Thứ bảy, 07/09/2024 21:21 (GMT+7)
Thứ năm, 30/06/2022 06:14 (GMT+7)

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bức tranh với những gam màu sáng tối (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là về công tác thu gom, xử lý rác thải.

LTS: Vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn cả nước nói chung vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc chi phí bỏ ra nhiều nhưng chưa giải quyết triệt để được lượng rác thải mà còn làm phát sinh ra một số vấn đề về môi trường. Đây cũng là việc làm đau đầu các nhà quản lý ở cấp địa phương.

Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển tốt về mọi mặt. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. 

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được,Vĩnh Phúc đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là trong bài toán thu gom vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, quan tâm đến công tác thu gom và xử lý rác thải hơn nữa để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng phức tạp.

Từ thực tế trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài "Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Hiện trạng và giải pháp". Tuyến bài nêu lên những tồn tại, bất cập về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, những điểm sáng và gam màu tối trong cách thực hiện tại các địa phương trong huyện. Từ đó, các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế môi trường sẽ có những phân tích, nhận định và đánh giá về mặt được và chưa được của tỉnh Vĩnh Phúc từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán về rác thải sinh hoạt này.

Nhiều thành tựu nổi bật

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

Sau gần 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, thu ngân sách luôn ở mức cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo và đã đạt được nhiều kết quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thế nhưng, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhất là về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bức tranh với những gam màu sáng tối (Bài 1) - Ảnh 1
Rác tập kết về Nhà máy xử lý rác xã Đồng Văn - huyện Yên Lạc tràn ra ngoài sông, nguy cơ gây ô nhiễm thứ cấp.

Theo thống kê, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị.

Tuy nhiên, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%), hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, việc triển khai các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy hoạch còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra do hầu hết chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ về địa điểm của nhân dân ở vùng dự án.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%. Đây là những chỉ tiêu cơ bản và việc phấn đấu để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện.

Trăn trở với rác

Theo số liệu từ Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho thấy, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 34 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Trong đó, có 09 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường trực tiếp thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho các địa phương (trực tiếp hợp đồng với UBNDthành phố, các xã, thị trấn).

Còn lại 25 doanh nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh lân cận có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải (gồm rác công nghiệp, y tế, nguy hại và rác thải sinh hoạt) cho hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải hiện nay rất đa dạng, ở khu vực đô thị như thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và một số thị trấn, trung tâm huyện lỵ, cơ 8 sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ chủ yếu sử dụng xe tải, xe ép rác chuyên dụng, còn lại ở các xã nông thôn chủ yếu là xe đẩy tay, xe ba gác, xe cải tiến hoặc xe tự chế có gắn động cơ, xe tải cỡ nhỏ,... Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 15 xe ép rác (loại từ 2,5 đến 7 tấn); 15 xe ô tô (loại từ 1,5 đến 2,5 tấn); khoảng 1.225 xe đẩy tay và các phương tiện thô sơ khác.

Thống kê có khoảng 2.100 lao động trực tiếp tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Trong đó, chủ yếu ở các Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (khoảng 500 người), Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Phúc Yên (khoảng 300 người). Các doanh nghiệp thu gom có từ 5-10 người; còn lại các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường ở các xã, thị trấn có số lao động từ 10 - 15 người tùy từng địa phương, đơn vị.

Thu nhập của người thu gom rác nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung hiện nay, nhất là ở các hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường. Ở các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, thu nhập trung bình của người lao động hiện khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng và đã được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp theo quy định.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bức tranh với những gam màu sáng tối (Bài 1) - Ảnh 2
Bãi tập kết rác phía trong nhà máy xử lý rác xã Tam Hồng - huyện Yên Lạc nguy cơ ô nhiễm thứ cấp luôn hiện hữu.

Ở các hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, trung bình, mỗi hợp tác xã hoặc tổ vệ sinh môi trường có từ 8-15 người, thực hiện thu gom cho một xã trung bình có từ 1.500 - 2.000 hộ dân, mỗi thôn, khu dân cư được giao cho một người trực tiếp thu gom, vận chuyển. Với mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo quy định của tỉnh hiện nay từ 2000 - 3.000 đồng/người/tháng (tối đa khoảng 20.000/hộ/tháng, ở khu vực đô thị là 3.000 đồng/người/tháng; ở khu vực nông thôn là 2.000 đồng/người/tháng), theo tính toán nếu thu đủ mỗi năm cũng chỉ được khoảng 216 triệu đồng/xã.

Song thực tế việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu thu được đối với những hộ kinh doanh, dịch vụ ở những trục đường chính, khu trung tâm, còn lại hầu hết các hộ đều chây ì, không chịu đóng. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động này được lấy từ nguồn sự nghiệp môi trường phân bổ hàng năm cho các địa phương theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (năm 2021 là 445 - 495 triệu đồng/xã).

Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong tổng số kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm lại tùy thuộc vào mỗi địa phương, nơi cao, nơi thấp, không có định mức cụ thể...

Chi phí cho hoạt động của hợp tác xã hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường bao gồm tiền lương, mua bổ sung, sửa chữa dụng cụ, phương tiện thu gom, bảo hộ lao động, xăng dầu, chi phí quản lý,…nên thu nhập thực tế của người thu gom rác chỉ khoảng từ 1-2 triệu đồng/người/tháng.

Do khó khăn nên các đơn vị thu gom phải chọn giải pháp tình thế, chờ đống rác đủ một chuyến xe thì mới bốc đi. Những nơi có điều kiện thì thu gom 3 ngày/lần, nơi không có điều kiện thì 4-5 ngày/lần, thậm chí khoảng 1 tuần/lần. Vì vậy, nhiều địa phương đã có hợp tác xã, tổ đội thu gom rác thải nhưng tình trạng rác thải chất đống ven đường, gần các điểm công cộng gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường vẫn diễn ra phổ biến.

*(Số liệu sử dụng trong bài viết được lấy từ "Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030").

Bài 2: Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc - Bất cập trong công tác xử lý rác

Hoàng Hải - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bức tranh với những gam màu sáng tối (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.