Chủ nhật, 29/09/2024 23:29 (GMT+7)
Thứ năm, 23/04/2020 06:00 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến hạn mặn khốc liệt ở miền Tây

Theo dõi KTMT trên

Toàn bộ thượng nguồn sông Mekong năm nay ước tính thiếu 65% tổng lượng mưa, trong đó đoạn sông từ Trung Quốc tới Nam Lào bị giảm 50% lượng mưa so với các năm trước. Các chuyên gia nhận định, đây mới là giai đoạn bắt đầu bước vào mùa khô khốc liệt và thời tiết cực đoan chưa từng thấy sẽ khiến cho nhiều địa phương bị thiếu nước trầm trọng.

Biến đổi khí hậu khiến hạn mặn khốc liệt ở miền Tây - Ảnh 1
Người nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp Mười đang điêu đứng trong “cơn khát nước” lịch sử.

Biến đổi khí hậu khiến nông dân điêu đứng

Những người nông dân miền Tây không chỉ lo lắng phòng chống dịch Covid-19 suốt 3 tháng qua, mà mỗi gia đình, mỗi xóm làng đang phải hứng chịu cảnh hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt chưa từng có. Đặc biệt là người nông dân Đồng Tháp Mười (thuộc 3 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An), nằm ở vùng trũng nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đang điêu đứng vì hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo, trái cây, thuỷ sản...

Ông Võ Văn Bá, một nông dân ở xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hoá, Long An) đang thu hoạch 8 công lúa mà trong lòng nặng trĩu lo âu khi năng suất lúa chỉ bằng 70% so với mọi năm.

Nguyên nhân là do hạn hán đến sớm hơn, khu vực này đã không có mưa suốt 4 tháng qua, kể từ trận mưa gần nhất hồi tháng 11 năm ngoái. Hạn hán khốc liệt khiến cho ông Bá bế tắc về kế hoạch gieo trồng vụ tới cũng như chưa biết xoay sở tìm nguồn nước tưới tiêu ở đâu?

Hạn hán, thiếu nước ngọt đang khiến cho hàng chục nghìn hộ nông dân ở khu vực Đồng Tháp Mười điêu đứng, không có đủ nước để duy trì trồng lúa, trồng chanh, trồng mít nghệ, thanh long, rau xanh… Đặc biệt, người trồng thanh long ở vùng Đồng Tháp Mười đối mặt nguy cơ mất trắng do hạn hán kéo dài. Từ Tết đến nay, do nguồn nước tưới khan hiếm cùng với giá thanh long giảm mạnh nên nhiều hộ dân ở Thạnh Hoá, Tân Thạnh đã quyết định bỏ hoang vườn cây, vì càng làm sẽ càng lỗ nặng…

Nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản cho biết, họ chưa khi nào mong chờ những cơn mưa như lúc này. Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng và kéo dài khiến họ phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm thẻ, nuôi cá điêu hồng, rô phi hay ếch Indo… Nguồn nước mặt tự nhiên không đủ cung cấp, ngay cả khu vực vùng trũng nhất của Đồng Tháp Mười, khu Ramsar Láng Sen (Vĩnh Hưng, Long An) cũng cạn khô. Còn chi phí mua nước dự trữ quá cao, khiến người dân không dám nuôi trồng thuỷ sản…

Báo cáo đánh giá cho thấy, toàn bộ thượng nguồn sông Mekong năm nay thiếu 65% tổng lượng mưa, trong đó đoạn từ Trung Quốc tới Nam Lào giảm 50% lượng mưa so với năm trước. Hạn hán đến sớm, xâm nhập mặn cao hơn và kéo dài khiến cho mùa khô năm nay khốc liệt hơn. Theo quan trắc, hiện trên sông Tiền độ mặn 2,9‰ đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang), cách biển 81km. Riêng sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6‰ đã vào đến TP.Tân An (Long An), cách cửa biển 75km.Ở khu vực sông Hậu, nước mặn lần đầu tiên đã xâm nhập tới Cần Thơ, với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính. Tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất, theo nhận định của các chuyên gia, sẽ còn căng thẳng hơn trong thời gian tới, đặc biệt ở các tỉnh giáp biển. Nhiều địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn. Theo số liệu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đến giữa tháng 2, thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng 29.700ha (vụ mùa 16.000ha, đông xuân 13.700ha).Hạn mặn là hệ quả của biến đổi khí hậu

Theo thống kê, đến khoảng giữa tháng 3/2020, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây là 50-110km, vượt mốc lịch sử năm 2016 từ 2-8km. Nguyên nhân là do lượng mưa toàn lưu vực sông Mekong trong năm 2019 thấp kỷ lục, cộng với tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước chạy các tuabin, khiến nước về hạ nguồn không đủ.

Ngày 4/3, 5 tỉnh miền Tây gồm Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An đã chính thức công bố tình huống khẩn cấp về hạn, xâm nhập mặn. Tại Bến Tre, ảnh hưởng nặng nhất là huyện Ba Tri, nơi có 12.000ha đất trồng lúa ba vụ cùng đàn bò với 100.000 con đang rơi vào cảnh “khát khô”. Ngoài đồng, đất khô hạn, nứt nẻ, cây cối tiêu điều, chỉ còn lác đác các loại cỏ chịu mặn. Nước nhiễm mặn còn khiến người nuôi cá tra ven sông ở tỉnh Bến Tre phải thu hoạch “non” do cá chết bất thường hàng loạt, tỉ lệ hao hụt quá cao.

Tại Tiền Giang, nơi được coi là “thủ phủ” của cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng khi nhiều kênh, hồ chứa nước ngọt cạn khô.

Biến đổi khí hậu khiến hạn mặn khốc liệt ở miền Tây - Ảnh 2
Lòng hồ tại trạm bơm Bình Phan (Tiền Giang), nơi cung cấp nước cho khoảng 8.500ha đất trồng trọt ở địa phương đang cạn trơ đáy. (Ảnh: VnExpress)

Đánh giá về tình hình hạn mặn đang diễn ra tại ĐBSCL, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho biết: nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn, mặn ở vùng là do hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong từ đầu năm 2019 kéo dài đến khoảng tháng 9. El Nino khiến cho lượng mưa thấp kỷ lục, dẫn đến tình trạng thiếu nước. Còn thủy điện chỉ làm chậm đường đi của nước…

Theo ông Thiện, về lâu dài phải theo tư duy “thuận thiên” xuyên suốt trong Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm thâm canh lúa để có không gian hấp thu lũ và chuyển dịch hệ thống canh tác ven biển để thích nghi. Nghị quyết này đề cập phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, ưu tiên số một là quá trình phát triển tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn dự báo, dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan như thiên tai, lũ lụt trên phần lớn các khu vực ở nước ta hiện nay. Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2020, ông Vĩnh nhấn mạnh đến sự thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người dân, của cá nhân, tổ chức trong bảo vệ, sử dụng nước tiết kiệm.

Biến đổi khí hậu khiến hạn mặn khốc liệt ở miền Tây - Ảnh 3
Biến đổi khí hậu khiến bão lũ liên tục xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian. Đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước cho các mục đích sử dụng nhất là đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Được biết, Cục Quản lý tài nguyên nước đã trình Bộ TN&MT chỉ đạo điều hành các hồ chứa nước đang có thiếu hụt nguồn nước, như hồ Cửa Đạt (sông Mã), Bình Điền (sông Hương), A Vương (Vu Gia - Thu Bồn), Ka Nak (Ba), Sê San 4 (Sê San), Đại Ninh (Đồng Nai)… Phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du phải đảm bảo đủ nước cho từ 5-7 tháng còn lại của mùa cạn.

Năm 2020, Ủy ban Nước Liên hợp quốc (UN-Water) đưa ra chủ đề cho Ngày Nước thế giới (ngày 22/3) là "Water and Climate change”– “Nước và Biến đổi khí hậu” với thông điệp: “Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn. Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau”.

UN-Water muốn nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của tài nguyên nước, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước trong việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trước khi bước sang năm 2021 là định giá nước và năm 2022 sẽ là nước ngầm.

Trong bản tóm tắt Chính sách của UN-Water về biến đổi khí hậu và nước nêu rõ, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu gắn bó chặt chẽ với nước. Biến đổi khí hậu làm tăng sự thay đổi trong chu trình nước, gây ra các sự kiện thời tiết cực đoan; làm giảm khả năng dự báo nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước và đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học trên toàn thế giới. Khi dân số toàn cầu tăng nhanh, nhu cầu về nước ngọt càng trở nên cấp bách trong khi tài nguyên nước đang cạn kiệt và bị ô nhiễm nghiêm trọng. Con người cần sử dụng nước hiệu quả hơn, quản lý các hệ thống sản xuất, tái sử dụng nước cũng như tiết kiệm tối đa.

“Biến đổi khí hậu có thể cảm thấy đáng sợ và nan giải. Nhưng có một bước đơn giản bạn có thể thực hiện ngay và sẽ tạo ra sự khác biệt lớn: Đừng lãng phí nước. Hãy tự kiểm tra tất cả các thói quen của mình và tìm cách thay đổi lối sống của mỗi người để cùng nhau giúp cứu hành tinh”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gửi thông điệp.

Biến đổi khí hậu khiến hạn mặn khốc liệt ở miền Tây - Ảnh 4
Thiếu nước ngọt đang là vấn nạn cấp bách của toàn thế giới (Ảnh: UN-Water).

Mai Lan - Nguyễn Phượng

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến hạn mặn khốc liệt ở miền Tây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Miền Bắc sắp đón một đợt không khí lạnh
Theo dự báo, ngày 30/9 và 1/10 Bắc Bộ sẽ đón thêm một đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh gây mưa rào và dông rải rác, thời tiết chuyển lạnh, vùng núi có thể xuất hiện rét đậm.

Tin mới

Nhiệt điện Phả Lại: Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả vì lợi ích của cộng đồng
Các cán bộ công nhân viên trong Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đều nghiêm túc thực hành tiết kiệm điện triệt để. Tiết kiệm điện không chỉ là tuyên truyền mà là yêu cầu nỗ lực, tạo thói quen tốt từ chính mỗi cá nhân để hạn chế lãng phí năng lượng điện.