Chủ nhật, 28/04/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ tư, 01/11/2023 17:14 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên cho việc thẩm định chất lượng SGK

Theo dõi KTMT trên

Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, nội dung về SGK hiện nay thu hút được nhiều sự quan tâm.

Cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Tham gia phát biểu tranh luận với ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) về việc giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho hay: Theo đại biểu Mai Hoa, Nghị quyết 88 mới là Nghị quyết gốc, tuy nhiên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm “Nghị quyết gốc” và cũng không hề phân biệt cấp độ của các Nghị quyết của Quốc hội.“Dù đại biểu Hoa coi Nghị quyết 122 của Quốc hội là gì thì tổ chức, cá nhân liên quan vẫn phải thực hiện Nghị quyết này”, đại biểu Thúy nói.

Đồng thời cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên cho việc thẩm định chất lượng SGK - Ảnh 1
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng).

Hơn nữa, theo bà Thúy, Luật Giáo dục 2019 cũng chỉ quy định: Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK mà không hề quy định nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Tôi xin hỏi, Luật Giáo dục có phải là văn bản quy phạm pháp luật gốc không?”, bà Thúy nêu băn khoăn.

Trong bài phát biểu của mình, bà Thúy cho rằng Quốc hội khóa này có quyền ban hành một Nghị quyết có nội dung khác với Nghị quyết 122, nhưng bà băn khoăn có nên làm một việc xã hội đã làm không? và bà nhấn mạnh: “Việc thay đổi một chính sách lớn giữa chừng là một việc cần có thời gian nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn trọng”. Theo bà Thúy, trong khi phụ lục 7 là tổng hợp đề xuất kiến nghị của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương là 35 trang với 282 nội dung. Riêng đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo là 114 nội dung. Tại trang 26, số thứ tự 208 có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ SGK (của 2 địa phương).

“Tôi cho rằng, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì Bộ tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết”, bà Thúy bày tỏ quan điểm.Theo bà Thúy, thực tế còn có một số ý kiến cho rằng “phải có một bộ SGK chuẩn”. Nhưng, bà Thúy cho rằng hiểu như vậy là không đúng với Nghị quyết 88. Theo Nghị quyết này dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

“Đúng là ngày xưa ta chỉ học mỗi một bộ SGK, chỉ ăn khoai sắn cũng nên người. Nhưng mỗi thời mỗi khác, không thể bắt ngày nay giống ngày xưa được. Bây giờ con cháu chúng ta phải ăn uống đầy đủ thì mới cải tạo được tầm vóc để sánh vai với các cường quốc 5 châu”, bà Thúy nhấn mạnh.

Thêm một bộ SGK có giải quyết được vấn đề về giá?

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga -  Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương cho biết, những ngày gần đây cũng có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau cả trong những người nghiên cứu xây dựng pháp luật, các ĐBQH cũng như dư luận chung, đội ngũ giáo viên và nhà quản lý giáo dục.

“Theo quan điểm của tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần biên soạn một bộ SGK hay không, theo tôi Bộ cần biên soạn một Bộ SGK. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải biên soạn thêm một bộ SGK nữa trong thời điểm hiện tại. Bởi, số lượng SGK trong thời điểm hiện tại xã hội hóa cũng có một số bộ SGK được thẩm định và đủ điều kiện đưa vào giảng dạy”, bà Nga nói.

Thêm nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng đang ngổn ngang rất nhiều các công việc khác nhau để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời cho biết, trong đó, có những việc mang tầm vĩ mô rất lớn phải giải quyết ngay như tình trạng thiếu giáo viên, phải khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025 là kỳ thi đầu tiên của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Bởi vậy, nếu yêu cầu Bộ thực hiện ngay một bộ SGK trong thời điểm công việc bộn bề như vậy thì hiệu quả không cao và khó thực hiện. Do vậy, đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở rất tốt để thực hiện bộ SGK này chứ không phải trong thời điểm hiện tại”, bà Nga nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu rõ, chủ trương xã hội hóa SGK là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các SGK phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời, huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.

Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định, trục trặc gì thì sửa cái đó.

“Còn bây giờ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng biên soạn bộ SGK nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không? vấn đề về giá chẳng hạn”, đại biểu Nghĩa nêu vấn đề.

Nếu có vấn đề về giá thì khắc phục vấn đề này có thể trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa.

“Chứ không phải chúng ta thay thế bằng cách “đẻ” ra một bộ SGK của Nhà nước là giải quyết được vấn đề, nếu không giải quyết được vấn đề thì sao?”, ông Nghĩa băn khoăn.

Ưu tiên cho việc thẩm định chất lượng SGK

Liên quan đến vấn đề về sách giáo khoa được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong báo cáo Chính phủ về kinh tế - xã hội có nhận định “sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu”. Đây là nhận định mà ngành giáo dục xác định là đòi hỏi cao, rất trách nhiệm của Chính phủ, dù đã làm được nhiều việc nhưng vẫn phải làm tốt thêm và ngành Giáo dục đang cố gắng để thực hiện tốt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên cho việc thẩm định chất lượng SGK - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trong Nghị quyết giám sát 686 đã ghi nhận: Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; việc biên soạn SGK đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ uy tín, kinh nghiệm và từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản, với tổng số lượng 194 triệu bản sách."Như vậy, đây là ghi nhận sự cố gắng với toàn ngành Giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách", ông Sơn nêu rõ.

Về việc đại biểu quan tâm Nghị quyết đoàn giám sát liên quan tới việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, ông Sơn cho hay: "Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. Còn vấn đề được giao chúng tôi sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, chúng tôi sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau".

Minh An

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên cho việc thẩm định chất lượng SGK. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới