Thứ sáu, 22/11/2024 21:15 (GMT+7)
Thứ ba, 22/02/2022 06:00 (GMT+7)

Bộ Văn hóa đề xuất khách quốc tế tự do đi lại ở Việt Nam sau khi test nhanh

Theo dõi KTMT trên

Bộ Văn hóa đề xuất Chính phủ khôi phục chính sách miễn thị thực như trước khi có dịch và chấp nhận test nhanh với du khách.

Theo phương án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đến Chính phủ và xin ý kiến bộ, ngành, trước hết Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi với đối tượng khách du lịch quốc tế (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound) thông qua cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Bộ Văn hóa kiến nghị khôi phục chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế đã thực hiện từ trước năm 2020. Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.

Bộ Văn hóa đề xuất khách quốc tế tự do đi lại ở Việt Nam sau khi test nhanh - Ảnh 1
Ảnh Hà Nội Mới

Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 dừng biện pháp giới hạn cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Về yêu cầu với khách quốc tế, ngoài việc phải đáp ứng quy định về tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, Bộ Văn hóa đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không được chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả test nhanh có giá trị 24 giờ trước khi đến Việt Nam.

Sau khi nhập cảnh, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và không được tiếp xúc với cộng đồng; xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Trường hợp có kết quả âm tính, khách được tham gia hoạt động du lịch với hình thức tự do lựa chọn điểm đến.

Ngoài ra, khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu giảm xuống 10.000 USD ở giai đoạn 2. Du khách quốc tế cũng được yêu cầu cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định và duy trì kết nối liên tục trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Trước đó, Bộ VHTTDL đã có đề xuất sớm mở cửa để khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’.

Theo đó, yêu cầu được Bộ VHTTDL đặt ra là xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch. Đáng chú ý, hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Từ nay đến 14/3, tiếp tục triển khai chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Từ 15/3, mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với thời gian triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Ngày 16/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL và ý kiến các bộ, cơ quan về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3. Tinh thần mở cửa được lãnh đạo Chính phủ quán triệt là thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, ông lưu ý Bộ VHTTDL hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện.

Liên quan đến việc cấp thị thực nhập cảnh (Visa), Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tuỳ theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Văn hóa đề xuất khách quốc tế tự do đi lại ở Việt Nam sau khi test nhanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới