Thứ năm, 25/04/2024 15:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/06/2019 16:39 (GMT+7)

Báo chí đừng để mạng xã hội "dắt mũi"

Theo dõi KTMT trên

Hơn một thập kỷ trở lại đây, mạng xã hội (MXH) phát triển mạnh mẽ, tác động lớn, sâu rộng đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có báo chí. Trong điều kiện đó, các nhà báo, cơ quan báo chí cần phải làm gì để báo chí vẫn khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong trách nhiệm thông tin, định hướng dư luận? Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Nguyễn Tri Thức - Vụ trưởng, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

PV:Cuối năm 2018 vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Điều này khẳng định MXH đã có những chi phối nhất định đến đời sống xã hội và báo chí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Không thể chối cãi rằng, trong hơn một thập kỷ trở lại đây, truyền thông xã hội nói chung, MXH nói riêng, nhất là Facebook có tốc độ phát triển rất nhanh, tác động sâu rộng lên nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Điều đó buộc báo chí phải có những sự "ứng xử", đổi thay để tìm những giải pháp "sống chung", thích ứng với hệ sinh thái truyền thông mới, có nhiều đặc điểm, yêu cầu mới...

Báo chí đừng để mạng xã hội "dắt mũi" - Ảnh 1
Nhà báo Nguyễn Tri Thức.

Về việc ban hành bộ quy tắc sử dụng MXH đối với người làm báo thì không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã làm từ lâu, khá phổ biến. Điều đó là rất cần thiết và hợp lý. Thậm chí, có cơ quan báo chí còn đề ra những nguyên rắc riêng đối với việc sử dụng MXH của phóng viên, biên tập viên và có những quy định cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế tại cơ quan mình...

PV:MXH là diễn đàn tự do, tự phát ngôn của hàng triệu người. Báo chí cần phải làm gì để định tâm dư luận, giảm thiểu tác hại của thông tin sai sự thật, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Thực tế thời gian qua, trên MXH tồn tại rất nhiều thông tin không được kiểm chứng mà lại được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng. Việc thẩm định thông tin trên MXH đòi hỏi người làm báo phải có chuyên môn vững chắc, có kỹ năng và hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Sự phân tích, lý giải thông tin phải hết sức cẩn trọng, nếu vội vã sẽ bị thông tin trên mạng "dắt mũi".

Có nhiều trường hợp nhà báo hay cơ quan báo chí đăng bài theo thông tin không chính xác được lan truyền trên Facebook và phải nhận những hậu quả đáng tiếc. Do vậy, mỗi người làm báo cần phải có chuyên môn, đạo đức vững vàng, đưa tin đúng sự thật, tránh thông tin tiêu cực, quá đà gây hoang mang dư luận. Báo chí chính thống nên có sự định hướng và phản hồi xã hội thật mạnh mẽ để có thể khẳng định độ đúng, sai của thông tin chứ không cuốn theo MXH.

"Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam" góp phần không nhỏ trong việc điều chỉnh ý thức, hành động, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo khi tham gia MXH một cách chuẩn mực, phù hợp, có lợi cho sự phát triển chung của xã hội cũng như nền báo chí.

- Nhà báo Nguyễn Tri Thức -

PV:Thực tế hiện nay, nhiều độc giả đã suy giảm niềm tin đối với báo chí. Vậy theo ông, người làm báo nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung cần phải làm gì để báo chí luôn được công chúng tin tưởng?

Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Có một thực tế rằng, niềm tin của công chúng xã hội đối với báo chí đã bị suy giảm ít nhiều, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Thực tế, một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thậm chí xa rời và chú trọng yếu tố thương mại hóa, giật tít, câu view, phản ánh đậm đặc mặt tiêu cực, sai trái, "chiều chuộng" bạn đọc một cách thái quá khiến hình ảnh xã hội trên báo bị mất cân bằng, méo mó, không đúng sự thật mà chủ yếu là các gam màu xám… Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhà báo, cơ quan báo chí lợi dụng việc chống tiêu cực để tiêu cực, không đúng chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp đã ít nhiều làm mất lòng tin của công chúng.

Ở nước ta, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, trong thời gian tới, hệ thống các cơ quan báo chí sẽ được sắp xếp lại, quản lý được siết chặt, xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới. Bên cạnh đó, nhà báo và các cơ quan báo chí cũng cần nỗ lực trong việc thực hiện tốt các quy định để báo chí xứng đáng với sứ mệnh cao cả được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

PV:Có thể thấy sức mạnh lan truyền thông tin trên MXH là rất lớn. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều sử dụng mạng xã hội để làm công cụ quảng bá hữu hiệu cho tờ báo của mình? Vậy có phương thức nào để chúng ta sử dụng MXH thật hiệu quả và đúng pháp luật, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Tri Thức: Việc sử dụng MXH để quảng bá cho cơ quan báo chí là rất tốt. Nó như một "cánh tay" nối dài của cơ quan báo chí nhằm chia sẻ thông tin, tạo dựng và duy trì quan hệ với bạn đọc. Nhiều cơ quan báo chí còn lập ra các Fanpage, hội nhóm trên Facebook để phát hành nội dung báo chí, chia sẻ những bài viết hay, có tính thời sự để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.

Trong kỷ nguyên của truyền thông xã hội, những nội dung thông tin, bài báo được chia sẻ lên MXH rất nhanh chóng và sẽ tạo được lượng truy cập rộng rãi từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, việc sử dụng MXH để quảng bá cho tờ báo cũng phải hết sức chú trọng. Không nên quá lạm dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chia sẻ thông tin mà dẫn đến sai lệch tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần đưa ra quy định cụ thể về cách thức hoạt động của các fan page, hội, nhóm… của chính cơ quan mình.

Việc đăng bài, chia sẻ bài viết lên các trang MXH cần phải hết sức cẩn trọng. Đó phải là những bài viết hay, chuẩn mực, khách quan, chân thực và là những thông tin có hàm lượng tri thức cao. Nếu biết cách sử dụng MXH để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, thì nó sẽ trở thành kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí.

PV:Trân trọng cảm ơn ông.

Nguyễn Luận

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Báo chí đừng để mạng xã hội "dắt mũi". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.