Thứ ba, 15/04/2025 07:10 (GMT+7)
Thứ tư, 09/04/2025 16:25 (GMT+7)

Thận trọng trước thuế Mỹ, Hòa Phát thay đổi phương án cổ tức 2024

Theo dõi KTMT trên

Lo ngại tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, Hòa Phát quyết định điều chỉnh phương án cổ tức 2024, chuyển toàn bộ sang trả bằng cổ phiếu.

Hòa Phát sẽ chi trả toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%

Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát vừa ra nghị quyết điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024 và tỷ lệ dự kiến cho năm 2025.

Trước đó, theo tài liệu từ Đại hội đồng cổ đông công bố cuối tháng 3, phương án chi trả cổ tức năm 2024 được đề xuất với tổng tỷ lệ 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Theo tính toán, với 6,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, khoản tiền chi trả bằng tiền mặt dự kiến khoảng 3.198 tỷ đồng, cùng 960 triệu cổ phiếu mới sẽ được phát hành.

Thận trọng trước thuế Mỹ, Hòa Phát thay đổi phương án cổ tức 2024 - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, theo nghị quyết vừa được công bố, Hòa Phát quyết định thay đổi hoàn toàn phương án, chuyển sang chi trả toàn bộ 20% cổ tức bằng cổ phiếu, với dự kiến phát hành gần 1,3 tỷ cổ phiếu mới.

Nguyên nhân khiến Hòa Phát điều chỉnh phương án cổ tức là do "xem xét chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4/2025 áp dụng cho các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, trên cơ sở thận trọng và đảm bảo nguồn vốn tiền mặt cho tập đoàn".

Với tỷ lệ chia cổ tức 2025, Hoà Phát giữ nguyên tỷ lệ dự kiến là 20%.

Từ năm 2022, Hòa Phát đã ngừng trả cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 – một dự án quy mô lớn với diện tích 280 ha và tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án được thiết kế để sản xuất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm, nâng tổng năng lực sản xuất thép thô của tập đoàn lên 14,5 triệu tấn, trong đó có 8,6 triệu tấn thép HRC, khẳng định vị thế dẫn đầu khu vực của Hòa Phát trong ngành thép.

Vào cuối năm 2024, Hòa Phát đã đầu tư hơn 60.100 tỷ đồng vào dự án này. Việc triển khai dự án đã khiến nợ vay tài chính của tập đoàn tăng thêm 18.000 tỷ đồng trong một năm, đạt mức 83.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, doanh nghiệp sở hữu khoảng 25.900 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi.

Năm 2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 140.560 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12.020 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 77% so với năm trước.

Theo kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Hòa Phát sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/04/2025 tại Khách sạn Melia Hà Nội, số 44 Lý Thường Kiệt, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại sự kiện, Hòa Phát dự kiến trình cổ đông kế hoạch năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21% so với năm 2024. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay của tập đoàn. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với kết quả năm 2024.

Ngành thép sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng

Theo MBS Research, ngành thép nhìn chung sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Riêng với Hòa Phát, MBS nhận định doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, vì các sản phẩm thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) – hai mặt hàng xuất khẩu chính của Hòa Phát – hiện đã chịu mức thuế từ 33% đến 36%, cao hơn mức 25% vừa được áp dụng. Ngoài ra, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng của HPG.

Trước khi thông tin về thuế mới được công bố, SSI Research đã dự báo nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2024 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Cụ thể, số lượng căn hộ mới dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, việc đẩy mạnh đầu tư công trong nhiệm kỳ 2025 cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép.

Triển vọng nhu cầu trong nước được củng cố thêm nhờ kỳ vọng sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp diễn trong 2-3 năm tới, với các dự án hạ tầng chính như đường cao tốc, sân bay, cảng biển và đường sắt tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Sản lượng tiêu thụ HRC của Hòa Phát sẽ được cải thiện nhờ mở rộng nhà máy Dung Quất, dù giá cả có thể chịu áp lực cạnh tranh. Lò cao đầu tiên thuộc dự án mở rộng đã được lắp đặt vào tháng 12/2024 và dự kiến chạy thử nghiệm trong quý I/2025.

Theo SSI Research, dự án này có thể giúp Hòa Phát tăng sản lượng tiêu thụ HRC thêm 70% so với cùng kỳ, đạt 5 triệu tấn vào năm 2025, giả định rằng Việt Nam sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trong nửa đầu năm 2025. Hiện tại, HRC nhập khẩu chiếm từ 70-80% sản lượng HRC tại Việt Nam.

Thị trường chính của HRC năm 2025 dự kiến sẽ là nội địa, do sản lượng xuất khẩu giảm 23% so với năm 2024. Nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc và áp lực từ các biện pháp thương mại tại các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát ghi nhận mức giảm đáng kể trong 3 phiên gần đây do áp lực bán mạnh trên toàn thị trường, hiện chỉ còn 22.900 đồng/cổ phiếu. Trong khoảng thời gian này, thị giá HPG đã giảm 16%, khiến vốn hóa của tập đoàn mất 27.800 tỷ đồng, xuống còn 146.474 tỷ đồng.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Thận trọng trước thuế Mỹ, Hòa Phát thay đổi phương án cổ tức 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng loại hình danh mục dự án xanh
Dự kiến có 45 loại hình dự án thuộc 7 lĩnh vực đủ điều kiện nhận tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng.

Tin mới

Mở rộng loại hình danh mục dự án xanh
Dự kiến có 45 loại hình dự án thuộc 7 lĩnh vực đủ điều kiện nhận tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng.