Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Điểm nóng Bình Xuyên (Bài 5)
Tỷ lệ rác được xử lý hợp vệ sinh tại huyện Bình Xuyên ở mức thấp. Tình trạng tập kết, đổ thải rác thải gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến.
Trong "Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh Vĩnh Phúc, có thể thấy để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện.
Đầu tháng 6/2022, nhóm phóng viên của Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã tới huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để ghi nhận về tình hình thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương này.
Theo thống kê, khối lượng rác thải sinh hoạt trung bình của toàn huyện Bình Xuyên là 110 tấn/ngày. Số rác này được thu gom, vận chuyển, xử lý bởi 11 hợp tác xã vệ sinh môi trường và 02 công ty là Công ty Cổ phần Vina Century và Công ty TNHH môi trường Bình Xuyên. Thế nhưng, tỷ lệ rác được xử lý hợp vệ sinh còn thấp. Tình trạng tập kết, đổ thải rác thải gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến.
Về hình thức xử lý rác, có 6 địa phương xử lý theo hình thức lò đốt, và 6 địa phương xử lý theo hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, hầu hết các bãi chôn lấp đã quá tải, trong khi các lò đốt thì xuống cấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, không đáp ứng đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường sống của các hộ dân sinh sống xung quanh.
Nguy cơ ô nhiễm thứ cấp luôn hiện hữu
Khi nhóm phóng viên tiếp cận nhà máy xử lý rác (lò đốt) của thị trấn Bá Hiến, ngay từ xa đã ngửi thấy mùi khó chịu bốc lên từ khu vực tập kết rác bên trong nhà máy. Lò đốt rác của thị trấn nằm giữa cánh đồng, xung quanh không có tường bao ngăn cách, khiến rác bị tràn ra bên ngoài, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp cho một vùng đất động.
Theo người dân sinh sống tại thôn Đê Hến, thị trấn Bá Hiến, mùi bốc ra từ nhà máy xử lý rác rất khó chịu, nhất là những hôm trái gió, trở trời. "Ruồi nhặng rất nhiều, tràn vào khu dân cư mà không tài nào xử lý được, mong chính quyền sớm có phương án xử lý, đảm bảo sức khỏe cho bà con", ông B.V.H (62 tuổi, thôn Đê Hến) lo lắng.
Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Dương Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bá Hiến cho biết, do ảnh hưởng bởi trận mưa lịch sử nên mọi ngả đường vào nhà máy xử lý rác bị phong tỏa. Mặt khác, do rác bị ướt nên công nhân không thể đốt được, dẫn tới ùn ứ cục bộ.
Ông Thanh cũng thừa nhận, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn thị trấn còn nhiều tồn tại. Lượng rác sinh hoạt của người dân ngày càng nhiều, trong khi năng lực xử lý của thị trấn không đáp ứng đủ.
"Chúng tôi hi vọng rằng, trong thời gian tới, huyện Bình Xuyên nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung sẽ có những khu xử lý rác tập trung với quy mô lớn, không gây ô nhiễm môi trường. Có như vậy, vấn đề rác thải sinh hoạt của người dân mới được giải quyết triệt để", Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bá Hiến bày tỏ.
Ghi nhận tại nhà máy xử lý rác (lò đốt) của thị trấn Hương Canh, rác chất thành từng đống lớn, xung quanh nhà máy không có tường bao ngăn cách dẫn đến việc rác, nước thải từ khu tập kết rác tràn ra bên ngoài. Đáng chú ý, bên trong nhà máy có những kiện rác giống nhựa, chưa rõ số rác giống nhựa này được dùng để làm gì, nhưng nếu dùng để đốt lò thì rất đáng lo ngại.
"Mỗi lần mưa lớn là từng dòng nước đen ngòm từ nhà máy tràn ra ngoài, rác trôi nổi khắp khu vực xung quanh. Bên cạnh nhà máy là nghĩa địa, đây là nơi linh thiêng, cần sự sạch sẽ và yên tĩnh, việc rác thải tràn vào nghĩa địa rất mất mỹ quan. Cơ quan chức năng cần sớm xử lý dứt điểm tình trạng này", bà N.T.V (52 tuổi, thị trấn Hương Canh) nhấn mạnh.
Chia sẻ với nhóm phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho biết, Công ty Cổ phần Vina Century là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành nhà máy xử lý rác trên địa bàn thị trấn. Hiện, lò đốt rác của công ty này đang xử lý khoảng 75% rác thải trên địa bàn thị trấn.
Trả lời về việc từng kiện rác thải giống nhựa xuất hiện trong khuôn viên nhà máy xử lý rác của thị trấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho rằng, có thể chúng được sử dụng để làm mồi nhóm lò.
Điểm sáng hiếm hoi
Điểm sáng hiếm hoi trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của huyện Bình Xuyên là tại xã Tam Hợp. Phía trong nhà máy xử lý rác của địa phương này, rác thải được xử lý khá triệt để, gọn gàng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng rác bị tràn ra bên ngoài, nham nhở, mất mỹ quan.
Theo ông Nguyễn Tiến Đảng - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, nhà máy đang sử dụng sáng kiến đốt rác của một cá nhân, đã được Sở Khoa học và Công nghệ chứng nhận. Giá thành của máy đốt rác theo sáng kiến này chỉ khoảng 70 triệu đồng, mà theo ông Đảng đánh giá thì hiệu quả đốt cao hơn cả máy đốt rác mà Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho xã Tam Hợp.
"Tôi có thể khẳng định rằng, Tam Hợp là xã đi đầu trong việc xử lý rác sinh hoạt, đốt sạch và được nhân dân địa phương nhiệt tình ủng hộ. Rất nhiều cơ quan đã về tham quan, học tập mô hình đốt rác của xã", ông Đảng quả quyết.
Xã Sơn Lôi là địa phương được đầu tư nhà máy đốt rác phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau đó, xã đã tận dụng nhà máy này để xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân. Bên trong nhà máy, rác được tập kết khá gọn gàng, thế nhưng bên ngoài khuôn viên lại vô cùng ngổn ngang.
Ông Nguyễn Huy Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lôi cho biết, do địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa kỷ lục, không kịp phơi khô để xử lý nên rác bị ùn ứ lại, dẫn đến tình trạng trên. Mặt khác, xã còn gặp nhiều khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn, cũng như vận động kinh phí từ người dân.
"Mặc dù số tiền thu hàng năm từ các hộ dân không nhiều do phần lớn kinh phí được tỉnh hỗ trợ, thế nhưng có nhiều hộ tìm mọi lý do để không phải đóng góp. Chúng tôi hi vọng rằng, trong trường hợp chưa có khu xử lý rác tập trung quy mô lớn thì xã sẽ được hỗ trợ thêm về mặt phương tiện thu gom (xe chuyên dụng) để địa phương có thể làm tốt hơn trong việc giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt", ông Trung chia sẻ.
Từ thực tế trên cho thấy, công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt tại nhiều xã, thị trấn của huyện Bình Xuyên còn bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp. Nếu không có phương án xử lý nhanh chóng, triệt để thì những hệ lụy liên quan đến môi trường sẽ rất khó lường.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.
Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.
Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.
Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.
Bài tiếp: Công tác thu gom vận chuyển xử lý rác ở Phúc Yên: "Sạch nhà... bẩn ngõ"!
Hoàng Hải - Hà Nam