Biến đổi khí hậu: Người dân làm trung tâm của phát triển bền vững
Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành tiếp tục đề xuất các kế hoạch triển khai thực hiện và cụ thể hóa những tuyên bố của Việt Nam.
Tăng cường năng lực thích ứng của cộng đồng
Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn.
Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỷ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030…
Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Đó là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.
Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo... đồng thời sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia; triển khai áp dụng các công cụ định giá carbon, bao gồm thuế carbon và phát triển thị trường carbon trong nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường; xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030, kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất…
Huy động toàn dân thực hiện
Có thể thấy, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải các bon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Đây cũng là vấn đề quan trọng với Việt Nam - một nước đang phát triển và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, không chỉ có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị lộ trình thực hiện.
Trong đó có việc đưa các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện các cam kết đóng góp thực hiện Thỏa thuận Paris vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone cùng với các văn bản, đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chỉ sau hơn 1 tháng khi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu kết thúc, Việt Nam đã có Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu do Thủ tướng làm Trưởng ban, 1 Phó Thủ tướng làm Phó trưởng Ban cùng 12 Bộ trưởng là Ủy viên.
Việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, kết nối tất cả các bộ, ngành được kỳ vọng sẽ “thông đồng bén giọt” trong triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn có đặc thù về tính liên vùng, liên ngành.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.
Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; chỉ đạo giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền trách nhiệm của liên ngành, liên tỉnh để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.
Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia. Vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.
Chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện cam kết, Thủ tướng yêu cầu tư tưởng phải thông, nhận thức phải thống nhất, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn và hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy.
Rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, chiến lược… thu hút công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và tổ chức thực hiện trong chống biến đổi khí hậu nói chung. Phải khớp giữa nhu cầu với khả năng của các đối tác, nhất là huy động nguồn lực về tài chính...
Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép,” tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Nguyên nhân của “khủng hoảng kép” xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Vì thế, cùng hành động vì Trái Đất, “Đoàn kết ứng phó với biến đổi khí hậu,” đã trở thành khẩu hiệu của các hội nghị quốc tế quan trọng do Liên hợp quốc tổ chức, trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ trên khắp toàn cầu..
Theo TTXVN/Vietnam+