Thứ sáu, 29/03/2024 20:20 (GMT+7)
Thứ năm, 12/11/2020 11:15 (GMT+7)

Băn khoăn về việc 'tách' Luật Giao thông đường bộ

Theo dõi KTMT trên

Tại phiên thảo luận ở tổ sáng 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ .

Ngày 11/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Trong đó, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT chủ trì. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là có nên tách thành 2 luật hay không.

Theo Báo Hải Quan, phát biểu tại tổ thảo luận, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Khi kết hợp 4 thành tố mới trở thành giao thông đường bộ. Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ. Việc tách thành hai luật là không hợp lý.

Băn khoăn về việc 'tách' Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 1
Tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Đỗ Văn Sinh bày tỏ nhiều băn khoăn trong việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng đặt vấn đề, giao thông có 5 lĩnh vực là đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Nếu đường bộ tách thành 2 luật, thì sau này 4 lĩnh vực kia có tách hay không?

Nếu Luật Giao thông đường bộ vướng ở đâu thì chúng ta sửa ở đó để đảm bảo đồng bộ tốt hơn, chứ không phải xé ra thành hai luật. Việc tách thành hai luật là không ổn, tôi không đồng tình với việc tách thành hai luật”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) phân tích thêm, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Muốn đưa thêm dự án Luật nữa vào trong chương trình, phải tuân theo Luật ban hành văn bản pháp luật hiện hành.

"Những nội dung nào được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp luật phải làm một việc quan trọng là đánh giá tác động của chính sách. Trên cơ sở đó, phạm vi điều chỉnh sửa đổi hay sửa đổi toàn diện, hay một số điều phải thể hiện rõ ngay từ khi đưa vào chương trình", đại biểu Dung nói.

Có nên chuyển sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an?

Một nội dung khác được các ĐB cho nhiều ý kiến là có nên chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh phân tích, thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang làm tốt. Nếu chỉ vì có hiện tượng GPLX giả mà phải chuyển sang công an thì liệu có tốt hơn không?

Đến tiền còn làm giả được, thì có chuyển việc in tiền sang cho công an làm? Vậy chứng minh thư làm giả thì chuyển cho ai làm?”, đại biểu Sinh đặt câu hỏi.

Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, Việt Nam đang xã hội hóa hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch GPLX, giờ chuyển lĩnh vực này sang Bộ Công an quản lý thì hàng nghìn nhân sự ngành giao thông đang làm công việc này chuyển sang có làm ngành công an tăng biên chế không?

“Chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho Bộ Công an, vậy cấp bằng tàu hỏa, máy bay thì Bộ Công an có làm không? Đặc biệt, khi Bộ Công an quản lý sẽ tạo thành một quy trình khép kín, không minh bạch, khi xảy ra tiêu cực ai là người kiểm tra, xử lý", đại biểu Sinh liên tục đặt vấn đề.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng bày tỏ nhiều băn khoăn: “Với phương pháp luận xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ này sẽ theo kiểu không tin ai cả, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt, các bộ khác không làm tốt. Nếu vậy giáo viên đi dạy chất lượng kém, bằng giả nhiều thì Bộ Công an cũng cấp cả bằng giáo viên hay sao?”.

Về nội dung chuyển sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho biết, nhiều cử tri và nhân dân không đồng tình về đề xuất này.

Theo ông Nhưỡng, nếu vì lý do làm chưa được tốt việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở mặt nào đó mà chuyển vai trò quản lý nhà nước sang bộ khác thì không nên. Bởi trong nhà nước pháp quyền có sự phân công kiểm soát rất rõ, nhiệm vụ của bộ ngành nào thì bộ ngành đó làm, nếu có làm không tốt thì kiểm điểm, quy trách nhiệm người đứng đầu, chứ không phải cứ làm không tốt là chuyển sang cho bộ ngành khác.

Hàng nghìn cán bộ sẽ đi về đâu?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn về việc tách ra thành hai luật. Theo ông, dù hồ sơ trình hai luật đã cố gắng phân định, nhưng vẫn còn những điểm trùng lắp, chồng chéo. “Cái tổng thể của giao thông bao gồm hai yếu tố cấu thành: tĩnh và động. Liệu chúng ta có tách được hai cái này ra không để điều chỉnh trong hai luật mà nó không liên quan tới nhau và đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Đặc biệt, ông Tùng cũng lo ngại về việc xử lý vấn đề cán bộ sau khi có hai luật này. Riêng về quản lý cấp phép, ngành GTVT có khoảng 2.000 cán bộ, công chức. Chắc chắn không chuyển sang Bộ Công an được.

Vậy 2.000 người đó, anh Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng GTVT) “thải ra” ngoài hay tiếp tục sử dụng việc khác? Biên chế đấy có phải dư không? Có đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy không? Ngành Công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không?”, ông Tùng đặt hàng loạt câu hỏi.

Cũng theo ông Nguyễn Mai Bộ, nếu chuyển sang Bộ Công an sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn là lãng phí. Bởi lẽ sẽ có tới 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô được được xã hội hóa 100% phải dừng hoạt động và hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức mất việc. Bộ Công an sẽ phải bổ sung biên chế, tổ chức bộ máy và ngân sách tương tự để thực hiện việc này.

“Có một thực tế, cả nước có hơn 2.000 cán bộ công chức trong đó có khoảng 600 cán bộ công chức là nhà quản lý, khoảng 1.700 viên chức công chức làm nhiệm vụ sát hạch. Nếu chuyển đổi, lực lượng này này có sang Bộ Công an không hay giải tán? Họ sẽ đi đâu về đâu?”, đại biểu hỏi.

“Không lãng phí, không phát sinh nhân sự”

Theo Tiền Phong, lý giải về vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì) sẽ tiết kiệm được rất nhiều chứ không lãng phí như một số lo ngại. Theo Bộ trưởng, việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, thậm chí còn rút gọn được.

Băn khoăn về việc 'tách' Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 2
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, khi tách làm hai luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều chứ không lãng phí như một số đại biểu lo ngại.  Việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, thậm chí còn rút gọn được.

Đại tướng Tô Lâm dẫn dụ, với một số vấn đề, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể phối hợp các đơn vị khác xử lý, không cần lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa. “Không nước nào CSGT giữ xe vi phạm lại, sau đó chờ Thanh tra giao thông đi kiểm tra, như thế rất chồng chéo, bất cập”, Bộ trưởng Bộ Công an nói, và khẳng định lực lượng CSGT hoàn toàn có thể hoàn thành thêm các nhiệm vụ này nhờ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Trước băn khoăn về các cơ sở sát hạch lái xe vốn đã được Bộ GTVT đầu tư thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định “không đụng chạm” đến các cơ sở này, bởi việc đào tạo lái xe chủ yếu là xã hội hoá, Bộ Công an chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn. Bên cạnh đó, việc ban hành luật cũng góp phần phục vụ công tác phòng chống tội phạm.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Băn khoăn về việc 'tách' Luật Giao thông đường bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.