Thứ sáu, 22/11/2024 13:41 (GMT+7)
Thứ hai, 05/09/2022 14:39 (GMT+7)

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7)

Theo dõi KTMT trên

Mỗi ngày, TP.Vĩnh Yên phát sinh 113 tấn rác thải sinh hoạt. Từ năm 2019, số rác này được công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên chôn lấp “tạm” trên núi Bông.

Hàng trăm nghìn tấn rác được... đổ tạm

Vĩnh Yên là thành phố đô thị loại II, tỉnh lị của tỉnh Vĩnh Phúc. Dù là một thành phố trẻ nhưng Vĩnh Yên có tốc độ phát triển khá nhanh, được xếp vào top những thành phố có sự “thay da đổi thịt” nhanh nhất ở miền Bắc.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7) - Ảnh 1
Toàn cảnh bãi chôn lấp "tạm" rác thải sinh hoạt trên núi Bông, phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên.

Theo số liệu từ đề án Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành cuối năm 2021 thì hiện nay mỗi ngày TP.Vĩnh Yên phát sinh khoảng 113 tấn rác thải sinh hoạt. Toàn bộ số rác nói trên sau khi được gom sẽ được Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đổ thẳng lên khu vực núi Bông, núi Mạ.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7) - Ảnh 2
Từ năm 2019, hàng trăm nghìn tấn rác thải được chôn lấp "tạm" tại đây. 

Mọi việc bắt đầu từ năm 2019, sau khi TP.Vĩnh Yên ngừng vận chuyển, chôn lấp rác thải sinh hoạt tại bãi rác tạm tại Khu công nghiệp Khai Quang để đảm bảo vệ sinh môi trường và khôi phục bãi rác Núi Bông. Cũng từ đây, toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP.Vĩnh Yên được đổ tại khu vực núi Bông, núi Mạ.

Rác được đổ trực tiếp ra môi trường, không có bạt lót phía dưới để ngăn chất thải ngấm vào lòng đất. Nước rỉ rác cũng không được xử lý chảy trực tiếp ra môi trường, tạo thành những dòng nước đen kịt. Mỗi khi có trời mưa, nước rỉ rác hòa cùng với nước mưa tạo thành một hồ nước đen kịt rộng hàng trăm m2. 

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7) - Ảnh 3
Hàng ngày xe của công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, đơn vị được thuê thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn TP.Vĩnh Yên vẫn ra vào bãi chôn lấp "tạm" rác trên núi Bông.

Với việc, mỗi năm TP.Vĩnh Yên phát sinh 45.990 tấn rác thải sinh hoạt thì khu vực núi Bông, núi Mạ đang chôn lấp tạm hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt.

Những ngày giữa tháng 6/2022, có mặt tại khu vực chôn lấp rác thải sinh hoạt tạm của TP.Vĩnh Yên trên núi Bông, núi Mạ, theo ghi nhận của phóng viên hoạt động chôn lấp rác thải tại khu vực núi Bông vẫn đang được thực hiện.

Con đường dẫn vào bãi chôn lấp rác mấp mô đầy những ổ ga do xe vận chuyển rác thường xuyên lui tới tạo ra. Thời điểm phóng viên có mặt tại đây, có hai chiếc xe tải loại 2,5 tấn dán nhãn Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên đang di chuyển vào bên trong. Phía bên trong bãi, một chiếc máy xúc đang được công nhân điều khiển san lấp rác thải.

Bên cạnh bãi rác khổng lồ, một vũng nước thải rộng hàng trăm m2 chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối. Đứng cách xa bãi rác hàng trăm mét phóng viên vẫn ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ bãi rác.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7) - Ảnh 4
Bên cạnh bãi rác xuất hiện các hố nước chuyển màu đen.

Bãi chỉ tiếp nhận rác của TP.Vĩnh Yên

Để tìm hiểu về công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Vĩnh Yên, Nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND TP.Vĩnh Yên. Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo UBND TP.Vĩnh Yên đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Yên trả lời.

Sau nhiều lần liên hệ, ông Nguyễn Đông Giang – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Vĩnh Yên cho biết các nội dung Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường quan tâm thuộc thẩm quyền trả lời của Ban Quản lý Dự án TP.Vĩnh Yên. Ông Giang cũng cho biết sẽ báo cáo lại sếp Quyết (ông Đào Trọng Quyết – Phó Chủ tịch UBND TP.Vĩnh Yên) nội dung trên.

Cũng liên quan đến nội dung trên, phóng viên đã liên hệ với Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên. Tuy nhiên, theo lời cán bộ phòng Hành chính Nhân sự của công ty thì lãnh đạo doanh nghiệp này liên tục bận đi công tác nước ngoài, du lịch không có thời gian trả lời báo chí.

Trong khi đó, trao đổi nhanh với Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Hà Thanh Hùng – Chủ tịch UBND phường Khai Quang cho biết: “Bãi chôn lấp rác ở núi Bông, núi Mạ là bãi chôn lấp tạm của TP.Vĩnh Yên, được tỉnh Vĩnh Phúc cho phép hoạt động trong lúc chờ xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung.

Khu vực công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (đơn vị được TP.Vĩnh Yên thuê thu gom, vận chuyển xử lý rác cho toàn bộ TP.Vĩnh Yên) đang đổ tạm rác được quy hoạch làm bãi chôn lấp rác thải của TP.Vĩnh Yên. Hiện khu đất này thuộc quyền quản lý của công ty Kim Long”.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7) - Ảnh 5
Xe ủi của công ty Môi trường và dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên đang chờ để san ủi rác.

Theo ông Hùng thì bãi rác này hoạt động theo chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong lúc chờ xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung, UBND tỉnh đề ra chủ trương xử lý rác theo phương án huyện, thành phố nào đổ rác tại địa phương ấy, không ai cho đi đổ nhờ, nên không có chuyện bãi rác ở đây tiếp nhận rác từ các địa phương khác.

“Hiện nay cả thành phố chỉ có duy nhất một bãi rác tại núi Bông. Từ khi làm chủ tịch phường, tôi chưa nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Hiện bãi rác không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương”, ông Hà Thanh Hùng - Chủ tịch UBND phường Khai Quang xác nhận.

"Về cơ bản, bãi rác đổ và chôn lấp đảm bảo quy định của Bộ TN&MT khi cách khu dân cư tối thiểu 500m. Khi chôn lấp, ở dưới đáy đơn vị xử lý lót các lớp nilon rồi mới đổ rác lên. Sau khi đổ rác, công nhân môi trường phun khử khuẩn ngăn ruồi muỗi xuất hiện", ông Hùng nói. 

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7) - Ảnh 6

Trong khi đó, theo đề án thì trong năm 2022, UBND TP.Vĩnh Yên cần phải chi hơn 39,5 tỉ đồng để vận chuyển số rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2022 về khu vực xử lý tập trung.

Ngoài ra, với đơn giá xử lý 370.000 đồng/tấn rác thải sinh hoạt thì trong năm 2022 UBND TP.Vĩnh Yên phải trích khoảng 17,016 tỉ đồng để xử lý số rác thải sinh hoạt nói trên. Số tiền chi cho việc vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn TP.Vĩnh Yên tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.  

Với việc hàng trăm nghìn tấn rác thải sinh hoạt của TP.Vĩnh Yên đang được chôn lấp tạm trên đỉnh núi Bông, núi Mạ. Sự việc kéo dài từ năm 2019, và chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Trong khi đó, sau những trận mưa lớn bên cạnh bãi bãi rác xuất hiện những hồ nước đen xì do nước rỉ rác hòa cùng với nước mưa đọng lại. Số nước này sau đó ngấm dần vào đất, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời gây ô nhiễm môi trường nặng nề, khiến người dân các khu vực có bãi rác tạm, nơi tập kết rác luôn sống trong cảnh bất an.

Theo khảo sát của PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, trên địa bàn một số xã của các huyện Lập Thạch, Sông Lô....cũng đang tồn tại những câu chuyện bất cập về vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khiến dư luận người dân bức xúc, mà quan trọng hơn nó đang ngày đêm gây ra những hệ lụy về môi trường mà người dân là người phải gánh chịu.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Hà Nam - Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Vì sao phải 'chôn tạm' hàng nghìn tấn rác? (Bài 7). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới