Bộ TN&MT tham vấn các tỉnh phía Nam về quản lý môi trường
Lãnh đạo một số địa phương phía Nam đề nghị Bộ TN&MT bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến các vấn đề lưu lượng nước thải, quy trách nhiệm kiểm tra, giám sát các vấn đề môi trường.
Ngày 09/7, Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương khu vực phía Nam về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, chủ trì buổi Hội thảo.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có 13 chương và 197 điều quy định chi tiết về các nội dung: Bảo vệ các thành phần môi trường; Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường;
Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; Quản lý chất thải; Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường…
Để hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, ông Nhân đề nghị các địa phương tập trung trao đổi, thảo luận góp ý cả về những vấn đề chung có tính bao quát của một bản Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đến những vấn đề cụ thể, được quy định trong từng điều, khoản của dự thảo Nghị định như: Sự phù hợp, thống nhất của các quy định tại dự thảo Nghị định với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản có liên quan.
Bên cạnh đó, các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương sẽ phải thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực (đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, phân vùng môi trường, quản lý chất thải, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm quản lý nhà nước…); Đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan ở địa phương…
Tại 19 điểm cầu, đa số các địa phương đều thống nhất với bố cục và các quan điểm chính của dự thảo Nghị định.
Góp ý cụ thể cho dự thảo Nghị định, các đại biểu tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang… tập trung cho ý kiến liên quan đến các quy định về thủ tục hành chính, phân loại dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, xử lý chất thải, quan trắc môi trường, xử lý ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, quy định về khoảng cách an toàn môi trường, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường…
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận, các ý kiến trao đổi, tâm huyết của các đại biểu giúp Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo Nghị định, bảo đảm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân nhân.
Bộ TN&MT cam kết sẽ lắng nghe, cầu thị để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đơn vị trong quá trình hoàn thiện, trình ban hành dự thảo Nghị định.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân một lần nữa khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, khối lượng nội dung rất lớn.
Lĩnh vực môi trường cũng là lĩnh vực được các ĐBQH, cử tri cả nước, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm và dành nhiều ý kiến đóng góp, góp ý, phản biện trong suốt quá trình xây dựng.
Do đó, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chuyên gia để tham vấn, xin ý kiến.
Đến nay, dự thảo Nghị định đã được gửi đăng lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ cũng như gửi lấy ý kiến chính thức của các Bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, do khối lượng được hướng dẫn, quy định chi tiết trong Nghị định là rất lớn, nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành, nên ông Nhân mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống từ các địa phương, nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định.
Nguyễn Thu