Vĩnh Phúc: Dự án nhà máy rác thải tập trung Xuân Hòa có phải lập ĐTM?
Với diện tích hơn 11ha, kinh phí đầu tư dự kiến khoảng hơn 61 tỉ đồng dự án nhà máy xử lý rác tập trung xã Xuân Hòa có thuộc đối tượng lập ĐTM?
Dự án Nhà mày xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc đang bị người dân các xã Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, Liễn Sơn của huyện Lập Thạch bày tỏ ý kiến phản đối do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo đó, đa số ý kiến người dân cho rằng: Khu vực triển khai xây dựng dự án là lưng chừng núi, đầu nguồn nước của hai thôn Thành Công và Đồng Chủ. Khu vực này còn là đầu nguồn của hai hồ thủy lợi lớn của xã Xuân Hòa là đập Thiên Lính (thôn Thành Công) và đập Suối Vầy, đập Ao Phai (thôn Đồng Chủ). Các đập nước này cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho nhiều thôn của xã Xuân Hòa và một số thôn của xã Liễn Sơn.
Thứ hai: Do dự án nằm ở lưng chừng núi, khi có gió sẽ thổi khói xuôi về nhiều thôn của xã Ngọc Mỹ nằm bên kia của núi, sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Thứ ba: Từ phạm vi triển khai dự án đến khu vực dân cư là quá gần, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Ngoài ra, theo ý kiến của người dân, việc triển khai dự án xây dựng nhà máy rác tại khu vực dốc Kèo Cài người dân không nắm được, không được hỏi ý kiến là chưa thỏa đáng.
Bên cạnh việc phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến chủ trương phê duyệt, quy hoạch, xây dựng của một dự án thì vấn đề dự án phải tuân thủ quy định nghiêm quy định về môi trường theo Luật BVMT cùng được đặt ra.
Luật bảo vệ Môi trường 2020 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Nghị Định 08/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2022.
Theo khoản 7 Điều 3 Luật BVMT 2020: Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, các trường hợp dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Điều 30 Luật BVMT. Theo đó, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm: Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật BVMT; Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.
Điểm b khoản 3 Điều 28 luật BVMT 2020 quy định: Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường thì thuộc dự án đầu tư nhóm I, là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Theo phụ lục II ban hành theo Nghị định 08/2022 ngày 10/1/2022 quy định chi tiết Luật BVMT 2020 nêu rõ: Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường: Tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 500 tấn/ngày được tính là công suất trung bình (cột 4, Phụ lục II).
Theo phụ lục III (ban hành theo Nghị định 08/2022 ngày 10/1/2022 quy định chi tiết Luật BVMT 2020) danh mục dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao quy định tại khoản 3 Điều 28 luật Bảo vệ Môi trường 2020: Dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 luật Bảo vệ môi trường 2020: Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất trung bình quy định tại Cột 4 Phụ lục II Nghị định 08 có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại khoản 4 Điều 25 nghị định 08.
Điểm a khoản 1 Điều 30 Luật BVMT 2020 quy định, dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Căn cứ theo các viện dẫn ở trên có thể nhận thấy, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Xuân Hòa thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Theo điểm a khoản 1 Điều 35 (Luật BVMT 2020) về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này thuộc thẩm quyền thẩm định ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo điểm a, b khoản 1 Điều 33 (Luật BVMT 2020) về đối tượng được Tham vấn trong đánh giá tác động môi trườnggồm có: Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư; Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư.
Căn cứ vào viện dẫn trên có thể thấy, để triển khai dự án nêu trên Chủ đầu tư phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư chịu tác động, và công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định (Điều 114 luật BVMT 2020).
"Không có địa phương nào muốn có bãi rác ở địa phương mình vì người ta ngại sự cố. Mà sự cố có xảy ra không? Xin thưa là có chứ, ở Việt Nam đã có nhiều rồi chứ. Vấn đề này, các cơ quan chức năng cần làm việc hết sức cẩn thận, mời các nhà khoa học tham gia và cũng cần có các kiểm tra, thanh tra để làm rõ ràng vấn đề.
Người dân thường sẽ có ý kiến về các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, ở đây chính quyền phải lắng nghe ý kiến của dân, xem dân họ yêu cầu cái gì? Nhà nước có thế mạnh gì để giải quyết? Nhà nước phải phê duyệt dự án một cách có cơ sở khoa học và được thể hiện rõ trong ĐTM.
Đứng về mặt khoa học, thì công nghệ có thể đủ đảm bảo về chất lượng môi trường cho khu vực xung quanh không bị ảnh hưởng nhiều. Có điều các cấp có thẩm quyền làm thế nào để thực hiện được các điều ấy”.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Đình Thắng - Hà Nam