Thứ bảy, 20/04/2024 16:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 11/07/2021 06:46 (GMT+7)

Nỗ lực bảo vệ môi trường trong tái chế chất thải

Theo dõi KTMT trên

Theo UBND TP.Đà Nẵng, kế hoạch nhằm đảm bảo tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng đạt trên 12%. Đồng thời có trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trường học được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.

UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố năm 2021.

Mục tiêu của kế hoạch là đảm bảo tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng đạt trên 12%; đồng thời có trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP.Đà Nẵng đã đặt ra các nhiệm vụ: Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tới từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp; nhân rộng các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong phân loại rác thải tại các khu dân cư, nơi công cộng (mái nhà xanh, cá bống ăn rác, thùng rác văn minh...).

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, khẩn trương rà soát, xây dựng phương án thu gom rác theo giờ phù hợp với phương án cơ giới hóa trên địa bàn quận/huyện; phương án đầu tư, cơ chế thu mua chất thải rắn sinh hoạt tái chế từ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Nỗ lực bảo vệ môi trường trong tái chế chất thải - Ảnh 1
Đảm bảo chất thải rắn sinh hoạt tại Đà Nẵng được tái chế, tái sử dụng đạt trên 12%. (Ảnh: Báo Nhân dân)

UBND thành phố cũng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng mô hình Quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng nhằm bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2025; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sau phân loại; ban hành các cơ chế, chính sách về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn; nghiên cứu, có hình thức khen thưởng đối với cơ quan, hộ gia đình tích cực thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm khuyến khích, động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.

Theo Sở TN&MT TP.Đà Nẵng, trong năm 2020, toàn thành phố đã thu gom, tái chế được hơn 210 tấn rác tài nguyên, trong đó nhiều nhất là quận Hải Châu với 121 tấn; quận Thanh Khê 50 tấn; quận Hòa Vang 40 tấn.

Đến nay, trên toàn địa bàn thành phố đã hình thành các phong trào, mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân thành phố về thực hiện phân loại rác tại nguồn, bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định. Trong đó có các mô hình "Mỗi hố rác một cây xanh", "Chung cư xanh", "Câu lạc bộ môi trường Cựu chiến binh", "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon"...

Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị triển khai dự án nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện với công suất 650 tấn/ngày và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất 1.000 tấn rác/ngày (sử dụng công nghệ gồm cả phân loại, đốt và thu khí biogas phát điện) nhằm giải bài toán rác sinh hoạt đô thị lâu dài của thành phố.

Sở TN&MT TP.Đà Nẵng nhận định, việc triển khai những dự án sẽ góp phần đạt mục tiêu xây dựng "Đà Nẵng - thành phố môi trường" giai đoạn 2021-2025, hướng đến đô thị sinh thái: áp dụng công nghệ xử lý chất thải tổ hợp, giảm diện tích chôn lấp, tạo ra các sản phẩm có ích. 

Tuy nhiên, việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng phương án tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đồng bộ nên chưa có được niềm tin của người dân; quy trình phân loại còn thiếu sự kết nối với doanh nghiệp thu gom rác tái chế, chưa tạo được mạng lưới thu gom, tái chế toàn thành phố. Đồng thời, các địa phương còn thiếu sự chuẩn bị, kết nối doanh nghiệp thu gom rác tái chế để làm tốt quy trình tổ chức từ phân loại tại nguồn đến thu gom, vận chuyển và tái chế, tái sử dụng rác thải hiệu quả và chưa tạo được mạng lưới các cơ sở thu gom, tái chế chất thải trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP.Đà Nẵng, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian qua đã làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Trung bình khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn hơn 1.100 tấn/ngày. Dự báo, giai đoạn từ 2020-2025 là hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 - 2030 hơn 2.400 tấn/ngày và từ năm 2030 - 2040 hơn 3.000 tấn/ngày.  

“Ô nhiễm do túi nylon là thực trạng đáng lo ngại ở Đà Nẵng, do đó, thành phố cần có các biện pháp hiệu quả để xử lý các sản phẩm túi nylon và làm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa, đặc biệt là có biện pháp để kéo giảm tình trạng xả rác bừa bãi, giảm nạn đổ rác trái quy định. Đồng thời tăng cường tái chế nhựa, cải thiện quản lý chất thải rắn tổng hợp và thúc đẩy các hoạt động 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng), khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực phi chính thức...”, TS Phạm Phú Song Toàn (giảng viên ngành Công nghệ môi trường của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực bảo vệ môi trường trong tái chế chất thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới