Những quy định mới về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ tháng 1/2022
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia thực hiện các cam kết “xanh", đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung”. Trong đó, Chính phủ đã ban hành những quy định mới về lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone và Thông tư số số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được ban hành.
Theo đó, hai văn bản này đã quy định 4 thủ tục hành chính mới về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Bao gồm:
Thứ nhất, xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước: Tổ chức, cá nhân sở hữu tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch phát thải khí nhà kính có nhu cầu xác nhận để giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường carbon trong nước gửi hồ sơ đề nghị xác nhận theo mẫu về Bộ TN&MT. Thời gian xem xét cấp Giấy xác nhận trong tối đa 15 ngày làm việc.
Thứ hai, đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon: Tổ chức có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký chương trình, dự án theo mẫu về Bộ TN&MT. Thời gian xem xét cấp văn bản chấp thuận trong thời gian tối đa 38 ngày làm việc.
Thứ ba, đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có hoạt động sử dụng các chất được kiểm soát thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nộp hồ sơ đăng ký sử dụng, phân bổ hạn ngạch theo mẫu về Bộ TN&MT. Thủ tục đăng ký được thực hiện một lần trước ngày 31/12/2022 và định kỳ cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký của tổ chức hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất trong báo cáo gửi Bộ TN&MT trước ngày 15/1 hằng năm.
Đây là thủ tục hành chính tích hợp bao gồm việc công bố thông tin đăng ký hoạt động sử dụng và thông báo phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu trong năm của các tổ chức. Cụ thể: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ TN&MT rà soát hồ sơ và công bố thông tin về tổ chức đăng ký trên Cổng Thông tin điện tử Bộ và trang thông tin điện tử của Cục Biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tối đa là 33 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo năm của tổ chức, Bộ TN&MT thực hiện phân bổ hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, xác minh thông tin trong trường hợp cần thiết, lấy ý kiến cơ quan liên quan và thông báo cho tổ chức có hoạt động sản xuất, nhập khẩu các chất HCFC, HFC.
Thứ tư, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát: Tổ chức có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch về Bộ TN&MT trước ngày 10 tháng 7 hằng năm. Bộ TN&MT xem xét điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch và thông báo cho tổ chức trong thời gian tối đa 33 ngày làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh: “Quy định về ứng phó với BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Đây cũng là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các kết quả, đặc biệt là các cam kết tại COP26.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam, Bộ TN&MT là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thu hút các dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Lan Anh (T/h)