Thứ sáu, 26/04/2024 19:30 (GMT+7)
Thứ ba, 08/02/2022 16:00 (GMT+7)

Ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia đã được ban hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ban hành Hệ thống giám sát đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.

Theo đó, mục tiêu nhằm thiết lập và vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá cấp quốc gia để giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Cung cấp cơ sở cho việc quản lý, điều phối và nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Đối với nội dung giám sát, đánh giá về công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định, hướng dẫn kỹ thuật; Xây dựng báo cáo về thích ứng với biến đổi khí hậu; Lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Hoàn thiện tổ chức, bộ máy và nhân lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu ngày càng làm gia tăng các thảm họa thiên tai, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; môi trường và đa dạng sinh học; tài nguyên nước; giao thông vận tải; xây dựng, đô thị; công nghiệp, thương mại và dịch vụ; y tế và sức khỏe cộng đồng; lao động, xã hội; văn hóa, thể thao, du lịch.

Với nội dung giám sát, đánh giá về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gồm: Quan trắc khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn; quản lý rủi ro thiên tai...

Cơ sở dữ liệu giám sát, đánh giá được xây dựng và vận hành trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin, bao gồm: Thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; báo cáo giám sát, đánh giá của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; các thông tin khác có liên quan; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu.

Theo Quyết định, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối của Hệ thống giám sát, đánh giá, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện Hệ thống giám sát, đánh giá theo Quyết định này; tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong phạm vi quản lý; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo cung cấp, chia sẻ thông tin cập nhật về tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu;...

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý; cập nhật thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống giám sát, đánh giá; báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, đánh giá trước ngày 25 tháng 12 hằng năm qua hệ thống trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

Để thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai hiệu quả các hoạt động thực tế về ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, chiến lược, đề án ở tầm quốc gia về Biến đổi Khí hậu như: Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình Khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới…

Sau đó là luật hóa các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào nhiều văn bản như: Hiến pháp năm 2013; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Thủy lợi; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Đánh giá về thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Giáo sư Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng, thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình; là kết quả của nhiều hoạt động được phối hợp từ các cấp, các lĩnh vực và các đối tượng; các khoản đầu tư cho thích ứng là đầu tư vào sự phát triển.

Các nhiệm vụ thích ứng cần được xem xét là những hành động không hối tiếc, là sự kết hợp hài hòa của các hành động phát triển kinh tế - xã hội thông thường và các hành động nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm tính dễ bị tổn thương phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới