Thứ tư, 02/04/2025 18:52 (GMT+7)
Thứ ba, 01/04/2025 11:03 (GMT+7)

Tiêu chuẩn chống động đất ở các nhà cao tầng tại Việt Nam ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Dư luận đặt câu hỏi liệu có thể xảy ra động đất tại Hà Nội, TP HCM và khả năng chống đỡ của các tòa nhà cao tầng trong trường hợp có rung chấn lớn xảy ra.

Việt Nam có nguy cơ xảy ra động đất không?

Vừa qua, trận động đất hơn 7 độ xảy ra tại Myanmar đã gây thiệt hại lớn. Theo thống kê tới nay đã có hơn 2.000 người chết tại quốc gia này và dư chấn ảnh hưởng tới Thái Lan. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khi người dân ở các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều cảm nhận rung lắc. Đặc biệt, hàng trăm căn hộ tại TP Hồ Chí Minh đã rạn nứt sau khi xuất hiện rung chấn.

Tiêu chuẩn chống động đất ở các nhà cao tầng tại Việt Nam ra sao? - Ảnh 1
Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm và cứu nạn tại các tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Mandalay, Myanmar, thứ Hai, ngày 31 tháng 3 năm 2025. (Jiang Chao/Xinhua/ AP)

Những năm gần đây động đất diễn ra khá liên tục ở Việt Nam và có chiều hướng tăng dần vể tần suất. Ngay trong tuần này, ở Kon Tum xảy ra liên tiếp 3 trận chỉ trong 1 ngày. 

Theo bản đồ phân vùng nguy cơ của Viện Vật lý địa cầu, động đất độ lớn cao nhất có thể xảy ra ở Việt Nam sẽ không quá 6.8, tập trung ở Tây Bắc Bộ và Nghệ An, tương ứng với màu nâu đậm. Vùng màu nâu nhạt trong đó có Kon Tum hay các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh độ lớn động đất nếu xảy ra, cao nhất từ 5-5,9. Các khu vực còn lại trên cả nước nếu xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ, dưới 5.

Độ lớn của trận động đất được đánh giá theo thang đo moment 1-10 hoặc hơn. Trong đó, các trận động đất nhỏ hơn 4 thường không gây thiệt hại. Từ 4-4,9, mặt đất bắt đầu rung chuyển, cảm nhận rõ rung lắc và có thể làm đổ gãy cây cối. Động đất trung bình có độ lớn từ 5-5,9 nhà cửa sẽ bị rung chuyển, các bức tường hay các công trình có hiện tượng nứt nhẹ. Hầu hết các trận động đất xảy ra ở Việt Nam đều từ mức này trở xuống.

Từ 6 - 6,9 là động đất mạnh, ở Việt Nam khá hiếm gặp. Lúc này nhà cửa sẽ bị hư hại, một số nhà có kết cấu yếu có thể bị sụp đổ. Từ 7 trở lên là các trận động đất lớn có sức tàn phá trên diện rộng, phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên bề mặt đất như ở Myanmar hôm 28/3.

Đến 8-9 là động đất cực kỳ mạnh, trên thế giới cũng rất hiếm khi xảy ra. Cấp độ này có thể phá hủy mọi thứ trên bề mặt, kể cả 1 ngọn núi và thay đổi địa hình trên diện rộng. Cấp độ 10 hoặc hơn sẽ là động đất huỷ diệt.

Như vậy, Việt Nam gần như không thể xảy ra động đất độ lớn trên 7 như tại Myanmar. Nhưng các trận động đất mức độ trung bình vẫn có thể gây ảnh hưởng nhiều, đặc biệt khi xảy ra gần các khu dân cư.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), các dữ liệu về động đất cho thấy tại Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện động đất, có nguồn xa nguồn gần nhưng về cơ bản đều là những trận nhỏ. So với các nước trong khu vực nói riêng và châu Á nói chung, nguy cơ động đất ở Việt Nam cũng nhỏ và ít hơn.

Bởi thông thường, động đất sẽ nằm ở những khu vực ranh giới các mảng lục địa lớn. Khi các mảng xô húc với nhau sẽ gây ra động đất khủng khiếp. Myanmar hay Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia rơi vào trường hợp này. Ngoài ra, còn có động đất xảy ra ở các vành đai núi lửa như tại Nhật Bản, Philippines, Indonesia... 

Các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam chống động đất ra sao?

Trước thực tế hàng trăm căn hộ chung cư cao tầng tại TP Hồ Chí Minh bị rạn nứt sau rung lắc bởi trận động đất ở Myanmar, người dân tại các thành phố lớn, nhất là tại các chung cư, cao ốc đặt câu hỏi các tòa nhà cao tầng được thiết kế, xây dựng chống động đất ra sao?

Tiêu chuẩn chống động đất ở các nhà cao tầng tại Việt Nam ra sao? - Ảnh 2
Vết nứt tại một chung cư thuộc quận 8 - TP Hồ Chí Minh sau rung lắc do ảnh hưởng của trận động đất tại Myanamar.

Theo đó, tại Việt Nam, việc thiết kế và thi công các công trình xây dựng, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo khả năng chống chịu động đất. 

Ông Nguyễn Văn Toán, kiến trúc sư Công ty 207 Bộ Quốc phòng cho biết, nếu xảy ra kịch bản động đất khoảng 6 độ richter thì các công trình cao tầng ở Việt Nam có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, nếu động đất đến 7 độ richter thì nhiều tòa nhà sẽ đối diện nguy hiểm, nhất là những toà nhà kém chất lượng, tòa nhà cũ hoặc đang xây dựng, chưa được hoàn thiện.

Ngoài ra, theo ông Toán, nguy cơ chống chọi của các tòa nhà nếu động đất xảy ra còn phụ thuộc vào từng khu vực địa chất hoặc chất lượng công trình như: quá trình thi công có đảm bảo đúng chất lượng, đúng, đủ vật liệu như thiết kế hay không.

Theo phân vùng động đất, Hà Nội nằm trong khu vực động đất nhỏ. Với quan điểm kháng chấn hiện đại, cùng với việc kiểm soát tốt an toàn chịu lực, khó có thể xảy ra nứt vỡ công trình, mà chỉ có thể gây ra hiện tượng đồ đạc trong nhà như đèn treo, quạt trần rung lắc. Tuy nhiên, theo chuyên gia, với các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước, do tiêu chuẩn cũ, cộng với việc nhiều chung cư đã xuống cấp, nguy cơ thiếu an toàn sẽ cao hơn khi xảy ra động đất.

Theo TCVN 9386:2012, cấp độ động đất được tính theo đỉnh gia tốc nền (dao động trên mặt đất). Các công trình xây dựng tại Hà Nội đều được tính toán kháng chấn tương đương cấp độ 7, 8. Sở Xây dựng kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng tiêu chuẩn chịu động đất trong các hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án; đồng thời đánh giá bảo đảm an toàn chịu lực của công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. 

Tại TP Hồ Chí Minh, bản đồ phân vùng rủi ro động đất được thực hiện từ năm 2009, cách đây 16 năm nhưng đến nay chưa cập nhật lại, trong khi thành phố có sự thay đổi nhiều trong 16 năm qua, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng với nhiều cao ốc mọc lên.

Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc đảm bảo an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 02:2022/BXD) cũng quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình chống động đất. Các tiêu chuẩn này bao gồm việc đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất và thiết kế cấu trúc phù hợp để chống chịu được các tác động của động đất.

Theo quy định về phòng, chống động đất của Chính phủ, căn cứ vào tình hình hoạt động động đất, hàng năm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng, chống động đất phù hợp. Tại những nơi hoạt động động đất có nguy cơ cao gây hoang mang trong người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống động đất.

Các kiến thức cơ bản về động đất, cách ứng xử khi có động đất xảy ra là rất cần thiết, nhất là đối với người dân ở các khu vực nằm trong nguy cơ động đất cao. Người dân khi ở trong nhà, nếu thấy động đất xảy ra, để bảo vệ mình khỏi các đồ vật rơi vỡ, hãy chui xuống dưới gầm bàn và đợi khi rung chấn không còn; không sử dụng thang máy đề phòng mất điện bất ngờ; ngắt hết các cầu giao khi sơ tán ra khỏi nhà đề phòng hỏa hoạn do quên tắt các thiết bị điện. Nếu đang ở ngoài đường, người dân hãy chạy ngay tới vùng đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, cây to và cột điện.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Tiêu chuẩn chống động đất ở các nhà cao tầng tại Việt Nam ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vingroup tổ chức "Ngày hội Xanh 2025" tại Ocean City
Vingroup sẽ tổ chức Ngày hội Xanh thường niên 2025 tại Ocean City vào ngày 13/4/2025 với chủ đề “Kỷ nguyên Xanh - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm hưởng ứng Ngày Trái Đất và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...