Xử lý rác thải, mỗi nơi mỗi kiểu
Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta, phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và phương pháp đốt được các địa phương lựa chọn để xử lý rác.
Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta hiện nay chủ yếu theo 2 phương pháp là chôn lấp và đốt. Phương pháp chôn lấp được thực hiện theo 2 hình thức là chôn lấp thông thường và chôn lấp hợp vệ sinh. Phương pháp đốt cũng có 2 hình thức là đốt không thu hồi năng lượng và đốt có thu hồi năng lượng để phát điện. Hiện nay, phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và phương pháp đốt được các địa phương lựa chọn để xử lý rác.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ trao đổi với người dân xã Phổ Thạnh về Dự án Nhà máy xử lý rác thải MD. |
Trở lại với vấn đề nóng ở khu bãi rác xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 1 năm qua, người dân ở đây đề nghị di dời Nhà máy xử lý rác MD đi nơi khác. Thế nhưng nếu di dời Nhà máy mà không xử lý dứt điểm 22.500 tấn rác thải tồn đọng, cộng với lượng lớn rác thải sinh hoạt hằng ngày thì sẽ gây nhiều nguy hại về môi trường.
Bãi rác cũ trước đây chôn lấp thông thường không có lót hoặc bê tông đáy, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác. Bãi rác này nằm trên khe núi, cao hơn so với khu vực xung quanh nên nước rỉ từ rác sẽ thấm trực tiếp xuống lòng đất và ngấm vào nước ngầm. Nếu không xử lý triệt để, lượng rác thải đang ùn ứ tại đây sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian dài.
Điểm trung chuyển rác không còn chỗ chứa. |
Ông Nguyễn Cao Phúc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do Nhà máy xử lý rác dừng hoạt động nên huyện Đức Phổ đề nghị các xã tự xử lý rác ở địa phương mình. Xã Phổ Thạnh diện tích nhỏ, dân cư quá đông, lượng rác thải ra hằng ngày khá lớn, nếu đốt hay chôn lấp tạm thời cũng dễ tạo ra những bãi chôn lấp mới hoặc người dân vứt bừa bãi ra môi trường như thời gian vừa qua, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. |
“Nếu được sự đồng thuận của nhân dân cho Nhà máy xử lý rác MD hoạt động trở lại, tỉnh sẽ yêu cầu Nhà máy khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, thiết bị còn thiếu hoặc chưa đạt yêu cầu. Tỉnh sẽ đầu tư Trạm quan trắc và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên quan trắc không khí, giám sát chặt chẽ quy trình vận hành để đảm bảo các thông số về môi trường. Khi mà không đạt yêu cầu thì đề nghị Nhà máy dừng”- ông Nguyễn Cao Phúc đề nghị.
Trong khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vận động người dân ủng hộ cho Nhà máy xử lý rác thải MD hoạt động trở lại thì tại thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng Nhà máy đốt rác cũng chưa được người dân đồng thuận. Để xử lý 3,2 triệu tấn rác đang tồn đọng tại bãi rác Khánh Sơn và cả nghìn tấn rác thải ra môi trường hằng ngày, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất về nguyên tắc, cho phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. Nhà máy này được đầu tư 80 triệu USD, công suất xử lý rác khoảng 650 tấn/ngày. Nhà máy dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2019 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. Toàn bộ rác thải sinh hoạt sẽ được đưa vào hố rác tiến hành ủ khoảng 5- 7 ngày để tách nước rỉ và giảm độ ẩm. Sau đó, rác được đưa vào bộ phận sấy khô rồi chuyển qua lò đốt ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C. Dựa vào sức nóng của lò đốt, nước bốc hơi làm quay tua bin, phát điện.
Theo thiết kế, nếu đốt đủ 800 tấn rác thì mỗi ngày có khoảng 300.000 kWh điện. Trong đó, Nhà máy sử dụng 20% điện năng, số còn lại sẽ bán cho công ty điện lực. Phần tro xỉ được lấy ra khỏi lò (với tỉ lệ khoảng 17% tổng khối lượng rác đem đốt) được trộn thêm cát, xi măng, phụ gia để sản xuất gạch không nung.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, tại vị trí bãi rác Khánh Sơn hiện nay, sau khi đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng thì sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư 1 nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại với công suất là 1.500 tấn rác/ngày- đêm.
Những bao rác vỡ ra, ruồi nhặng bu đầy. |
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng 1 lò đốt rác y tế và hệ thống xử lý phân vùng bể phốt theo đúng quy chuẩn. Cùng với đó là sẽ tính toán di dời những hộ dân nằm trong phạm vi ô nhiễm môi trường. Đến lúc đó chúng ta sẽ thấy bãi rác Khánh Sơn hiện nay trở thành Khu liên hợp xử lý rác”- ông Tô Văn Hùng cho biết.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã cho phép triển khai xây dựng các lò đốt rác thay cho 2 khu chôn lấp rác thải đã đầy, giải quyết thu gom xử lý rác tại các khu dân cư phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải, nhưng tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp.
“Toàn bộ mùi khí phát sinh trong nhà máy sẽ được đưa và hệ thống ống dẫn để đưa vào trong khu vực lò đốt để bổ sung không khí đốt theo chu trình khép kín tuần hoàn để giảm thiểu mùi. Nước rỉ ra nếu có chăng cũng rất là thấp ở trong bể chứa này sẽ được dẫn qua hệ thống bể xử lý đưa vào bể chứa sinh học rồi đưa vào bể chứa tuần hoàn nước phục vụ cho việc làm mát thiết bị, làm mát quy trình đốt; Đồng thời cũng là bể dự phòng cho công tác phòng cháy, chữa cháy”- ông Lê Trí Thanh cho biết.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cán bộ Tổng Cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thu gom và xử lý rác thải là vấn đề “nóng” đối với các quốc gia trên thế giới. Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay. Ở Thụy Điển, mỗi hộ gia đình có 6 đến 7 loại thùng rác để phân loại rác từ nguồn. Tại Việt Nam, việc xử lý rác và giảm thiểu rác thải là một bài toán rất khó cần nhiều bên tham gia. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nước ta nên có những quy định xử phạt cụ thể với vấn đề bảo vệ môi trường.
“Có những nước có biện pháp cưỡng chế rất mạnh, việc phân loại rác tại nguồn, kèm theo những biện pháp nhất định. Ở Hàn Quốc, người bán những cái túi đựng rác và phân loại rác theo những khối lượng khác nhau và rác càng nhiều, túi càng đắt. Chính vì vậy sẽ giảm thiểu việc phát sinh rác. Bên cạnh đó, những người xả rác không cho vào những cái túi sẽ không được thu gom và sẽ bị phạt. Như vậy người ta sẽ kết hợp cả biện pháp về kinh tế, nhận thức cũng như các chế tài kèm theo để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao hơn”- ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi mọi người chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa. |
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sắp tới nên đánh thuế cao đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ngược lại, có thể không đánh thuế hoặc đánh thuế rất thấp đối với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, nhựa sinh học. Điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức của người dân, người tiêu dùng và cả nhà sản xuất. Mặt khác, phải sản xuất những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon sử dụng 1 lần. Ông Võ Tuấn Nhân khẳng định, chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, không phát triển kinh tế bằng mọi giá.
“Người nào thải rác ra môi trường, người đó phải có trách nhiệm đóng góp để xử lý. Quan trọng hơn, phát triển kinh tế bây giờ phải hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn. Từng cơ sở phải nhận thức được nền kinh tế tuần hoàn. Từng vùng, từng địa phương và cả quốc gia phải phát triển kinh tế tuần hoàn. Tức là biến sản phẩm đầu ra, chất thải của cơ sở sản xuất này thành nguyên liệu cho cơ sở sản xuất khác”- Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nêu rõ.
Rác thải đang trở thành vấn đề nhức nhối và kéo dài trong nhiều năm qua không riêng gì ở các tỉnh miền Trung. Trước đây, việc xây dựng các bãi rác với công nghệ xử lý chưa phù hợp đã gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, một số nơi đã xây dựng những lò đốt rác phát điện vừa giải quyết một phần nhu cầu về điện năng, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn lực của các địa phương còn khó khăn thì việc xây dựng các khu xử lý rác nên tiến hành xã hội hóa. Đồng thời phải công khai minh bạch và tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải. Làm thế nào để người dân ý thức được.