Thứ sáu, 29/03/2024 18:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/10/2020 14:31 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hết sức thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, các nhà máy thủy điện lớn hiện nay đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết nước; còn các thuỷ điện nhỏ thì chưa được như vậy.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10 về quan điểm cho rằng đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung như vừa qua là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Đúng là có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan. Vì tất cả chỉ số cho thấy đều vượt đỉnh lũ lịch sử có nơi 1m, có nơi 2m. Ở miền Trung vừa qua đã xảy ra tổ hợp nhiều hình thái thiên tai cùng lúc”.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này, theo Bộ trưởng, không đề cập nhiều và trực tiếp đến các sự cố về thiên tai, nhưng đã “giải quyết bài toán rất xa là biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đưa ra các công cụ để quản lý, kiểm soát, để giải quyết một cách căn cơ vấn đề biến đổi khí hậu”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hết sức thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 24.10. (Ảnh Kh.Trung)

Liên quan đến tác động của thủy điện đến tình hình lũ lụt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Các hệ thống lớn về thủy điện hiện nay giải quyết tốt tình trạng cắt lũ, bài toán điều tiết, cung cấp nước. Còn những thủy điện nhỏ không thể đáp ứng yêu cầu đó, như vậy phải tuân thủ quy chế về điều tiết để đảm bảo an toàn. 

Ở góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường, về thủy điện, bao giờ cũng có 2 mặt. Về quan điểm, chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Đến nay, chúng ta đã giảm được trên 400 thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, cũng cần hết sức thận trọng khi xây dựng thủy điện nhỏ".

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các dự án thủy điện đều cần phải tính tới vấn đề môi trường, dòng chảy, dòng đi của cá, bùn, đặc biệt là vấn đề an toàn trong từng hồ, tác động tích lũy của hệ thống của các hồ. 

"Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng không nên phát triển thủy điện nhỏ hay khi phát triển thủy điện chú ý đến các phương án công nghệ để hài hòa với môi trường. Không làm các đập dâng, sử dụng thế năng tự nhiên của nước và công suất quy mô từng nhà máy thì nhỏ nhưng công suất toàn bộ hệ thống vẫn đạt mức. Như vậy, chi phí đầu tư sẽ tăng lên, nhưng sẽ đảm bảo bền vững lâu dài". 

Theo kết quả khảo sát, điều tra của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam về hồ chứa, đập và đập thủy điện tại 10 dòng sông lớn của Việt Nam những năm gần đây cho thấy, các hệ thống sông như sông Hồng – sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sêrêpôk, sông Sê San… đang có rất nhiều đập và đập thủy điện lớn nhỏ.

Cụ thể, theo thống kê, tại Thừa Thiên Huế hiện có hơn chục dự án thủy điện nhỏ được cấp phép đầu tư xây dựng theo thiết kế bậc thang.

Riêng sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 26 km nhưng đã có tới 4 dự án thủy điện  với 4 bậc, tổng công suất lắp máy là 89MW đang xây dựng, sắp hoàn thành và đã đi vào hoạt động gồm: thủy điện A Lin B1 (42MW); A Lin B2 (20MW); Rào Trăng 3 (13MW) và Rào Trăng 4 (14MW).

Tại Nghệ An, dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ.

Ở Quảng Nam, hai dòng sông là A Vương, sông Kôn cũng gánh chịu 7 công trình thủy điện gồm A vương, Sông Kôn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3.

Với đặc điểm địa hình nhiều sông suối, có độ dốc lớn những năm qua các công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ đã phát triển ồ ạt tại miền Trung, Tây Nguyên.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hết sức thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.