Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Biến rác thải thành điện năng (Bài 10)
Công nghệ đốt rác phát điện từ rác thải sinh hoạt có thể là một giải pháp thay thế khả thi cho việc đốt rác truyền thống hiện nay.
Theo thống kê, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở khu vực nông thôn và trên 95% ở khu vực đô thị.
Tuy nhiên, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%), hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.
Trong khi đó, Vĩnh Phúc xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%. Đây là những chỉ tiêu cơ bản và việc phấn đấu để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện.
Khó khăn trong thu hút đầu tư
Chuyên gia môi trường Nguyễn Quốc Công (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đánh giá, ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh chất thải rắn (CTR) nhỏ trong khi việc liên kết vùng hạn chế, nên khó thu hút các doanh nghiệp (DN) tư nhân với công nghệ hiện đại.
Các quy định pháp luật chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa. Năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho BVMT mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư. Đó là chưa kể đến những bất cập trong phân bổ nguồn vốn này giữa trung ương và địa phương.
Mặt khác, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực xử lý CTRSH do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn và chưa đồng bộ, đầy đủ. Nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế. Tính hấp dẫn của các dự án xử lý CTRSH chưa cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn, tính toán thu hồi phức tạp. Các yếu tố cơ bản cho các hoạt động thị trường còn rất hạn chế, chưa thật sự rõ ràng.
Vấn đề về năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH cũng rất quan trọng khi phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường với công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp trực tiếp, đáp ứng các tiêu chuẩn tương ứng của các quốc gia ngày càng khắt khe. Việc chôn lấp không còn được coi là phù hợp nữa. Các bãi chôn lấp hoặc bãi chất thải không được kiểm soát sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm nước mặt, nước ngầm hoặc đất và phát thải khí nhà kính.
Giải pháp "biến rác thành điện"
Theo vị chuyên gia, các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc cũng như Chương trình Nghị sự Đô thị Mới của UN Habitat kêu gọi cải tiến trong các thực hành quản lý chất thải như một dịch vụ cơ bản cho người dân. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt cần được tích hợp vào khái niệm của một nền kinh tế tuần hoàn.
"Bãi chôn lấp là một giải pháp trung gian hoặc chuyển tiếp, nhưng vẫn cần thiết, để thải bỏ chất thải. Tuy nhiên chôn lấp không phải là mục tiêu cuối cùng của quản lý chất thải bền vững. Hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt nên tiếp tục ưu tiên tái chế vật liệu.
Đối với các dòng chất thải không thể tái chế cụ thể thì công nghệ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp khí hóa thiếu oxy tạo ra khí tổng hợp làm nhiên liệu chạy máy phát điện (WtE) có thể là một giải pháp thay thế khả thi để xử lý lượng chất thải ngày càng tăng trong những năm tới nếu các tiêu chuẩn môi trường được đáp ứng và các khía cạnh xã hội được xem xét cẩn thận cũng như nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh.
WtE không thể tự nó có thể giải quyết vấn đề mà cần được gắn vào một hệ thống quản lý chất thải rắn tổng hợp phù hợp với các điều kiện cụ thể của địa phương liên quan đến thành phần chất thải, thu gom và tái chế, khu vực phi chính thức, thách thức môi trường, tài chính, giá tài nguyên, và các khía cạnh khác. Khuyến khích giảm phát sinh chất thải và tăng cường tái chế, phân loại tại nguồn", ông Công phân tích.
Có thể nhận thấy, WtE là một giải pháp khả thi, giúp giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt. Và rõ ràng, CTRSH là nguồn tài nguyên tương lai có thể mang lại lợi ích kinh lớn.
Do vậy, theo chuyên gia Nguyễn Quốc Công, nhà nước cần tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, tôn trọng nguyên tắc thị trường minh bạch cho phép doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH có thể thu được lợi ích kinh tế. Đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý và minh bạch trong các quy định chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa theo nguyên lý "các bên cùng thắng" (win - win), theo đó mức lợi nhuận đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và đạt được mục tiêu quản lý một cách hiệu quả.
Những phân tích, nhận định, giải pháp liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt mà chuyên gia Nguyễn Quốc Công nêu ra, không chỉ phù hợp với riêng tỉnh Vĩnh Phúc mà nó phù hợp ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Bởi lẽ, phát triển kinh tế bền vững hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến.
Còn nữa....
Hoàng Hải - Hà Nam