Thứ bảy, 20/04/2024 09:56 (GMT+7)
Thứ tư, 07/07/2021 14:55 (GMT+7)

Áp dụng quy định mới về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ ngày 10/7

Theo dõi KTMT trên

Từ ngày 10/7, Nghị định 55/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực.

Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP (Nghị định số 55) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, Nghị định số 55 sửa đổi một số mức phạt đối với hành vi vi phạm trong trường hợp trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định; lưu giữ phế liệu nhập khẩu tại khu vực không đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.

Áp dụng quy định mới về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ ngày 10/7 - Ảnh 1
Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt hành chính. (Ảnh: Nangluongsachvietnam.vn)

Đối với hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; không xử lý tạp chất đi kèm phế liệu hoặc không chuyển giao tạp chất cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 230.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu không đúng chủng loại trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 25 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

Nghị định số 55 cũng nêu rõ phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chứa chất phóng xạ; nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất và các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.

Đối với vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định số 55 quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Đồng thời, Nghị định số 55 sửa đổi phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP gồm: Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 1; Bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 2; Sửa đổi các khoản 4, 7, 8, 10 và 11, bổ sung các khoản 14 và 15 Điều 3; Bổ sung điểm c khoản 2, các điểm o, p, q, r , s và t khoản 3 và khoản 4 Điều 4; Sửa đổi, bổ sung Điều 6, 8, 9, 11, 12, 13, 14, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 29, 32, 33, 34, 39, 40, 44, 46, 49, 52; Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 7; Sửa đổi điểm đ khoản 8 Điều 19; Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 48; Bổ sung khoản 4 Điều 55; Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 4 Điều 56.

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​ có hiệu lực từ ngày 10/7/2021.

Đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực, bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​ đã có hiệu lực và nếu Nghị định số 55/2021/NĐ-CP​ không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, pháp luật hiện hành đã có tương đối đầy đủ các văn bản quy định về việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong đó có hành vi xả thải không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận bị phạt còn hơn đầu tư hệ thống xử lý do mức xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành với nhiều trường hợp là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc vận dụng và thực thi pháp luật của những người có trách nhiệm là chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.

Để quản lý tốt việc xả thải tại các KCN, tôi cho rằng trong thời gian tới đây chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật quy định một cách cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Cùng với đó, trong các văn bản xử phạt cần phải tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài này phải đảm bảo đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi xả thải ra môi trường, kiên quyết không có sự nương tay cho những hành vi gây ô nhiễm môi trường dù đối tượng này là bất cứ ai.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Áp dụng quy định mới về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ ngày 10/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới