ĐBSCL điều chỉnh lịch thời vụ để tránh hạn, mặn
Để đối phó với hạn, mặn diễn biến phức tạp, các tỉnh ĐBSCL đã điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa hè thu 2020.
Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) sản xuất lúa hữu cơ. (Ảnh: TTXVN) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh vừa điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa hè thu 2020, thu đông - Mùa 2020 để tránh hạn, mặn.
Theo TTXVN, vụ lúa hè thu 2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xuống giống 75.000 ha, chia thành 3 đợt, bắt đầu từ 20/4 và kết thúc xuống giống vào ngày 20/6. Vụ thu đông - Mùa 2020, tỉnh có kế hoạch xuống giống hơn 80.000 ha, chia thành 3 đợt, bắt đầu từ ngày 15/8 và kết thúc xuống giống vào ngày 15/10. Tùy từng điều kiện thực tế, địa phương bố trí lịch xuống giống cụ thể cho từng vùng.
Đối với vụ hè thu, ngành nông nghiệp Trà Vinh cũng lưu ý các địa phương đảm bảo việc rửa mặn, phèn, cung cấp đủ nước cho sản xuất và xuống giống tập trung đồng loạt trên từng cánh đồng.
Để đối phó với hạn mặn gay gắt, Kiên Giang cũng đã tiến hành điều chỉnh xuống giống vụ lúa hè thu 2020 và một số trà lúa đang chuẩn bị thu hoạch sớm.
Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Kiên Giang, vụ lúa hè thu 2020 toàn tỉnh sẽ gieo sạ 284.000 ha. Đến nay, đã xuống giống được khoảng gần 100.000 ha. Các địa phương xuống giống sớm và nhiều là Giồng Riềng gần 41.000 ha, Tân Hiệp trên 20.000 ha, Giang Thành hơn 13.000 ha, Hòn Đất gần 3.000 ha, Gò Quao trên 1.000 ha…
Một số trà lúa hè thu sớm ở Kiên Giang chỉ nửa tháng nữa là thu hoạch. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam) |
Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang, trên trà lúa hè thu sớm của tỉnh đang xuất hiện một số đối tượng gây hại như: rầy nâu, ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, bù lạch… Tuy nhiên, mật số không cao và diện tích nhiễm không đáng kể.
“Năm nay nắng hạn, xâm nhập mặn diễn ra khá gay gắt nhưng nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, huyện đã cho đắp đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt nên diện tích xuống giống sớm được bảo vệ tốt.
Hiện trà lúa sớm đã được hơn 40 ngày, lúa đang giai đoạn đòng, trỗ. Tình hình dịch hại cũng được kiểm soát tốt nên lúa xuống giống phát triển thuận lợi. Như vậy, chỉ khoảng 1 tháng nữa là nông dân trong huyện lại có lúa thu hoạch”, ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN&PT-NT huyện Giồng Riềng trả lời báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Điều làm nông dân khá phấn khởi trong vụ lúa hè thu này một số diện tích đã được DN đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PT-NT) vụ hè thu 2020 khu vực ĐBSCL gieo sạ gần 1,6 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt 8,7 triệu tấn.
Lịch thời vụ khuyến cáo xuống giống trong tháng 3 và tháng 4, tập trung ở vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang).
Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa cách biển khoảng 70 km trở vào trong (thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh).
Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời, ở khu vực ven biển đến 50 km (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau).
Theo dự báo, nguồn nước cho ĐBSCL từ nay đến cuối tháng 5 vẫn hết sức khó khăn, do thiếu hụt dòng chảy. Về lũ năm 2020, dự báo là lũ nhỏ đến trung bình, thuận lợi cho sản xuất lúa thu đông.
“Vụ hè thu vẫn phải tiếp tục các giải pháp đối phó, né hạn mặn. Vụ thu đông cần chú ý đề phòng nước lũ trong mùa nước nổi. Vụ mùa trên nền đất nuôi tôm, đây là vụ lúa độc lập, riêng ở vùng ĐBSCL, cần tránh nước mặn xâm nhập sớm khi mùa mưa kết thúc sớm”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý các giải pháp cho các vụ lúa tiếp theo.
Mai Anh