Thứ tư, 08/05/2024 18:57 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/04/2020 10:33 (GMT+7)

Giải cơn khát nước ngọt cho bà con vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Bộ TN&MT đã bàn giao cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long 10 điểm cấp nước ngọt miễn phí.

Giải cơn khát nước ngọt cho bà con vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Em bé theo bố mẹ đến nơi cấp nước tranh thủ tắm sau nhiều ngày thiếu nước. (Ảnh: Báo TN&MT)

Chiều 18/4, tại xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ TN&MT) đã bàn giao cho tỉnh Trà Vinh công trình cấp nước sinh hoạt với chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đây là điểm cấp nước ngọt miễn phí này có khả năng cung cấp cho bà con trên địa bàn với lưu lượng 400m3/ngày.

Theo Báo TN&MT, tiếp nhận trạm cấp nước, ông Trần Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường vô cùng vui mừng và cho biết: Toàn xã hiện có 3041 hộ với 13.057 nhân khẩu, song tỉ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng chỉ chiếm 26%.

“Nguồn nước hiện tại ăn uống sinh hoạt từ nước kênh và giếng khoan nhưng hiện tại nước mặt bị xâm nhập mặn, nước giếng khoan lại không đảm bảo. Có được trạm nước sạch đúng là mơ ước bấy lâu nay của người dân trong xã.” – ông Trần Hoàng Hiệp xúc động nói.

Ông Trần Hoàng Hiệp cũng cho biết thêm, hiện tại địa phương đang sử dụng xe để chuyên chở nước cho các hộ dân trong xã và đã thông báo cho hàng ngàn hộ dân ở các xã bên đến lấy nước.

Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Bộ TN&MT đã bàn giao cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long 10 điểm cấp nước ngọt miễn phí.

Giải cơn khát nước ngọt cho bà con vùng ĐBSCL - Ảnh 2
Người dân xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vui mừng đến lấy nước tại điểm cấp nước ngọt miễn phí. (Ảnh: Báo TN&MT)

Cụ thể, điểm số 1 xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; điểm số 2 xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; điểm số 3, 4 và 5 tại các xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình; xã Tân Trung, huyện Đầm Rơi và xã Nguyễn Phích huyện U Minh tỉnh Cà Mau; điểm số 6 xã Nam Thái, An Biên, Kiên Giang; điểm số 7 xã Thạnh Phú, Châu Thành, Tiền Giang; điểm số 8 xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An; điểm số 9, 10 tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú và xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Các trạm cấp nước lắp đặt được với tổng công suất cung cấp là 3.700m3/ngày đêm cung cấp được cho 62.000 người với tiêu chuẩn là 60l/người/ngày đêm.

Thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT cho thấy, trên cả nước hiện có 4.416 công trình cấp nước sinh hoạt (1.390 công trình cấp nước mặt; và 2.967 công trình cấp nước ngầm). Tổng lưu lượng khai thác theo thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày. Tổng lưu lượng khai thác thực tế đạt 8,3 triệu m3/ngày (đạt 76%). Trong đó, nguồn nước mặt chiếm 87% tổng lượng nước khai thác (ứng với 7,4 triệu m3/ngày).

Về tình hình thiếu nước hoặc nguy cơ thiếu nước cấp cho sinh hoạt, hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước). Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại ĐBSCL.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng thiếu nước, hạn hán vẫn tiếp tục ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thời gian tới. Miền Trung và Tây Nguyên có thể đối mặt mùa khô hạn, xâm nhập mặn kỷ lục. Từ tháng 5 đến tháng 8, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung bộ ở mức tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019, đặc biệt ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ xảy ra ở ngoài vùng có công trình cấp nước.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải cơn khát nước ngọt cho bà con vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.