Bộ TN-MT hiến kế ‘làm sạch’ môi trường không khí tại các thành phố lớn
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, cần kiểm soát chặt các nguồn phát thải; quan trắc liên tục và thêm không gian xanh...
Liên quan đến nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Dương) tại Kỳ họp thứ 10, về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông tin giải đáp về hiện trạng ô nhiễm và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
Ô nhiễm không khí chủ yếu từ bụi
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2020 đến nay, môi trường không khí khu vực miền Bắc, trong đó có TP.Hà Nội đã được cải thiện so với cùng thời điểm quan trắc năm 2019. Mặc dù, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm bụi vẫn xuất hiện nhưng có xu hướng giảm rõ rệt.
Riêng trong tháng 7/2020, một số ngày chất lượng không khí của Hà Nội có diễn biến xấu, do những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu.
Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 (bụi mịn) đã vượt Quy chuẩn Việt Nam, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm.
Tại khu vực miền Nam, trong đó có TP.HCM, môi trường không khí cũng bị tác động do bụi lơ lửng tổng số và tiếng ồn, gây ra bởi hoạt động sản xuất và giao thông trong vùng, một số điểm bị ô nhiễm cục bộ.
Thông thường, bụi PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm, do điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp với các nguồn ô nhiễm từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải.... Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này sẽ giảm đi.
Qua kết quả quan trắc thực tế, phía Bộ Tài nguyên và Môi trương nhận định vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, PM10 và mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định; riêng các thông số khác vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Đưa giải pháp vào chương trình đào tạo
Đề cập đên giải pháp xử lý, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại Tờ trình số 28/TTr-BTNMT ngày 20/7/2020, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Riêng với tình hình gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị tăng các thành phố cường triển khai các giải pháp, trong đó tập trung thống kê, đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí; tăng cường quan trắc, công bố, cảnh báo thông tin tới người dân.
Ngoài ra, Bộ này cũng đã có các văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, rơm rạ sau thu hoạch; tăng cường tần suất quan trắc để kịp thời đưa ra cảnh báo cần thiết đối với người dân.
Cùng với đó, các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải cũng đã tham mưu và tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án như: Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô tham gia giao thông và xe ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, sau khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được ban hành (Luật đã được Quốc hội đã thông qua vào chiều 17/11), Bộ sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố cũng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí trong lĩnh vực được giao quản lý, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, xây dựng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe; xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi.
Đặc biệt là xây dựng và sớm đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường không khí vào chương trình đào tạo tại các cấp học.
Thu hồi xe cũ nát, thêm không gian xanh
Đối với UBND các thành phố, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các địa phương cần ưu tiên bố trí ngay nguồn lực lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; tiến hành quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa để cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông…
Các địa phương cũng cần tổ chức các biện pháp kiểm soát, điều tiết các phương tiện giao thông hợp lý; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích người dân giảm phương tiện cá nhân, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán.
Bên cạnh đó, các địa phương thống kê, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí, từ các cơ sở công nghiệp; tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất có lò đốt, ống khói xả thải trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến nghị các địa phương cần triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ không sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021; đầu tư xây dựng thêm nhiều khu vực không gian xanh, trồng thêm nhiều cây xanh trong các khu vực đô thị.
Hùng Võ