiện nay các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu phương pháp dự báo động đất, nhưng chưa có kết quả. Còn trong tự nhiên, trước mỗi trận động đất, người ta thường thấy động vật dường như cảm nhận được trước.
Đơn cử như hiện tượng chim bay hỗn loạn khỏi tổ, các loài bò sát như rắn ra khỏi hang hoặc động vật trong chuồng nuôi tỏ ra hoảng loạn. Tuy vậy, đây chỉ là hiện tượng, chưa được nghiên cứu và có kết luận cụ thể, chỉ nên để tham khảo và phòng trừ trước.
Về thiệt hại do động đất theo các cấp độ, cần hiểu cách tính cường độ động đất. Hiện nay người ta đo cường độ động đất theo thang đo độ Richter (ký hiệu là ML) được phát minh vào những năm 1930 để cung cấp một số hiểu biết về cường độ của động đất. Độ Richter tương ứng với logarit cơ số 10 của biên độ sóng địa chấn (logarit của một số là lũy thừa mà một giá trị cố định - gọi là cơ số - phải được nâng lên để để tạo ra số đó). Cứ mỗi một độ trên thang đo Richter đại diện cho một mức tăng gấp 10 lần về biên độ, nhưng tương ứng với mức tăng khoảng 31,6 lần về năng lượng.
Ví dụ, một trận động đất 6 độ Richter có biên độ mạnh gấp 10 lần so với trận động đất 5 độ Richter, nhưng năng lượng được giải phóng nhiều hơn gấp khoảng 31,6 lần.
Ngoài ra còn cách tính cường độ bằng thang cấp động đất, theo biểu hiện phá vỡ trên bề mặt, với 12 cấp.
Động đất rất nguy hiểm. Đối với cấp độ nhẹ có thể làm rung chuyển nhà cửa, đồ vật, nhất là các vùng có nền đất yếu, trầm tích dày như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đây là nguyên nhân mà động đất vừa qua tại Myanmar cách TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hơn 1000 km nhưng vẫn cảm nhận được và có thiệt hại.
Đối với các trận động đất từ 6 độ trở lên, có thể phá hủy nhà cửa, công trình. Những cơn địa chấn có cường độ 7-7,9 được đánh giá là rất nghiêm trọng, bởi những thiệt hại to lớn mà chúng gây ra.
Động đất có cường độ từ 8 độ richter trở là đặc biệt lớn, có thể tàn phá cả một vùng rộng lớn. Hiện chưa thể xác định được cường độ tối đa của động đất, nhưng mức độ cao nhất mà con người ghi nhận được là trận động đất mạnh 9,5 độ richter ở Chile vào tháng 5/1960.
Để phòng tránh thiệt hại do động đất, khi xây dựng các công trình cần tính toán tới giảm chấn, giảm gãy đổ khi xảy ra động đất theo các tiêu chuẩn của từng khu vực có nguy cơ động đất.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo động đất để người dân có thể phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Khánh(Thực hiện)