Biến đổi khí hậu có thể là cơ hội cho đa dạng sinh học phát triển
Với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature), năm 2020 là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Nhân dịp này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Anh Cường, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường.
PV:Thưa ông,ĐDSH đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia như thế nào?
- TS. Phạm Anh Cường: Theo Luật Đa dạng sinh học, ĐDSH là sự phong phú về các hệ sinh thái, loài và nguồn gen. Tài nguyên sinh vật với thuộc tính tự nhiên là đa dạng và đồng thời, tính đa dạng bảo đảm cho giá trị và tính bền vững của tài nguyên sinh vật. ĐDSH đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của xã hội loài người và sự sống trên Trái đất bởi các dịch vụ hệ sinh thái mà nó cung cấp, bao gồm:
Dịch vụ cung cấp: ĐDSH cung cấp các lợi ích trực tiếp cho con người như lương thực, thực phẩm, các nguyên nhiên liệu, vật liệu xây dựng,... với giá trị kinh tế rõ ràng, đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực của đất nước; Duy trì nguồn gen, tạo giống vật nuôi, cây trồng... Ở Việt Nam, khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần rừng và khoảng 20% thu nhập của họ là từ lâm sản ngoài gỗ; với khoảng 3.000 km bờ biển, nghề thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 8 triệu người và một phần thu nhập cho khoảng 12 triệu người khác.
TS. Phạm Anh Cường, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường. |
Dịch vụ văn hóa: Là những lợi ích phi vật thể mà con người có được từ ĐDSH, làm phong phú về tinh thần, phát triển nhận thức, nhận xét, phê phán, giải trí và những trải nghiệm về thẩm mỹ thông qua các cảnh quan thiên nhiên. Hiện nay, khoảng 70% sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch là dựa vào các vùng ven bờ biển, nơi có rất nhiều các hệ sinh thái tự nhiên với tính ĐDSH cao.
Dịch vụ điều tiết, điều chỉnh: Thông qua việc điều hòa khí hậu (điều hòa nhiệt độ, lưu trữ các bon và kiểm soát lượng mưa), duy trì chất lượng không khí, điều tiết dòng chảy thủy văn, làm sạch nước và xử lý ô nhiễm (phân hủy các chất thải trong môi trường), kiểm soát xói mòn và điều tiết thiên tai (giảm nhẹ tác hại của thiên tai như bão, lũ...)., điều chỉnh bệnh tật con người và kiểm soát sinh học.
Dịch vụ hỗ trợ: Là yếu tố thiết yếu trong các chức năng của hệ sinh thái, như năng suất sơ cấp, năng suất của oxy khí quyển, hình thành đất và giữ đất, quay vòng chất dinh dưỡng, nước và cung cấp sinh cảnh.
PV:BĐKH đang ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vậy thực trạng này tác động như thế nào đến nềnĐDSHhiện nay, thưa ông?
- TS. Phạm Anh Cường: ĐDSH và BĐKH có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau: BĐKH vừa là yếu tố gây suy giảm, suy thoái ĐDSH nhưng đồng thời là yếu tố làm gia tăng tính chống chịu và sự phong phú của ĐDSH. Ví dụ: Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, thiên tai và sự gia tăng những hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của BĐKH sẽ làm biến dạng một số kiểu hệ sinh thái ven bờ, thay đổi cấu trúc quần xã sinh vật, thay đổi tập tính loài, một số loài sinh vật không thích nghi bị tiêu diệt,…
Khoảng 70% sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch là dựa vào các vùng ven bờ biển, nơi có rất nhiều các hệ sinh thái tự nhiên với tính ĐDSH cao. |
Tuy nhiên, các hệ sinh thái (rừng ngập mặn...) giúp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH như hấp thụ khí nhà kính, nhả oxy, chống xói lở, bảo vệ tài nguyên đất và nước, điều hoà khí hậu, giảm nhẹ tác hại ô nhiễm và thiên tai. Hoặc có nhiều loài thích nghi với BĐKH (chịu hạn, chịu nhiệt độ cao...) có giá trị kinh tế phục vụ cho đời sống con người.
Vì vậy nhìn từ góc độ tiến hóa, BĐKH có thể xem là cơ hội cho ĐDSH phát triển và góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia trên Trái Đất nếu như có các giải pháp giảm thiểu và thích ứng phù hợp.
PV:Theo ông, tình trạng hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác bảo tồn ÐDSH ở nước ta?
- TS. Phạm Anh Cường: Với tác động tiêu cực của BĐKH, hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang diễn ra khốc liệt không chỉ ở Trung Bộ, Tây Nguyên mà còn ở cả Nam Bộ. Tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay ở nước ta.
Hạn hán và xâm nhập mặn làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, biến đổi môi trường sống của các loài sinh vật; hạn hán kéo dài đã gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của các loài động, thực vật; nhiều hệ sinh thái rừng tiềm ấn nguy cơ suy thoái do nguy cơ cháy rừng tăng cao.
Riêng đối với các vùng ven biển miền Trung và miền Nam, nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển: hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ chịu tác động xấu khi chế độ nước ngập sâu bị thay đổi do nước biển dâng; quá trình xâm nhập mặn ở mức độ cao có thể hủy duyệt thảm thực vật và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tràm.
Vùng đất Đồng Tháp “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng”, là nơi phát triển của thảm thực vật đa dạng. |
PV: Mặc dùViệt Nam đã kịp thời có nhiều giải pháp từ chủ trương, chính sách đến hành động nhưng thực tế, hệĐDSHcủa Việt Namđangbị suy giảm với tốc độ rất nhanh, đặc biệtnhiều loài động thực vật hoang dã bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép. Phải chăng chúng ta có “lỗ hổng” nào đó, thưa ông?
- TS. Phạm Anh Cường: Như các bạn đã biết, với nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đã có những bước tiến được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế. Nếu nói “ĐDSH của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh” cũng chỉ mang tính chủ quan. Tuy nhiên trên thực tế, sự suy giảm ĐDSH của Việt Nam là hiện thực không thể phủ nhận.
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì một số nguyên nhân chủ quan phổ biến đang gây nên suy giảm đa dạng sinh học của Việt Nam như:
Nhận thức của cộng đồng, người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Những suy nghĩ như “sừng tê giác trị bách bệnh; có ngà voi trong nhà thể hiện quyền lực của chủ nhà…”, vẫn còn in sâu trong nhận thức của một số người.
Sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường: Trong nhiều trường hợp, việc phát triển kinh tế đã chi phối việc ra quyết định. Do vậy, phát triển bền vững cân bằng giữa phát triển và môi trường, trong đó có ĐDSH chính là mục tiêu cần hướng tới của Việt Nam.
Một số văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn ĐDSH còn có sự chồng chéo về đối tượng quản lý, cùng một đối tượng nhưng bị chi phối ở nhiều luật khác nhau. Ví dụ: có sự khác nhau, chồng chéo trong các quy định quản lý các loài động, thực vật hoang dã, hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên tại hai hệ thống văn bản luật khác nhau (Luật ĐDSH và Luật Lâm nghiệp). Do vậy, còn có những khó khăn nhất định trong quá trình quản lý, bảo tồn ĐDSH trên thực tế.
Khôi phục và bảo tồn vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt và nước biển dâng. |
PV:Theo ông, chúng ta cần hoạch định chiến lược như thế nào để ngăn chặn sự suy giảm này?
- TS. Phạm Anh Cường: Chiến lược quốc về đa dạng sinh học đến 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/07/2013. Để bảo tồn ĐDSH có hiệu quả, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và ĐDSH cho rằng, cần có những giải pháp sau đây:
Trước hết, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không hủy hoại các hệ sinh thái tự nhiên; không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, ...
Chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật đẩy mạnh việc triển khai các quy định của Luật ĐDSH, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản,...; Tăng cường phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo tồn ĐDSH nói riêng. Cụ thể, công tác điều hành phải luôn tính đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển kinh tế – xã hội; cân nhắc và chú trọng ngay từ đầu việc đánh giá những ảnh hưởng của các chính sách phát triển, các dự án kinh tế tới ĐDSH…
Về lâu dài, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật ĐDSH học theo hướng thống nhất quản lý nhà nước về ĐDSH. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về ĐDSH;
Lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH trong các chiến lược, quy hoạch các ngành, phát triển kinh tế - xã hội;
Nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH;
Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn loài: Huy động các nguồn lực (tài chính, kỹ thuật và thể chế) nhằm thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế và pháp luật quốc gia về bảo tồn ĐDSH thông qua các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phúc Thanh (Thực hiện)