Thứ sáu, 22/11/2024 17:33 (GMT+7)
Thứ năm, 17/02/2022 06:00 (GMT+7)

Trẻ em có cần thiết phải tiêm vaccine ngừa Covid-19?

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ lớn trẻ em mắc Covid-19 bị nhẹ là đúng nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ. Vì vậy, phụ huynh vẫn nên tiêm vaccine cho con trẻ từ 5-11 tuổi.

Mới đây, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, tỷ lệ mắc của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Theo Thứ trưởng, những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ thống (MIS-C) tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến thể Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm vaccine Covid-19.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng, đa số trẻ nhiễm bệnh đều có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Vậy, trẻ em có nhất thiết phải tiêm vaccine phòng Covid-19 không?

Lý giải về vấn đề này, TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo đó, tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. 

Trẻ em có cần thiết phải tiêm vaccine ngừa Covid-19? - Ảnh 1
Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo đó, tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. 

Theo thống kê, cứ 100 bệnh nhi mắc Covid-19, thì có 2 trường hợp tiền sử bình thường nhưng vẫn suy hô hấp, phải thở oxy.

TS Phạm Quang Thái cũng cho rằng, những bằng chứng gần đây cho thấy, tỷ lệ biến chứng nặng Covid-19 ở trẻ em không ở mức cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Tỷ lệ biến chứng nặng vẫn ở mức độ hết sức lo ngại, đặc biệt tình trạng viêm đa phủ tạng được ghi nhận trong thời gian qua khiến việc điều trị rất khó khăn.

Trong thời gian vừa qua, các chuyên gia của NIHE đã làm việc mật thiết với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng và thấy rằng số lượng trẻ em mắc Covid-19 đang tăng theo thời gian.

Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng có trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong. "Tỷ lệ lớn trẻ em mắc Covid-19 bị nhẹ là đúng nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ" - TS Thái chia sẻ.

Do đó, tổn thương kéo dài liên quan đến sức khỏe của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Dù tỷ lệ này không cao so với người lớn cùng mắc Covid-19 nhưng so với các bệnh khác vẫn cao. Vì vậy, phụ huynh vẫn nên tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Giải thích về tác dụng giảm Covid-19 kéo dài và viêm đa tạng của vaccine, TS Thái cho hay "thụ thể", điểm bám của virus có ở nhiều cơ quan, hầu hết cơ quan phủ tạng đều có virus xâm nhập. Đây là cơ sở gây viêm đa tạng.

Tình trạng này xảy ra ở một số người rất nặng, phải điều trị kéo dài và tốn kém. Trong khi triển khai mũi tiêm, chúng ta đã có nền miễn dịch tuy nhiên chưa cao ở một số bé. Vaccine hạn chế virus xâm lấn ở phủ tạng sâu, từ đó hạn chế tổn thương sau này.

"Đây là cơ sở để khuyến cáo người dân tiêm vaccine, kể cả khi đã nhiễm virus" - TS Thái nhấn mạnh, những bài báo liên quan đến hội chứng hậu Covid và tác dụng của vaccine cũng đã được đăng tải trên các tạp chí uy tín thế giới như Nature và Science cho thấy vaccine hiệu quả.

Đến nay, có 44 quốc gia đã triển khai vaccine trẻ 5-11 tuổi. Theo TS Thái, kinh nghiệm từ các nước đã triển khai là bài học rất quý giá với Việt Nam. Các nước vẫn sử dụng hình thức triển khai như vaccine thông thường, dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

"Vaccine cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5-11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Những báo cáo qua hàng chục triệu liều tiêm ở nhiều nước đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi cho thấy tỷ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy" - TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Tuy nhiên, những phản ứng khác như sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ vẫn có và mức độ thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn. Các chuyên gia khẳng định những phản ứng thông thường này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể khi tiêm chất lạ vào người.

Điều này đã nằm trong tính toán. Việc điều chỉnh liều tiêm theo tuổi, cân nặng của trẻ để có liều phù hợp để có liều tối ưu mà vẫn sinh được miễn dịch tốt nhất cũng đã được chuyên gia tính toán kỹ.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Trẻ em có cần thiết phải tiêm vaccine ngừa Covid-19?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới